| Hotline: 0983.970.780

Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Gia Lai sôi động và hiệu quả

Chủ Nhật 06/09/2020 , 07:34 (GMT+7)

Sau 5 năm thực hiện xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Gia Lai đã thu được nhiều thành tựu cả về số doanh nghiệp đăng ký và hiệu quả cao…

Chuồng trại hiện đại và khép kín của khu chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hùng Nhơn.

Chuồng trại hiện đại và khép kín của khu chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hùng Nhơn.

Sôi động

Nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên, Gia Lai có diện tích đất tự nhiên trên 1,5 triệu ha (trong đó đất nông nghiệp gần 1,4 triệu ha). Gia Lai có các nhóm đất chính là đất đỏ bazan, đất xám, đất đen, cộng với thời tiết khí hậu mát mẻ, rất phù hợp cho việc phát triển cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày.

Thêm vào đó, đồng cỏ rộng lớn thuộc Top đầu cả nước nên rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, gắn với công nghiệp chế biến nông - lâm - súc sản, phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Ngoài ra, Gia Lai còn có Cảng Hàng không Pleiku với các chuyến bay hàng ngày đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh; có các quốc lộ 14, 19, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn… đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, kết nối Gia Lai với các tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên - Đông Nam bộ…

Với những tiềm năng và lợi thế như trên, Gia Lai hội đủ điều kiện để phát triển mạnh các ngành kinh tế như: Phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông lâm sản; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp…

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Gia Lai, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 102/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019, quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh này cũng đã có nhiều văn bản phê duyệt các danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục hành chính, quá trình triển khai thực hiện dự án, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc để dự án sớm đi vào hoạt động. Các lĩnh vực nông nghiệp lợi thế mà Gia Lai quan tâm thu hút đầu tư như: Sản xuất trồng trọt công nghệ cao (rau, hoa quả, dược liệu, sản xuất chế biến cà phê, hồ tiêu…), sản xuất chăn nuôi công nghệ cao, chế biến sâu nông sản chủ lực…

Nông dân Tây Nguyên tin tưởng khi được Doveco Gia Lai đầu tư, thu mua chanh dây.

Nông dân Tây Nguyên tin tưởng khi được Doveco Gia Lai đầu tư, thu mua chanh dây.

Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020 (tính đến ngày 30/6/2020), toàn tỉnh đã thu hút được 122 dự án đầu tư vào các lĩnh vực như nông lâm ngư nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản, với tổng vốn đầu tư 11.126 tỷ đồng (đạt 203,33% kế hoạch).

Cụ thể, năm 2016 có 18 dự án đầu tư với tổng vốn 3.788 tỷ đồng, năm 2017 có 21 dự án với tổng vốn 1.408 tỷ đồng, năm 2018 có 40 dự án với tổng vốn 2.954 tỷ đồng, năm 2019 có 27 dự án với tổng vốn 2.042 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2020 đã có 16 dự án đầu tư với tổng vốn 934 tỷ đồng. Ngoài ra có 10 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát; 26 dự án đang hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương nghiên cứu, khảo sát.

Hiệu quả là tất yếu

Chỉ trong một thời gian không dài tỉnh Gia Lai kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia, bước đầu đã mang lại hiệu quả khá khả quan.

Trên lĩnh vực trồng trọt, có thể nhắc đến Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Gia Lai (DOVECO Gia Lai - thuộc Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao). Năm 2018, DOVECO Gia Lai chính thức có mặt ở Gia Lai.

Với tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, đây là một trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước, xuất khẩu.

Vườn ươm giống chanh leo đầu dòng của Doveco Gia Lai, phục vụ nhu cầu giống cho nông dân trong vùng.

Vườn ươm giống chanh leo đầu dòng của Doveco Gia Lai, phục vụ nhu cầu giống cho nông dân trong vùng.

Với quy mô như trên, tổ hợp các nhà máy có năng lực thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại mỗi năm như chanh leo, xoài, bơ, sầu riêng… Chủ lực vẫn được nhà máy xác định là chanh leo.

Hiện Công ty có trên 13.000ha vùng nguyên liệu ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông. Sản phẩm chủ lực là chanh leo với 12.750ha. Công ty đầu tư ban đầu về giống cho nông dân, đến khi thu mua sẽ khấu trừ lại. Hiện Cty đang hợp đồng thu mua chanh leo với giá tối thiểu 6.000 đồng/kg. Theo tính toán: 1ha chanh leo thu khoảng 50 tấn quả, nông dân có thu nhập 300 triệu đồng, lãi ròng 150 triệu đồng mỗi ha/năm.

Theo đó, bên cạnh việc doanh thu cho doanh nghiệp, Doveco Gia Lai đã giải quyết hàng chục ngàn lao động là nông dân ở các địa phương có vùng nguyên liệu, đóng góp ngân sách cho địa phương, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định…

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết: Tuy mới có mặt trên địa bàn tỉnh, nhưng Doveco Gia Lai là doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

“Sắp tới, Doveco Gia Lai dự kiến đầu tư thêm một nhà máy với công suất khoảng 70.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là cơ hội để Gia Lai bứt phá, mở rộng diện tích rau củ quả trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là gắn với nhà máy chế biến sâu, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai: Có thể nói, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn- cả chăn nuôi lẫn trồng trọt được xem là một trong những mảng thu hút đầu tư mạnh nhất của tỉnh, bởi nhờ vào thế mạnh của tỉnh như đất đai rộng lớn, điều kiện thời tiết khí hậu tương đối phù hợp cho nhiều loại cây trồng. Ngoài ra, Gia Lai có đồng cỏ khoảng 17- 18 ngàn ha, rất phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi tập trung đại gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò công nghệ cao…

Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng không kém phần sôi động khi mà hiện tại, toàn tỉnh có 41 dự án đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó có 6 dự án đang hoạt động. Quy mô đầu tư của các dự án gồm 127.500 con bò, 29.271 lợn nái, 606 lợn đực giống, 580.870 con lợn thịt, 40.000 con gà đẻ, 19.200 vịt đẻ, 45.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm.

Theo ông Có thì đây là cơ hội tốt để chuyển hướng đầu tư từ nông hộ sang chăn nuôi tập trung, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Công ty CP chăn nuôi xanh GIC đầu tư dự án chăn nuôi ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) với quy mô khoảng 2.600 con lợn giống, gồm các loại giống tốt nhất, tỷ lệ nạc cao.

Cũng tại xã huyện Ia Pa, nhiều doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn thịt với số lượng lớn như Công ty CP Nông nghiệp Avifarm 10.000 con, Công ty TNHH Hiệp Phát Cao Nguyên 16.000 con; hay ở huyện Phú Thiện có Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farms 79 nuôi 16.000 con, Công ty TNHH MTV Nam Sài Gòn 16000 con… Điều này góp phần đáp ứng nhu cầu tái đàn lợn của tỉnh, thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Cũng mới đây (ngày 24/6), tại tỉnh Gia Lai đã diễn ra hội nghị bàn về kế hoạch đầu tư xây dựng “Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai”.

Dự án do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô sử dụng đất từ 50ha đến 100 ha gồm các hạng mục: Khu trang trại chăn nuôi 2.500 heo giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan với diện tích từ 45ha đến 50ha; diện tích còn lại sẽ được phân bổ cho Nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân hữu cơ; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật; khu tập kết, thu mua, bảo quản và đóng gói trái cây theo tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao.

Toàn cảnh khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của hai Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn.

Toàn cảnh khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của hai Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn.

Dự án chăn nuôi này được ứng dụng 100% công nghệ cao, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế giúp kiểm soát tốt chất lượng, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Điểm mới trong dự án là hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Điều này góp phần nâng cao giá trị môi trường của sản phẩm gà thịt. Đồng thời, dự án còn tạo ra cơ hội việc làm cho 150 lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group, cho biết: “Chúng tôi mong muốn Gia Lai trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên. Gia Lai có diện tích đồng cỏ rộng lớn, rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tiêu chuẩn quốc tế. Dự án tập trung ở Gia Lai sẽ là điểm sáng trong phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ và công nghệ cao”.

Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: Cùng với trồng trọt, các dự án chăn nuôi được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Với những gì đã cam kết, các bên sẽ cùng đồng hành, nỗ lực để các dự án sớm đi vào hoạt động, giúp người dân khu vực xung quanh sớm được hưởng lợi từ dự án. Gia Lai sẽ cố gắng tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào Gia Lai một cách hiệu quả.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm