Sau khi tăng nhanh, hiện giá lợn hơi đã chững lại xung quanh ngưỡng 62.000 đồng/kg. |
Ngay sau khi giá lợn hơi tăng mạnh trên 10 giá chỉ trong vòng 8 ngày (từ 4/10 - 11/10) nhiều nguồn tin và dự luận nghi ngờ có hay không việc thao túng tăng giá lợn thịt để bán lợn giống cho dân?
Trao đổi với chúng tôi về nghi vấn này, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định, giá lợn tăng như hiện nay là hoàn toàn bình thường theo đúng quy luật cung cầu thị trường. Ông Dương cho rằng, mức giá trên vẫn trong tầm kiểm soát, không có chuyện thao túng hay đẩy giá lợn hơi lên cao để bán giống.
Ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, chăn nuôi lợn tại nước ta gặp khủng hoảng thị trường rồi dịch dã liên miên từ năm 2016 đến nay nên đây là thời gian vàng để người chăn nuôi gỡ gạc lại phần nào mất mát quá lớn trong 3 năm qua. Từ đó mới có sức lực và động lực để tiếp tục duy trì, chiến đấu với dịch tả lợn Châu Phi rất cam go trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo Quyền Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương, năm 2019 này gia cầm tăng trưởng trên 13%, trâu bò trên 5%, thủy sản gần 7% cộng với lượng lợn doanh nghiệp, trang trại, người dân vẫn giữ được, nếu điều hành tốt chắc chắn giá lợn hơi tại Việt Nam sẽ không tăng phi mã khủng hoảng như tại Trung Quốc.
Đúng như lời ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy mặc dù giá lợn hơi trong nước đã tăng lên trên 60.000 đồng/kg, song thực tế lợi nhuận mà các doanh nghiệp thu về không quá lớn như những phép tính toán cộng trừ nhân chia.
Lãnh đạo một tập đoàn chăn nuôi lớn tại phía Bắc chia sẻ, bình thường giá thành 1kg lợn hơi khoảng 37.000 - 39.000 đồng/kg, song khi dịch tả Châu Phi bùng phát và kéo dài phải cộng thêm chi phí sát trùng, khử trùng, vôi bột, chi phí tăng lương, chế độ phụ cấp cho công nhân ăn ở tại trại cùng rất nhiều chi phí gián tiếp khác khiến giá thành lợn hơi tăng lên khoảng 42.000 - 43.000 đồng/kg.
Đấy mới chỉ là những khoản chi phí cứng, giá thành lợn còn phụ thuộc rất lớn vào việc giữ được đầu đàn và tỉ lệ hao hụt. Và trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục hoành hành, có thể gõ cửa bất cứ trang trại, doanh nghiệp nào như hiện nay không ai dám nói mạnh.
“Chỉ một trại lợn dính dịch ngay lập tức giá thành lợn của bất cứ trang trại, doanh nghiệp nào sẽ tăng vọt lên trên 50.000 đồng/kg ngay. Mặc dù giá lợn đang khá cao, nhưng không hề dễ ăn một chút nào.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi và khảo sát của chúng tôi không có hiện tượng đẩy giá lợn hơi để bán lợn giống. |
Do đó, dù là doanh nghiệp bán lợn giống nhưng chúng tôi chân thành khuyên các hộ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ không nên vào đàn lúc này vì nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn ở cấp độ rất nguy hiểm và thực tế rất nhiều hộ dân vừa qua đã bị tái dịch khi tự ý tái đàn”, lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi lợn tại Bắc Ninh chia sẻ.
Theo số liệu thống kê mới nhất của ngành thú y, lượng lợn bị chết hoặc tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi đến thời điểm hiện tại khoảng gần 6 triệu con/30 triệu đầu lợn tại Việt Nam, chiếm xấp xỉ 20% tổng đàn và trên 10% sản lượng thịt |
Theo khảo sát của chúng tôi, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam hiện là doanh nghiệp sở hữu đàn lợn nái lớn nhất Việt Nam với quy mô được dự đoán trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi vào khoảng 350.000 nái.
Tuy nhiên, do là doanh nghiệp FDI hoạt động theo mô hình liên kết với nông dân gia công chăn nuôi lợn nên nhiều năm gần đây C.P Việt Nam gần như không bán lợn giống ra bên ngoài mà toàn bộ lợn con của doanh nghiệp này được đưa vào hệ thống chăn nuôi gia công nên giá lợn giống cao hay thấp với C.P không quan trọng.
Được đánh giá đứng vị trí thứ 2 về quy mô đàn nái tại Việt Nam với khoảng 30.000 con, Tập đoàn Dabaco Việt Nam với gần 10 doanh nghiệp, công ty con chuyên về chăn nuôi lợn nái và lợn thịt có bán lợn giống ra bên ngoài.
Nhưng ngày 6/8/2019, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So đã ban hành văn bản quy định mức giá bán lợn con 6,5 - 7kg từ ngày 7/8 tối thiểu phải từ 1,9 - 2 triệu đồng/con, trong khi giá bình quân ngoài thị trường khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/con lợn 21 ngày tuổi sau cai sữa.
Giá lợn đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. |
Đi sâu vào tìm hiểu chúng tôi được biết, đây chỉ là động thái của ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco nhằm khuyến khích, định hướng các công ty con đẩy mạnh việc tự chăn nuôi lợn thịt thay vì bán lợn giống.
Thực tế, hiện nay rất nhiều công ty con trước đây vốn chỉ nuôi nái và bán giống của Tập đoàn Dabaco đã và đang đi thuê hoặc hợp tác với các trang trại để gia công chăn nuôi lợn thịt. Hiện Dabaco đang bán lợn giống sau cai sữa 21 ngày ra thị trường với mức giá trên 2 triệu đồng/con, nhưng thực tế người dân rất khó mua được.
Phải có kịch bản, giải pháp ổn định giá lợn trong các dịp lễ Trước tình hình giá lợn có xu hướng tăng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan như Tài chính, Công thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn bao gồm cả lợn hơi và lợn thành phẩm từ nay đến cuối 2019. Từ đó, đưa ra kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn trong thời gian tới, đặc biệt là các dịp lễ và Tết Nguyên đán Canh Tý. Trong đó không loại trừ phương án nhập khẩu thịt từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam. Ngoài ra, Tổng cục Thống kê phối hợp với các cơ quan liên quan, đánh giá tác động của giá thịt lợn tới chỉ số giá tiêu dùng CPI. Từ đó có giải pháp đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI trong năm 2019 và 2020. Tùng Đinh |