Một báo cáo nghiên cứu về tình hình giá cả vừa thực hiện cho biết: Một làn sóng tăng giá lương thực- thực phẩm mới ở các siêu thị, cửa hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng Giêng. Mức tăng giá sẽ dao động trong khoảng từ 2% đến 20% đối với một loạt mặt hàng chủ lực bao gồm mì ống, gia vị, súp, bánh quy, các sản phẩm từ sữa và thịt...
Theo tờ Wall Street Journal, tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên 6,8% tính đến tháng 11 - mức tăng cao nhất trong vòng 39 năm đang vẫn không có dấu hiệu chậm lại, với việc các nhà sản xuất thực phẩm lớn đang chuẩn bị tăng giá bán thêm một lần nữa. Nguyên nhân chính vẫn chủ yếu liên quan đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí lao động ngày càng tăng.
Kraft Heinz, chủ cơ sở sản xuất thịt Mỹ Oscar Mayer, kiêm sở hữu các chuỗi thực phẩm Kraft Macaroni & Cheese và Jell-O - nói với các nhà bán lẻ rằng họ đang có kế hoạch tăng giá một số mặt hàng lên tới 20%, theo một bản ghi nhớ.
Theo đó mức tăng giá trung bình đối với các sản phẩm của nhà sản xuất Kraft Heinz sẽ là 5%, và cho biết thêm rằng một số sản phẩm như mù tạt Grey Poupon sẽ tăng từ 6% đến 13%, do chi phí sản xuất đã tăng tới 22%.
Mondelez International, công ty sản xuất đồ ăn nhẹ bao gồm thương hiệu bánh quy nổi tiếng Oreo và bánh quy giòn Ritz cho hay, sẽ tăng giá từ 6% đến 7% bát đầu từ tháng Giêng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thực phẩm lớn khác bao gồm cả Campbell Soup và General Mills, hay Cheerios, cũng đều đã cảnh báo họ sẽ tăng giá hàng hóa của mình bắt đầu từ năm mới 2022 nhưng không tiết lộ mức tăng giá cụ thể sẽ là bao nhiêu.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, nhiều tháng qua người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng mạnh hầu bao do chi phí thực phẩm tăng cao. Chỉ số thực phẩm tại nhà (food-at-home index), bao gồm các cửa hàng tạp hóa đã tăng khoảng 6,4% trong 12 tháng qua. Trong đó các loại protein chủ lực bao gồm thịt bò, thịt gia cầm, cá và trứng đã tăng giá gần 13%.
Kroger- công ty siêu thị lớn nhất là đơn vị hiếm hoi đang trì hoãn việc tăng giá bán hàng hóa nhưng động thái này được cho là “thách thức các nhà sản xuất” trong bối cảnh hiện nay. “Tăng giá bán không bao giờ là một kết quả tốt”, Stuart Aitken, đại diện chuỗi siêu thị Kroger nói.
Theo tờ Bloomberg, với việc thị trường phân bón thế giới thời gian qua chứng kiến những cú sốc về nguồn cung chưa từng có trong lịch sử và đẩy giá cao kỷ lục, lạm phát lương thực toàn cầu dự báo sẽ còn tăng hơn nữa khi sản lượng cây trồng giảm và giá sản phẩm tăng cao. Chuyên gia phân tích Alexis Maxwell của Bloomberg, cho biết: "Tình hình hiện nay khiến nông dân có thể chuyển gánh nặng giá phân bón tăng sang vai người tiêu dùng dưới hình thức giảm sản lượng và tăng giá sản phẩm cây trồng".
Vào tuần trước chỉ số giá Dow Jones cho biết, nông dân nhiều nơi đang thất vọng vì phải điều chỉnh kế hoạch gieo trồng vụ xuân sắp tới do giá phân bón ngày một tăng cao. Điều này có thể sẽ khiến nhiều nông dân chuyển sang các loại cây trồng ít sử dụng phân bón hơn, hoặc cắt giảm việc sử dụng phân bón, đồng nghĩa với việc sẽ có thể dẫn đến năng suất thấp hơn và sản lượng ít hơn và đẩy giá nông sản tăng cao hơn.
Chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng hơn 30% trong vòng 12 tháng qua, đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ do thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cộng với các vấn đề của đại dịch Covid-19 khiến cho tình hình ngày thêm trầm trọng.
Trong khi đó thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) cho hay, khoảng 1/10 dân số trên thế giới đang bị khủng hoảng thiếu đói do giá vật tư đầu vào đã góp phần tác động tiêu cực đến sản xuất các loại cây trồng chủ lực, khiến cho chỉ số giá lương thực tăng lên.
Còn nhớ vào dịp trung tuần tháng 10 đến đầu tháng 11 tại Trung Quốc, giá rau chân vịt leo lên 12,8 nhân dân tệ/kg hoặc 5,5 nhân dân tệ/1 quả dưa chuột hay giá một cây súp lơ đã tăng lên mức lịch sử là 10 nhân dân tệ, tương đương 1,5 USD, cao gấp 3 lần vài ngày trước đó. Trên khắp các nền tảng mạng xã hội ở quốc gia trên 1,4 tỷ dân, người tiêu dùng xôn xao bình luận và kêu ca giá rau xanh còn cao hơn cả giá thịt lợn - mặt hàng thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Trung Quốc lại xuống thấp bất ngờ do hệ lụy của dịch bệnh.
Giới phân tích cho biết, giá cả các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu tăng cao đã và đang làm thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm, với một số người chọn các loại thịt rẻ hơn, như thịt gà và thịt xay. “Trong khi một số mặt hàng khác có mức tăng đột ngột đã buộc người tiêu dùng buộc phải từ bỏ hoàn toàn khỏi thực đơn bữa ăn gia đình”, theo báo cáo.