| Hotline: 0983.970.780

Giá tạm ổn, niềm vui trải khắp vùng ớt xuất khẩu Bình Định

Thứ Năm 19/04/2018 , 06:30 (GMT+7)

Năm nay, thời điểm vụ ớt ĐX 2017 – 2018 ở Bình Định bắt đầu cho thu hoạch, giá ớt chỉ địa (ớt to) đứng ở mức 50.000đ/kg nên người trồng vui không kể xiết.

10-49-08_1
Ớt chỉ địa ở mức giá cao nên nông dân có lãi

Sau đó giá ớt giảm dần, nhưng trong 1 thời gian dài đứng ở mức 30.000 - 40.000đ/kg. Hiện ớt đang cho thu hoạch rộ, nhưng giá vẫn ở mức 9.000đ/kg. Tương tự, ớt chỉ địa (ớt nhỏ) cũng có giá cao, từ 20.000 – 25.000đ/kg. Giá ổn đã cho người trồng có được mùa ớt “ngọt”!

Theo ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ ớt” cho biết, vụ ĐX 2017 – 2018, nông dân huyện này đã trồng được khoảng 1.100ha ớt, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 100ha, chủ yếu là ớt chỉ địa chuyên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thời điểm trước tết, giá ớt chỉ địa ở Phù Mỹ bán được 50.000đ/kg, cái giá trong mơ của người trồng. Qua tết, giá ớt giảm dần xuống 40.000đ/kg rồi 30.000đ/kg, thời điểm này kéo dài hơn 1 tháng. Bây giờ, khi ớt cho thu hoạch rộ, ớt chỉ còn 9.000đ/kg, nhưng vẫn cho họ niềm vui.

Ông Nguyễn thành Lợi, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho hay, năng suất ớt vụ này đạt khoảng 1,3 tấn/sào. Với chuỗi giá ổn định kể trên, người trồng có lãi khá. Vẫn như những năm trước, đầu ra của cây ớt Phù Mỹ chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Nhưng do thị trường này thường xuyên biến động xấu, nên các đại lý chuyên thu mua đã bắt đầu thâm nhập thị trường Malaysia. Tuy lượng hàng xuất sang Malaysia chưa nhiều, nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho người trồng ớt.

Giải thích vì sao những năm trước đây, người trồng ớt ở Phù Mỹ đã có không ít lần “nếm trái đắng” vì giá ớt hạ đến mức thê thảm, dưới 2.000đ/kg, nông dân bỏ chín rụng đầy ruộng vì bán không đủ tiền trả công hái, vậy mà diện tích trồng ớt không ngừng tăng, ông Lợi phân tích: “Chỉ trừ khi thị trường Trung Quốc dừng thu mua nông dân mới thua lỗ, chứ giá ớt chỉ cần 9.000đ/kg như hiện nay thì so với làm lúa, nông dân vẫn có lãi hơn nhiều”.

10-49-08_2
Nhiều diện tích ớt ở huyện Phù Mỹ đang chín rộ

Không chỉ có ớt chỉ địa chuyên xuất khẩu có giá, năm nay ớt chỉ thiên tiêu thụ nội địa cũng có giá cao, từ 20.000 – 25.000đ/kg, nông dân chuyên trồng loại ớt này cũng “vào cầu”.

Theo ông Đào Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn), trên địa bàn xã này có hơn 40ha ớt, diện tích tăng gần gấp đôi so cách đây vài năm và hầu hết được trồng ớt chỉ thiên tiêu thụ nội địa. Tuy giá ớt “lúc nóng lúc lạnh”, nhưng so với cây lúa thì ớt mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. Vì vậy, không chỉ có đất bãi bồi ven sông mà cả những diện tích đất bạc màu, đất dự phòng không chủ động nước bà con nông dân cũng đấu giá thuê để trồng ớt. Thậm chí nhiều khu vườn tạp cũng được cải tạo để trồng ớt.

HTXNN Bình Hòa I, nơi có vùng đất soi dọc sông Kôn phù sa màu mỡ rộng 25ha đều được nông dân trồng ớt. Theo tính toán của nông dân ở đây, bình quân 1ha ớt cho thu nhập 300 triệu đồng. Ông Trần Bá Hòa, Phó Giám đốc HTXNN Bình Hòa I cho hay: “Thời điểm này bà con đang tập trung thu hoạch ớt đợt 1, giá ớt hiện dao động từ 20.000 - 25.000đ/kg, cho lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác”.

Chu kỳ thu hoạch ớt rất dài. Đối với ớt chỉ thiên thì chu kỳ thu hoạch kéo dài đến 5 – 6 tháng, còn ớt chỉ địa thì 2 – 3 tháng, sau đó mới nhổ bỏ trồng cây khác. Giá ớt có thể biến động thấp vào lứa thu hoạch này, nhưng có thể tăng cao vào thời điểm thu hoạch lứa sau.

Do đó, nông dân nhiều địa phương trên địa bàn Bình Định luôn lựa chọn cây ớt. Sau khi chấm dứt chu kỳ thu hoạch ớt, nông dân nhổ bỏ và trồng các loại cây trồng khác như trồng lúa ở những vùng chủ động nước hoặc trồng mè (vừng) ở những vùng thiếu nước.

10-49-08_3
Ớt chỉ thiên ở xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn) cũng có giá cao
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, ớt là đối tượng cây trồng nằm trong chương trình chuyển đổi những diện tích SX lúa bấp bênh vì thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn của tỉnh, thế nhưng ngành chức năng khuyến cáo nông dân không phát triển ồ ạt, bởi chưa chủ động được đầu ra và không thể quyết định được giá cả!

 

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...