| Hotline: 0983.970.780

Gia tăng thu nhập nhờ tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương

Thứ Tư 17/11/2021 , 14:54 (GMT+7)

LÀO CAI Xuân Quảng là xã miền núi nhưng có những mô hình kinh tế gia đình bậc nhất của tỉnh Lào Cai. Qua đó tạo công ăn việc làm và nâng thu nhập cho người dân.

Với điều kiện tự nhiên, con ong mật đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ở Xuân Quang. Ảnh: Đinh Tùng.

Với điều kiện tự nhiên, con ong mật đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ở Xuân Quang. Ảnh: Đinh Tùng.

Núi đá vôi trở thành thế mạnh

Xã Xuân Quang của huyện Bảo Thắng là một trong hai xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới nâng cao. Sở dĩ có được điều này một phần là nhờ người dân trên địa bàn xã mạnh dạn đầu tư, chọn được nghề phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương với nhiều núi đá vôi.

Ông Ngô Đình Chiến, người dân trong xã, từ nhiều năm nay, thu nhập chính là nhờ trên 800 đàn ong lấy mật. Mỗi năm, số đàn ong này mang về cho gia đình ông khoảng 400 triệu đồng đã trừ các chi phí. Ông Chiến cho biết, nuôi ong núi đá ít rủi ro hơn các mô hình kinh tế khác vì nuôi ong hầu như không phải phòng dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thế nhưng việc tiêu thụ mật của những hộ dân ở Xuân Quang gần như không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi sản phẩm mật ong núi đá là mặt hàng giúp tăng cường sức khoẻ, hỗ trợ tiêu hoá, tăng cường miễn dịch... nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tương tự, bà Trần Thị Lành cũng có hơn 1.000 đàn ong nuôi ở thôn Thái Vô, xã Xuân Quang. Với điều kiện tự nhiên là nơi có nhiều núi đá vôi, đặc biệt là các loài hoa đặc hữu của rừng núi Tây Bắc nên đàn ong mật của gia đình bà phát triển tốt, cho mật đều đặn. Sản phẩm ong mật núi đá của gia đình bà còn là sản phẩm OCOP được các du khách ưa chuộng, cũng như người tiêu dùng mua về sử dụng.

Từ khi phát triển mô hình nuôi ong núi đá lấy mật đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Thời điểm này do dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ giảm nhưng do mật ong có thể để được lâu tới 2-3 năm mà vẫn giữ nguyên chất lượng nên sản lượng mật không bị ảnh hưởng, bà Lành cho biết.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế, thực tế cho thấy, mô hình nuôi ong núi đá lấy mật ở huyện Bảo Thắng mang lại hiệu quả cao hơn so với nhiều mô hình phát triển kinh tế khác. Từ đó, tạo ra công ăn việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 400 hộ nuôi ong núi đá với trên 11.000 đàn. Với diện tích đất lâm nghiệp, cây ăn quả lớn, đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong mật.

Nhiều hộ dân ở Xuân Quang làm kinh tế giỏi giúp xã này trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai. Ảnh: Đinh Tùng.

Nhiều hộ dân ở Xuân Quang làm kinh tế giỏi giúp xã này trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai. Ảnh: Đinh Tùng.

Phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Từ năm 2015, xã Xuân Quang đã sớm về đích nông thôn mới tuy nhiên không dừng lại ở đó mà xã tiếp tục củng cố, nâng cấp các tiêu chí để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Với phương châm “huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết” Xuân Quang đã phát huy lợi thế vốn có chủ động phát huy nội lực trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn có điều kiện đóng góp để thực hiện các hạng mục, công trình phục vụ việc xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Xuân Quang hiện nay không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội được nâng cao mà nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai nhân rộng. Trong đó nổi bật là mô hình nuôi ong núi đá và và rượu nếp cái Nga Cừ. Cả 2 sản phẩm đều được chứng nhận OCOP 3 sao.

Do đó, thu nhập bình quân của xã Xuân Quang hiện đạt tới 48,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,6%. Công tác vệ sinh môi trường Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp được triển khai rộng khắp với gần 59 km đường điện thắp sáng, trên 47km đường hoa cây xanh... Để làm được điều này, 5 năm qua, người nhân đã đóng góp ủng hộ trên 6 tỷ đồng, chiếm trên 45% tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Trước những thành quả đạt được của xã Xuân Quang, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai đề nghị xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu hoàn thành “Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu” nhằm xây dựng nông thôn mới bền vững;

Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; chú trọng công tác vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan thu hút sự tham gia của cả cộng đồng; tiếp tục nâng cao dân trí, đào tạo nghề, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi, bình yên để người dân yên tâm xây dựng cuộc sống mới.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.