| Hotline: 0983.970.780

Xã vùng cao xây dựng nông thôn mới gắn phát triển du lịch

Chủ Nhật 21/11/2021 , 12:53 (GMT+7)

LÀO CAI Bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm do bà con địa phương làm ra là hướng đi mới ở xã vùng cao Bản Liền.

Người dân ở Bản Liền thu hái chè Tuyết Shan. Ảnh: Thanh Hải.

Người dân ở Bản Liền thu hái chè Tuyết Shan. Ảnh: Thanh Hải.

Xây dựng nông thôn mới gắn du lịch nông nghiệp

Bản Liền là xã vùng cao của huyện Bắc Hà (Lào Cai) nằm trên tuyến đường độc đạo từ Bắc Hà đi Xín Mần (Hà Giang). Sinh sống tại đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Khi Bản Liền bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã này mới đạt 4/19 tiêu chí và dường như để đạt được thêm một tiêu chí là rất khó khăn. Thế nhưng, đến nay Bản Liền đã đạt được 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí còn lại với các hợp phần quan trọng cơ bản đều đã gần cán mốc để về đích nông thôn mới năm 2021 theo kế hoạch.

Với địa thế, cũng như tiềm năng nêu trên, Bản Liền đã chọn hướng đi xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông nghiệp và các sản vật của địa phương đặc biệt là những điểm tham quan như rừng chè cổ thụ Shan Tuyết, ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh... và khám phá các nét văn hoá mang đậm bản sắc của đồng bào thiểu số nơi này.

Ở Bản Liền, theo những cụ cao niên cho hay không biết cây chè Shan Tuyết có ở mảnh đất này từ bao giờ. Các gốc chè này lên tới hàng trăm năm tuổi, mọc cheo leo trên sườn núi dốc. Hằng năm, bà con vẫn đến thu hái, mang về uống tươi hoặc sao khô bán ra thị trường hoặc làm quà biếu khách quý.

Ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho hay, với tiềm năng phong phú, chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân mạnh dạn tham gia vay vốn phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nhất là các loại hình du lịch homestay, thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm nông nghiệp bàn con làm ra hoặc mua về làm quà.

Cho đến thời điểm này, Bản Liền đã có 34 hộ dân tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch trong đó 4 hộ làm dịch vụ lưu trú. Mỗi hộ trung bình có thể đón tiếp được 20 khách. Ngoài ra, còn có hộ đăng ký làm điểm dừng chân ngắm cảnh; 19 hộ dân khác thì tham gia cung ứng trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp...

Các hộ đã chủ động vay vốn sửa chữa, cải tạo nhà ở để phù hợp hơn cho việc đón tiếp du khách.

Đặc biệt, Bản Liền là nơi có hàng trăm hộ dân cùng tham gia chuỗi liên kết sản xuất với Hợp tác xã chè hữu cơ Bản Liền. Trên địa bàn xã hiện có 500ha chè Shan Tuyết trong đó hơn 400ha chè hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ Bản Liền còn là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Lào Cai.

Bản Liền nay trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn ở Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Thanh Hải.

Bản Liền nay trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn ở Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Thanh Hải.

Nâng cao đời sống đồng bào thiểu số

Cây chè Shan Tuyết ở Bản Liền đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào thiểu số và mở ra cơ hội để phát triển du lịch cộng đồng tại đây.

Ông Vàng A Bình, ở thôn Đội 4, xã Bản Liền (huyện Bắc Hà, Lào Cai) là hộ làm du lịch homestay đầu tiên trong xã cho hay, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư chỉnh trang nhà cửa, mua sắm toàn bộ chăn, ga, gối đệm mới, lắp đặt rèm cửa, làm công trình phụ mới để phục vụ du khách tốt hơn.

Ngoài ra, cùng với những thanh niên khách trong thôn khảo sát các đường mòn vào rừng già, tìm các điểm check-in đẹp để thu hút du khách... Ngoài các sản phẩm nông nghiệp để du khách sử dụng trong các bữa ăn thì gia đình tôi còn có sản phẩm chè lam để du khách mua làm quà.

Ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng du khách đến Bản Liền còn hạn chế tuy nhiên đây cũng là thời gian để người dân tham gia làm du lịch nông nghiệp nâng cấp dịch vụ, chỉnh trang nhà cửa. Qua đó, mỗi du khách ghé thăm Bản Liền đều đánh giá tốt về chất lượng dịch vụ do bà con địa phương cung cấp, từ đó sẽ hấp dẫn nhiều du khách đến hơn.

Từ việc làm du lịch nông nghiệp, môi trường cảnh quan và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp đã được nâng lên một bậc, đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn. Tại Bản Liền, có đến 97% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; trong xã không có cơ sở chăn nuôi tập trung gây mất ô nhiễm môi trường. Các gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã đều tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm... Qua đó, giúp đáp ứng tiêu chí cần đạt được trong xây dựng nông thôn mới. 

Theo UBND xã Bản Liền, để phấn đấu về đích xã nông thôn mới vào cuối năm 2021, xã đã và đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, triển khai xây dựng mới 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3 thôn để đảm bảo các hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh vào mùa mưa lũ; thực hiện xây dựng mới nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng gia súc, thu gom rác thải; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch...

Có thể thấy rằng, việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông nghiệp tại Bản Liền đã giúp thay đổi nhận thức của người dân vùng cao; đồng thời mang lại một diện mạo mới cho vùng đất này và giúp người dân nâng cao thu nhập từ chính những sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ họ cung cấp cho du khách.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.