Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2022, sản lượng lợn của Mỹ sẽ giảm, sản lượng lợn ở Trung Quốc và châu Âu tăng.
Tính chung tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2022 giảm so với năm 2021. Điều này sẽ dẫn đến giá thịt lợn năm 2022 sẽ cao hơn so với năm 2021 ở nhiều thị trường, nhưng không phải trên toàn thế giới.
Giá thức ăn chăn nuôi hiện đang ở mức cao sẽ hạn chế mở rộng chăn nuôi, do đó giá lợn sẽ tăng. Nguồn cung lợn hơi năm 2022 thấp hơn so với năm 2021 sẽ dẫn đến giá thịt lợn tương đương hoặc cao hơn năm 2021. Nhu cầu thịt lợn có khả năng tăng khi kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng.
Năm 2021, mặc dù dịch tả lợn châu Phi (ASF) vẫn là mối đe dọa ở nhiều nước trên thế giới, nhưng theo Tổ chức FAO, sản lượng lợn dự kiến vẫn tăng, trong đó Liên minh châu Âu tăng 1,7%, Brazil tăng 5,5%, Việt Nam tăng 5,5%, Liên bang Nga tăng 2,4% và Anh tăng 5,4%.
Tuy nhiên, sản lượng lợn tại Mỹ dự kiến giảm do nguồn cung thắt chặt, giá thức ăn chăn nuôi tăng và khó khăn về lao động. Sản lượng lợn ở Philippines, Myanmar và Hàn Quốc có thể giảm xuống mức thấp hơn năm 2020 do tác động của dịch tả ASF vẫn bùng phát.
Tổng lượng thịt lợn xuất khẩu trên thế giới năm 2021 dự báo đạt khoảng 12,9 triệu tấn, ổn định so với năm 2020.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm trong năm 2021 do nước này đặt mục tiêu cân bằng nguồn tự cung cấp so với nhu cầu trong nước. Nhập khẩu thịt lợn của Anh, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cũng giảm, trong khi nhập khẩu tăng ở Philippines, Mexico, Mỹ và Việt Nam.