Phó phát ngôn viên chính phủ Rachada Dhnadirek cho biết, việc đưa thịt lợn, thịt gà, hai nguồn chất đạm quan trọng đối với người tiêu dùng Thái Lan vào danh sách kiểm soát giá của nhà nước nhằm giảm bớt khó khăn của người dân do giá thực phẩm tăng cao.
Danh mục kiểm soát giá chủ yếu bao gồm các mặt hàng thiết yếu sử dụng hàng ngày như lương thực, thực phẩm, nông sản (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, máy kéo, máy gặt lúa), vật liệu xây dựng, giấy, xăng dầu, thuốc chữa bệnh.
Theo đó, hàng loạt các loại lương thực, thực phẩm được liệt kê bao gồm tỏi, thóc, gạo, ngô, trứng, sắn, bột mỳ, sữa bột/sữa tươi, đường, dầu thực vật/động vật và thịt lợn. Trong khi các dịch vụ được liệt kê bao gồm giao hàng cho các doanh nghiệp trực tuyến, các dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ thanh toán tại các điểm cung cấp dịch vụ.
Hiện có 52 mặt hàng thuộc danh mục quản lý giá của nhà nước gồm gà và thịt gà, trong đó có 47 mặt hàng là sản phẩm và 5 dịch vụ.
Để giảm bớt chi phí sinh hoạt tăng cao, nội các Thái Lan hôm thứ Ba tuần trước đã phân bổ 1,48 tỷ bạt từ ngân sách trung ương theo đề xuất của Bộ Thương mại để hỗ trợ người tiêu dùng trong ba tháng.
Theo bà Rachada, nội các cũng đã thông qua các biện pháp quản lý đối với các hộ chăn nuôi gà có từ trên 100.000 con gia cầm cùng với các cơ sở giết mổ gà với công suất hơn 4.000 con gà mỗi ngày, bắt buộc phải báo cáo số lượng, nguồn tồn kho và chi phí bán hàng theo từng tháng.
Ngoài ra, nội các đã thông qua các biện pháp kiểm soát, siết chặt hơn đối với tất cả 55 nhà máy sản xuất bột thức ăn chăn nuôi trong nước, yêu cầu họ báo cáo chi phí bán hàng, khối lượng sản xuất và lượng hàng tồn kho cũng như được Bộ Nội thương chấp thuận trước khi tăng giá sản phẩm của mình.
Hôm đầu tuần này, chính phủ của Thủ tướng Prayut- chan O -cha cũng đã thông qua quy định mở rộng kiểm soát giá thêm một năm đối với bốn sản phẩm bao gồm: khẩu trang; sợi tổng hợp dùng trong sản xuất khẩu trang; sản phẩm sử dụng cồn làm nguyên liệu vệ sinh; và giấy phế liệu và giấy tái chế.
Bà Rachada cho biết, với sự gia tăng giá cả của nhiều loại hàng hóa, chính phủ đã thực hiện một số biện pháp để giúp duy trì ổn định giá cả trong nước bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ Thương mại cũng đã yêu cầu sự hợp tác từ các nhà sản xuất, doanh nhân và các hiệp hội liên quan đến thực phẩm để duy trì giá của một số sản phẩm không chỉ thịt gà mà còn cả nước chấm, mì gói và nước giải khát.
Trong một diễn biến liên quan, theo bà Rachada, Hiệp hội chăn nuôi lợn Thái Lan đã đồng ý duy trì giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 110 bạt/kg, tương đương 3,33 USD/kg từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán.
Trước đó, chính phủ Thái Lan đã kêu gọi sự hợp tác từ Hiệp hội Nông dân chăn nuôi gà, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu chế biến gà thịt và các chủ trang trại chăn nuôi gà để giúp kiềm giữ giá thịt gà tăng mạnh, trong bối cảnh giá thịt lợn trong cao ngất ngưởng, bất lợi đối với người tiêu dùng.
Theo đó, bảng giá các sản phẩm thịt gà tại các hệ thống siêu thị được áp dụng như sau: Từ 60-65 bạt/kg đối với thịt gà, không bao gồm nội tạng, tương đương 1,82 USD đến 1,98 USD/kg; Từ 60-65 bạt/kg đối với ức gà; và từ 70-75 bạt/kg đối với đùi gà.