Năm nay, do ảnh hưởng của hạn mặn nên sản lượng của nhiều loại trái cây bị giảm mạnh như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh,… Bênh cạnh đó, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng là yếu tố kéo giá cả các mặt hàng trái cây giảm mạnh. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN-PTNT, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 12/2020 ước đạt 265 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả cả năm 2020 đạt 3,6 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng nhận định ngành trái cây và rau quả vẫn có tiềm năng lớn trong thời gian tới.
Những ngày đầu tháng chạp, giá cả của hầu hết các loại trái cây đều giảm mạnh so với cùng kỳ, trừ mặt hàng sầu riêng, chôm chôm giá cao gấp đôi do mặt hàng này rất khan hiếm. Hiện nay, giá sầu riêng đạt mức trên 65.000 đồng/kg, chôm chôm từ 25.000 – 27.000 đồng/kg, bưởi da xanh loại I 20.000 đồng/kg. Giá các mặt hàng khác đang nhích dần lên.
Tại Trà Vinh, theo Chi cục Trồng trọt và BTVT tỉnh Trà Vinh, năm nay sản lượng trái cây phục vụ thị trường tết Tân Sửu 2021 của tỉnh sẽ giảm từ 50-60%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đợt hạn mặn hồi đầu năm và thời tiết không thuận lợi nên cây bị rụng bông.
Bà Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè cho biết: Huyện Cầu Kè là vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất của Trà Vinh với gần 9.000ha cây ăn trái cá loại như: sầu riêng, cam sanh, bưởi, măng cụt,..với sản lượng hàng năm trên 130 nghìn tấn. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các loại trái cây phục vụ nhu cầu người tiêu dùng gồm: xoài, bưởi da xanh, quít đường đều giảm hơn 60% sản lượng và chất lượng cũng giảm.
Bưởi da xanh là một trong các mặt hàng người tiêu dùng có nhu cầu cao vào dịp Tết, tuy nhiên dù sản lượng giảm nhưng đến thời điểm này giá cả bưởi da xanh giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm, chất lượng không bằng 2019. Nếu cách đây gần một tháng bưởi da xanh loại I có thời điểm chỉ đạt 15.000 đồng/kg, đến nay đã tăng lên được 5.000 đồng/kg.
Ông Tạ Anh Dũng, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Ninh Thới (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cho biết: HTX hiện có 50 thành viên, diện tích sản xuất bưởi da xanh 48ha. Hàng năm cung cấp ra thị trường trên 300 tấn. Năm nay, do ảnh hưởng của hạn mặn nên sản lượng giảm mạnh. Dự kiến, sản lượng cung cấp ra thị trường dịp Tết này chỉ đạt từ 140 -150 tấn.
“Bây giờ, giá bưởi loại I, đạt từ 1,3kg/trái trở lên được các thương lái thu mua tại nhà vườn chỉ 20.000 đồng/kg, giảm 2-3 lần so với mọi năm. Hi vọng, tết này giá nhích lên để nông dân chúng tôi có tiền cải tạo lại vườn tược. Còn có tiền ăn Tết”, ông Tạ Anh Dũng nói.
Hiện Bến Tre là vùng chuyên canh bưởi da xanh lớn nhất ĐBSCL với diện tích trên 7.200ha, sản lượng trên 57.000 tấn/năm. Đầu năm năm 2020, tỉnh này bị nước mặn bao vây tứ phía gây thiệt hại cho ngành nông nông nghiệp trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó, nhiều loại trái cây chủ lực như sầu riêng, chôm chôm, dừa bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại vùng trồng quýt đường đặc sản, ở xã Bình Phú, huyện Càng Long cũng chung cảnh ngộ thất thu vì thời tiết không thuận lợi. Theo bà Phan Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, toàn xã Bình Phú có 110 ha chuyên canh cây quýt đường.
Riêng tại Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú trồng 45 ha theo quy trình sản VietGAP. Qua đợt mưa bão vừa qua, sản lượng quýt đường cho trái bán vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu chỉ còn khoảng 50% sản lượng so với năm trước.
Ngoài cây sầu riêng có giá cao thì chôm chôm cũng là một trong các mặt hàng có giá cao do sản lượng rất hạn chế. Tại ĐBSCL Bến Tre, Vĩnh Long là những địa phương có diện tích chôm chôm lớn. Bến Tre có diện tích trên 5.000ha, Vĩnh Long trên 1550ha. Năm nay, hạn mặn ảnh hưởng trên 80% diện tích chôm của nhà vườn. Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hoà Phước (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết: Xã Bình Hoà Phước có diện tích chôm chôm trên 656ha. Năm nay, do nước mặn tấn công bất ngờ nhiều nhà vườn trở tay không kịp chôm chôm bị ảnh hưởng 80-90%. Bây giờ không có cây cho trái, nhà vườn của xã bỏ vụ dưỡng cây.
Còn anh Đỗ Văn Giúp, nhà vườn ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, vườn của anh là một trong số hiếm hoi thoát khỏi nước mặn. Cách đây không lâu giá chôm chôm Java đạt trên 40.000 đồng/kg. Bây giờ giá còn 25.000 – 27.000 đồng/kg do ảnh hưởng bởi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, giá này cũng cao gấp đôi mọi năm và đang tăng dần lên. Năm nay, sản lượng từ 2 công chôm chôm của anh dự kiến trên 2,5 tấn.
Tương tự, cây cam sành sau một thời gian lao đao vì rớt giá thê thảm, hiện giá cam sành cũng đang tăng dần lên. Ông Trần Văn Bình, ở xã Thới Hoà, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Cách đây nửa tháng tôi thu hoạch trên 40 tấn cam bán giá 6.000-7.000 đồng/kg, lỗ gần 200 triệu. Hiện nay, giá cam sành đang lên, được các thương lái mua 17.000 đồng/kg. Tết này, vườn tôi chỉ còn khoảng 2 tấn không nhiều. Hi vọng giá giữ vững đến Tết để gỡ lại phần nào.”
Riêng mặt xoài Tết năm nay, giá cả ổn định. Hiện các thương lái mua xô với giá 20.000 đồng/kg. Dù vậy, theo các nhà vườn do thời tiết không thuận lợi nên cây ra hoa không đồng loạt. Xoài Tết nguồn cung không quá dồi dào như mọi năm. Tại Vĩnh Long, địa phương có gần 5.000ha xoài các loại, chiếm gần 11% diện tích cây ăn trái của tỉnh. Mặt hàng này hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội địa nên nhà vườn đang rất trông chờ thị trường dịp Tết này.
Anh Trần Văn Đằng, Giám đốc HTX Xoài cát núm Quới An (ấp Hiệp Trường, xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Năm nay, giá xoài tương đối ổn định. Tết này, HTX dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn. trong đó có 10 tấn xoài được canh tác theo quy trình VietGAP có bao trái. Hy vọng Tết thị trường xoài sôi động hơn để nông dân sản xuất có lãi.
Các nhà vườn ở Miền Tây đang kỳ vọng thị trường trái cây Tết Tân Sửu sẽ sôi động trở lại để cứu cánh cho chuỗi ngày “gồng mình chịu trận” bởi đại dịch Covid-19 và hạn mặn bủa vây.