Khi các hoạt động biểu diễn trực tiếp tạm ngưng để bảo đảm công tác chống dịch, thì phim truyền hình và phim trực tuyến được đắc dụng hơn. Chính vì tập trung vào các kênh giải trí tại nhà, mà khán giả dễ dàng nhận ra nhiều khuôn mặt diễn viên nổi tiếng đã có sự thay đổi bất ngờ. Người nào phải tinh mắt lắm mới có thể phát hiện đó chính là diễn viên mà mình từng hâm mộ ở bộ phim từng phát sóng năm ngoái hoặc năm kia.
Có phải một vài diễn viên đã có sự hóa thân vào nhân vật một cách kỳ diệu khiến công chúng ngạc nhiên không? Không hề, Thời mà nhân lực điện ảnh khan hiếm đến mức trưng dụng cả chân dài và danh hài để chiều chuộng đám đông hiếu kỳ, thì không có kỳ tài diễn xuất đâu. Đơn giản, khán giả ngơ ngác trước các tên tuổi diễn viên nổi tiếng vì khuôn mặt của họ đã qua thẩm mỹ viện.
Bây giờ, công nghệ dao kéo đã phổ biến rộng rãi. Ai có tiền cũng muốn đẹp lên trong mắt người khác, hút chỗ cần hút, bơm chỗ cần bơm, gọt chỗ cần gọt. Và thẩm mỹ viện không còn là nơi độc quyền lui tới của phái nữ, mà phái nam cũng vô cùng hào hứng. Dĩ nhiên, trong xu hướng ấy, thì giới nghệ sĩ không còn đủ tự tin với nhan sắc vốn có của họ.
Một trong những kỹ thuật mới của trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ, chính là công nghệ làm đầy. Nghệ sĩ rủ nhau đi tiêm filler để da căng mịn. Làm đẹp không phải điều đáng lên án hay đáng băn khoăn. Thế nhưng, dường như các diễn viên lại quên mất một nguyên lý cơ bản, giá trị nghệ thuật của diễn xuất luôn nằm ở những khuôn mặt không qua thẩm mỹ viện.
Mới đây, một đạo diễn tiết lộ rằng dự án điện ảnh có vai chính rất phù hợp với một MC gạo cội. Thế nhưng, khi tiếp xúc với MC này để ngỏ lời mời hợp tác thì vị đạo diễn chưng hửng. Lý do, MC đã lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi hoàn toàn khuôn mặt. Nhìn MC gạo cội láng bóng như trai đôi mươi thì làm sao đưa khuôn mặt ấy lên màn bạc. Vì vậy, dự án điện ảnh đành bỏ dở một cách bẽ bàng.
Diễn viên có nên chỉnh sửa dung mạo không? Cũng nên. Nếu mũi hơi thấp, mắt hơi nhỏ, răng hơi thô thì nên can thiệp để có thêm thiện cảm từ khán giả. Thế nhưng, háo hức đến mức thay đổi cả khuôn mặt thì rất nhiều hệ lụy kéo theo. Vì sao? Vì những cơ mặt căng cứng sẽ hạn chế mức độ biểu cảm của mỗi vai diễn. Với khuôn mặt thẩm mỹ quá đà, thì không thể hiển lộ được nét vui, nét buồn, nét ngậm ngùi, hay nét tức giận. Và khi khuôn mặt không biết diễn thì chẳng khác gì bình hoa di động trên phim.
Công nghệ làm phim hiện đại đang bị cản trở bởi công nghệ làm đẹp hiện đại. Đó là lời ta thán chung của nhiều đạo diễn hiện nay. Một nền điện ảnh mà diễn viên nào cũng na ná ngôi sao Hàn Quốc thì đừng nói bản sắc dân tộc, mà cá tính của nghệ sĩ cũng biến mất.
Không có con đường hoàn hảo để nâng cấp nhan sắc. Kết cục của phẫu thuật thẩm mỹ rất khủng khiếp, mà minh tinh TTH một thời nức danh Sài Gòn chính là bài học nhãn tiền. Còn về phái nam, các diễn viên trẻ có vẻ ngờ nghệch khi nghĩ thẩm mỹ viện sẽ giúp họ sáng chói hơn trên màn ảnh. Nhầm to. Những tài tử như Nguyễn Chánh Tín, Trần Quang, Đơn Dương trước kia hoặc Trần Lực, Trọng Trinh sau này đều là khuôn mặt thật do cha sinh mẹ đẻ đấy chứ!
Một nhà sản xuất phim khi chứng kiến vẻ đẹp trơn tuột của những khuôn mặt đã qua thẩm mỹ viện, bày tỏ sự chua chát rằng, chính các diễn viên cũng thừa nhận khi tiêm filler để da căng mịn, cười hay khóc không còn tự nhiên được như trước. Thần thái trong diễn xuất nhiều khi không còn chuyển động theo cảm xúc, ý muốn. Vì vậy, diễn viên nên cân nhắc và biết giới hạn của việc phẫu thuật thẩm mỹ, nếu muốn đi xa trên con đường điện ảnh chuyên nghiệp.