| Hotline: 0983.970.780

Nơi chúng tôi đến

'Giấc mơ Sabi' thành hiện thực

Thứ Năm 20/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Vùng đất đồi Sabi khô cằn từng bị bỏ hoang, nhưng giờ đây đã được phủ xanh bởi những vườn cây ăn trái bạt ngàn, đời sống người dân đã đổi thay ngoạn mục.

Đánh thức vùng "đất chết"

Hơn 10 năm trước, tôi có chuyến công tác về khu vực đồi Sabi (ấp 2A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) tìm hiểu về đời sống của người dân phát triển kinh tế vườn. Thời điểm đó, người dân địa phương đang tập trung đầu tư cải tạo vùng đất cát bạc màu để trồng cây ăn trái và một số cây hoa màu khác. Trên khu vực đồi Sabi bà con cũng bắt đầu đem giống xoài Đài Loan về trồng thử nghiệm và tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng nhằm phủ xanh đất trống, phát triển kinh tế vườn.

Hơn 10 năm trước, khu vực đồi Sabi (ấp 2A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được người dân địa phương bắt tay cải tạo đất bạc màu để trồng cây ăn trái và hoa màu. Ảnh: Minh Sáng.

Hơn 10 năm trước, khu vực đồi Sabi (ấp 2A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được người dân địa phương bắt tay cải tạo đất bạc màu để trồng cây ăn trái và hoa màu. Ảnh: Minh Sáng.

Sau nhiều năm kiên trì bám trụ và quyết tâm cải tạo đất, đến nay, toàn vùng đồi Sabi đã được phủ xanh bằng những vườn cây trái sum suê, nhiều người dân đã quay về làm giàu trên chính mảnh đất đã từng bỏ hoang.

Đồi Sabi rộng khoảng 170ha, có 146 hộ dân sinh sống, từng là khu đồi bạc màu, như “vùng đất chết” vì không có cây trồng gì phát triển được khiến nhiều người dân ở đây phải bỏ vườn rẫy ra đô thị tìm việc hoặc đi làm thuê cho các chủ rẫy ở những xã khác.

“Trước đây vùng đất đồi cằn cỗi đến nỗi cây khoai mì (sắn) là cây chịu đựng khô cằn tốt nhưng khi trồng ở vùng đồi Sabi này vẫn không phát triển cao quá 1 mét, củ chỉ bằng ngón chân cái. Cây bắp, đậu, lúa cũng sống èo uột nên người dân đành bấm bụng bỏ đất hoang”, anh Lại Hồng Chí, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Cây ăn trái đồi Sabi nhớ lại.

Theo anh Chí, thời gian đầu khi anh mới chuyển về đây khai hoang lập nghiệp, vùng sâu hẻo lánh này hầu như đất còn hoang hóa nhiều, không có mấy hộ gia đình bám trụ lại sinh sống. Đời sống sinh hoạt và sản xuất đều rất gian nan vì cơ sở hạ tầng hầu như là con số 0, thiếu điện, đường, trường, trạm...

Trên khu vực đồi Sabi, bà con đưa giống xoài Đài Loan về trồng thử nghiệm và tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng nhằm phủ xanh đất trống, phát triển kinh tế vườn. Ảnh: Minh Sáng.

Trên khu vực đồi Sabi, bà con đưa giống xoài Đài Loan về trồng thử nghiệm và tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng nhằm phủ xanh đất trống, phát triển kinh tế vườn. Ảnh: Minh Sáng.

Đồi Sabi 20 năm về trước xác xơ, dân Sabi quen cảnh không điện, không đường, nhà cửa tạm bợ, rẫy vườn bỏ hoang, trẻ em đến trường phải được cha mẹ cõng trên lưng hoặc thồ bằng xe đạp... Khi bỏ sức cải tạo đất hoang, thời gian đầu, một số người dân sinh sống tại vùng đồi Sabi chỉ trồng cây điều, khoai mì (sắn) vì nơi đây rất khó khăn về nguồn nước.

Anh Lại Hồng Chí là một trong số những nông dân đi đầu trong việc khai hoang “vùng đất chết” và mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 6ha xoài Đài Loan trên vùng đất này. Sau một thời gian, thấy cây xoài phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng trái ngon nên nhiều người cũng bắt đầu chuyển đổi theo.

Vùng đồi Sabi khô cằn ngày nào dần dần đã được chuyển thành những khu vườn cây ăn trái xanh tươi, nhiều hộ dân đã liên kết hình thành HTX để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và có đầu ra ổn định.

“Những mùa vụ thu hoạch đầu tiên, bà con chúng tôi rất vất vả tìm nguồn tiêu thụ nông sản. Giá trái cây tươi bán ra thường thấp hơn những vùng khác vì đây là vùng xa xôi, đường sá đi lại khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm đầu tư chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm và tin tưởng vào một ngày mai sản phẩm trái cây đồi Sabi sẽ vươn xa”, anh Chí chia sẻ.

Lão nông Nguyễn Văn Hòa đang tập trung tỉa cành, tạo tán cho vườn xoài sau mùa thu hoạch, chuẩn bị bước vào làm bông vụ mới. Ảnh: Minh Sáng.

Lão nông Nguyễn Văn Hòa đang tập trung tỉa cành, tạo tán cho vườn xoài sau mùa thu hoạch, chuẩn bị bước vào làm bông vụ mới. Ảnh: Minh Sáng.

Theo anh Chí, HTX Dịch vụ nông nghiệp Cây ăn trái đồi Sabi được thành lập năm 2018, hiện nay có 48 xã viên, tổ chức liên kết với 3 HTX khác trong xã nhằm đa dạng hóa các mặt hàng rau củ quả trong chuỗi. Để chủ động hơn về đầu ra cho cây ăn trái, anh Chí đã đầu tư xe tải, mở vựa thu mua nông sản cho nông dân trong vùng, tự đóng trái cây tươi xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Nhờ có HTX, bà con tạo được mối liên kết sản xuất chặt chẽ, chủ động, thuận lợi hơn trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Biến giấc mơ Sabi thành hiện thực

Khi cải tạo thành công vùng đồi Sabi anh Chí động viên mọi người trở về đồi Sabi đầu tư lập vườn cây ăn trái để ổn định cuộc sống và có thể làm giàu bằng chính “nghiệp vườn”. Khi chứng kiến những vườn cây ăn trái của anh Chí phát triển mạnh và cho thu hoạch hiệu quả, người dân Sabi như giật mình hiểu rằng vùng đất xấu, bà con cứ phải chịu cảnh nghèo khó là do bản thân không biết cách cải tạo đất để cây cho quả ngọt và “bắt” đất làm giàu.

Từ một vùng đất đồi cằn cỗi, ngày nay, khu vực đồi Sabi đã trở thành vùng cây ăn trái trù phú. Ảnh: Minh Sáng.

Từ một vùng đất đồi cằn cỗi, ngày nay, khu vực đồi Sabi đã trở thành vùng cây ăn trái trù phú. Ảnh: Minh Sáng.

Do đó, nông dân Sabi bỏ đất hoang trước đây nay đã quay trở lại vườn rẫy của mình, quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu trên vùng đất Sabi. Chính quyền xã, huyện cũng tiếp sức cho nhà nông bằng việc hỗ trợ vốn, phân bón, kỹ thuật, giống cây trồng và đầu tư đường dây điện trung, hạ thế, đường xi măng vào tận đồi Sabi. Tất cả đều hướng đến giấc mơ làm giàu trên vùng đất thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Xuân Bắc.

Cuối năm 2018, Giám đốc Lại Hồng Chí đã theo đoàn Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai sang tìm hiểu thị trường và bạn hàng Trung Quốc. Anh đã đến các chợ đầu mối, gặp gỡ các đối tác nước bạn để tìm hiểu kỹ hơn những tiêu chuẩn, yêu cầu mới của họ trong giai đoạn hiện nay.

Anh Chí bộc bạch: “Để thực hiện giấc mơ làm giàu trên vùng đất Sabi, chúng tôi buộc phải biết đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản, đồng thời tạo chuỗi liên kết để có sản lượng lớn mới cung ứng kịp đơn hàng cho các đối tác Trung Quốc”.    

Theo anh Chí, các đoàn doanh nghiệp Trung Quốc mới về khảo sát vùng nguyên liệu xoài tại HTX và đặt những đơn hàng xoài tươi với yêu cầu HTX phải làm truy xuất nguồn gốc cũng như chứng nhận chất lượng, nhãn hàng.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam (bên trái) thăm lại vùng đồi Sabi sau hơn 10 năm. Ảnh: H.Phúc.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam (bên trái) thăm lại vùng đồi Sabi sau hơn 10 năm. Ảnh: H.Phúc.

Chính vì thế, anh Chí động viên các thành viên HTX bắt tay vào triển khai sản xuất theo hướng an toàn và làm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trái cây. Đồng thời, anh còn tham gia chuỗi liên kết sản xuất an toàn, xây dựng những vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu cả về sản lượng và chất lượng cho thị trường xuất khẩu.

Từng được coi là “vùng đất chết”, đến nay, vùng đồi Sabi không còn một tấc đất bị bỏ hoang mà đã được phủ xanh bởi cây ăn trái. Đó là cả một quá trình nỗ lực của ông chủ HTX Dịch vụ nông nghiệp Cây ăn trái đồi Sabi và các thành viên, phấn đấu đưa tất cả các mặt hàng nông sản vào chuỗi liên kết, phát triển HTX để tập hợp nông dân…

Đồi Sabi từ khi xuất hiện nhiều hơn những mảng xanh cây trái bao phủ thì người dân nơi đây cũng tự hào ghi danh mình vào danh sách thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Hòa, thành viên HTX ở ấp 2A, xã Xuân Bắc phấn khởi cho biết, ông cũng là hộ tiên phong thoát nghèo nhờ trồng cây ăn trái cùng các hộ thành viên trong HTX.

Trên đồi Sabi lộng gió, lão nông Nguyễn Văn Hòa thời điểm này đang tập trung tỉa cành, tạo tán cho vườn xoài sau mùa thu hoạch, chuẩn bị bước vào làm bông vụ mới. Ông Hòa bày tỏ, ông rất tự hào và tâm huyết với giấc mơ làm giàu trên vùng đất cằn của mình, đồng thời ông cũng thuyết phục nông dân đồi Sabi nỗ lực cùng chính quyền cải hóa vùng đất nghèo kiệt trở nên trù phú, sung túc.

Những năm gần đây, ngưới dân vùng đồi Sabi đã chủ động chọn những cây trồng có giá trị kinh tế cao để sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Những năm gần đây, ngưới dân vùng đồi Sabi đã chủ động chọn những cây trồng có giá trị kinh tế cao để sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Trần Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc cho biết: Từ một xã thuần nông, đến nay Xuân Bắc đã là xã nông thôn mới nâng cao và gần đạt đến đích nông thôn mới kiểu mẫu. Những năm gần đây, ngưới dân địa phương đã chủ động chọn những cây trồng có giá trị kinh tế cao để sản xuất. Nhiều hộ đã quyết tâm chuyển đổi giống xoài 3 mùa một thời giúp nông dân Sabi thoát cảnh nghèo khó, làm giàu nhưng bị thất thế bởi nhu cầu thị trường sang trồng giống xoài Đài Loan, xoài cát Hòa Lộc để ấp ủ giấc mơ đưa vùng đồi Sabi cùng tiến lên nông thôn mới kiểu mẫu.

"Với sự chuyển mình rất nhanh chóng của bà con nhân dân khu vực đồi Sabi, từ một vùng đất bạc màu, đến nay đã trở thành vùng đất trù phú bao trùm toàn cây ăn trái với màu xanh bạt ngàn. Với tinh thần ham học hỏi và cần cù của nhân dân trong khu vực, đây thực sự là điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương’, ông Trần Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc cho biết.

Xem thêm
Ra mắt Liên minh Đổi mới sáng tạo chăn nuôi lợn an toàn sinh học

Liên minh Đổi mới chăn nuôi lợn an toàn sinh học ra mắt nhằm nâng cao an toàn, cải thiện sinh kế, đảm bảo phục hồi trước dịch bệnh và thách thức môi trường.

Chó hoang cắn 4 người: Lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại

Con chó hoang chạy trên đường cắn 4 người bị thương được cơ quan chức năng lấy mẫu đưa đi xét nghiệm bệnh dại.

Quảng Ngãi ban hành đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kỳ vọng mô hình du lịch cộng đồng làng nghề muối

BẠC LIÊU Tỉnh Bạc Liêu đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh được triển khai tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình).

Bình luận mới nhất