| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán dư lượng trong hạt tiêu xuất khẩu

Thứ Tư 15/11/2023 , 16:32 (GMT+7)

Dư lượng hóa chất luôn là nỗi lo ngại đối với xuất khẩu hạt tiêu. Đang có những nỗ lực từ VPSA và các tổ chức, doanh nghiệp để giải quyết vấn đề này.

Nông dân Bình Phước xử lý hạt tiêu mới thu hoạch. Ảnh: Sơn Trang.

Nông dân Bình Phước xử lý hạt tiêu mới thu hoạch. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Việt Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA), qua phân tích và kiểm định 284 mẫu hạt tiêu thu thập trong 2 năm 2021-2022, do một số doanh nghiệp xuất khẩu và phòng lab thực hiện, số lượng mẫu không đáp ứng quy định MRL (mức giới hạn dư lượng tối thiểu) của EU còn khá nhiều. Cụ thể, đã phát hiện 38 hoạt chất trên số mẫu này, tổng tần suất xuất hiện các hoạt chất: 2.462, tổng giá trị đáp ứng quy định MRL của EU: 2.051; tổng giá trị không đạt: 411.

Các hoạt chất được phát hiện với tần suất cao gồm: Chlorpyrifos-ethyl (diệt sâu, mối, muỗi, giun); Cypermethrin (diệt ruồi, muỗi, mối, kiến, gián); Metalaxyl/Metalaxyl-M (sum), Metalaxyl (diệt nấm); Imidacloprid (diệt côn trùng, mối mọt); Carbendazim (diệt nấm); Fenobucarb (diệt côn trùng và thuốc trừ sâu); Propamocarb (diệt nấm).

Có thể thấy đa phần các mẫu hạt tiêu bị dính các hoạt chất liên quan đến việc phòng trừ sâu bệnh và nấm hại trên cây hồ tiêu. Trong đó một số hoạt chất đã bị cấm nhưng vẫn xuất hiện trong hồ tiêu như: Carbendazim và Chlorpyrifos (-ethyl). Điều này rất đáng lo ngại nếu như người dân vẫn tiếp tục dùng thuốc bị cấm để chăm sóc cho hồ tiêu.

Trước tình hình đó, VPSA đã cập nhật dữ liệu tra cứu quy định MRL của EU với hạt tiêu trên website của hiệp hội. Bên cạnh đó, VPSA đang đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án liên quan đến sử dụng hóa chất có trách nhiệm trên cây hồ tiêu. Với sự tài trợ của EU, VPSA đang phối hợp với IDH (Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững) thực hiện dự án phát triển thương mại bền vững ngành hồ tiêu giai đoạn 2022-2023.

Theo IDH, tính đến tháng 6/2023, đã có 10 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác (THT) tham gia vào dự án bao gồm Trân Châu, Haprosimex, Simexco, Vietspice, DK Commodity, Ptexim, Vĩnh Hiệp, HTX Bình Minh, HTX Nam Yang và THT Nông sản an toàn.

Vườn hồ tiêu áp dụng canh tác bền vững của HTX Bình Minh (Đăk Nông). Ảnh: Sơn Trang.

Vườn hồ tiêu áp dụng canh tác bền vững của HTX Bình Minh (Đăk Nông). Ảnh: Sơn Trang.

Tổng cộng có gần 5.000 nông dân, cán bộ HTX tham gia tập huấn 12 chủ đề GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt): cách tiếp cận cảnh quan, sản xuất bền vững, thực hành nông nghiệp tốt, bảo tồn đất, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn nước, sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm, kỹ thuật tái canh, cây trồng xen và bảo tồn đa dạng sinh học. Tổng diện tích áp dụng sau tập huấn đạt 5.000 ha. Từ diện tích này thu được 16.700 tấn hạt tiêu, trong đó sản lượng hạt tiêu đạt dư lượng cho phép là 10.125 tấn, chiếm tỷ lệ 60,8%.

Dự án cũng đã phối hợp với Cục BVTV, IDH và VPSA xây dựng tài liệu hướng dẫn và đào tạo trong Chương trình sức khỏe cây trồng tổng hợp cho hồ tiêu trồng thuần và trồng xen tại khu vực Tây Nguyên. Qua đó, gần 23.000 người sử dụng ứng dụng tra cứu thuốc BVTV do cục BVTV và IDH phát triển.

Trong khuôn khổ dự án, đã thành lập 10/10 đội dịch vụ nông nghiệp (Agriteams) của các doanh nghiệp và hợp tác xã đang tham gia vào dự án. Thành phần của đội này là những nông dân ưu tú, tích cực, đã được tập huấn, nhiệm vụ của đội sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tư vấn và giám sát việc sử dụng hóa chất của nông dân có trách nhiệm.

Với tiến độ thực hiện các hoạt động như trên, khi kết thúc dự án có cơ sở có thể đạt được mục tiêu là cải thiện đời sống của 10.000 hộ nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và giúp cho tối thiểu 10 doanh nghiệp, HTX sản xuất và chế biến hồ tiêu tăng sản lượng bền vững.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.