| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán nhân lực chất lượng cao cung ứng cho thị trường Đông Á

Thứ Năm 30/06/2022 , 11:59 (GMT+7)

Các địa phương, viện, trường phải phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ kỹ thuật cao, ngoại ngữ, am hiểu pháp luật… cung ứng cho thị trường Đông Á.

Ông Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến phát biểu khai mạc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến phát biểu khai mạc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thông tin trên được chia sẻ tại buổi Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Cung - cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á: thách thức & giải pháp đối với TP.HCM” do Trường Đại học Văn Hiến phối hợp Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức chiều 29/6.

Đông Á được đánh giá là thị trường lao động tiềm năng, có sức hút lớn đối với Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Á. Sự bùng nổ của nền kinh tế chuyển đổi số cùng những khó khăn kéo dài do khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19, khiến sự cạnh tranh về cung cầu thị trường lao động tại các quốc gia Đông Á ngày càng gia tăng. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam, cần thiết có những định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin, ở TP.HCM hiện nay lực lượng trong độ tuổi lao động là 4,6 triệu người, chiếm khoảng 47,3% dân số của TP.HCM, hoạt động trong 300.000 doanh nghiệp. Đây là lực lượng lao động và doanh nghiệp có đóng góp cao trong phát triển kinh tế TP.HCM.

Nhu cầu đưa người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài là vấn đề nóng, thách thức đặt ra đối với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, cũng như bản thân người lao động đó phải chuẩn bị những kỹ năng cho mình.

Ở TP.HCM hiện nay, có 67 công ty và 45 chi nhánh có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc. Từ năm 2012-2015, có hơn 103.000 người đi lao động ở nước ngoài (Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia…). Nhưng, số lao động của TP.HCM tham gia đi nước ngoài rất ít, chủ yếu từ các địa phương khác.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Lâm, thu nhập của người lao động bình quân tích luỹ trong quá trình làm việc ở nước ngoài (3-5 năm) từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, tuỳ thuộc vào chất lượng tay nghề của từng người.

Vì vậy, ông Lâm cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là TP.HCM và các tỉnh thành cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đào tạo cung cấp nguồn lao động chất lượng cao, được đánh giá qua trình độ tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc, kỷ luật lao động và quan trọng nhất là chấp hành pháp luật của nước sở tại. "Đối với nguồn nhân lực chất lượng cao sau thời gian làm việc ở nước ngoài trở về nước sẽ là nguồn lao động có trình độ, kinh nghiệm chuyên môn cũng như ngoại ngữ tốt là nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung", ông Lâm nói.

Theo ông Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, do đó việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời đại chuyển đổi số như hiện nay. Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, nếu có chiến lược đúng đắn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nắm được quá trình phát triển của chuyển đổi số thì việc bắt kịp các quốc gia đã phát triển là vấn đề không khó.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 20 năm về trước, số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất ở TP.HCM tập trung ở huyện Củ Chi, qua Hàn Quốc làm việc, nhưng những năm gần đây, không còn nhiều nữa.

Theo ông Thắng, nguyên nhân là những người đi xuất khẩu lao động trước đây chủ yếu thuộc nhóm chất lượng thấp, lao động phổ thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn thu nhập giữa TP.HCM và một số thị trường ở các nước khác không còn chênh lệch nhiều, không thu hút được người lao động TP.HCM. "Ở các nước giàu họ vẫn xuất khẩu lao động, chỉ khác là họ đưa kỹ thuật viên, chuyên gia có trình độ cao đi làm ở nước ngoài. Do đó, giá trị chất lượng lao động của họ cao", ông Thắng nói.

Vì vậy, ông Thắng cho rằng, TP.HCM cần chú trọng đưa nguồn nhân lực chất lượng cao đi xuất khẩu lao động. Bởi, khi lực lượng này đi làm ở nước ngoài trở về, họ có tay nghề, có tác phong công nghiệp sẽ đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế của TP.HCM.

Hội thảo với 70 bài tham luận nhằm nhận diện và tìm ra phương hướng thúc đẩy các hoạt động phát triển nguồn nhân lực cho TP.HCM, đáp ứng kịp thời những biến động nhu cầu lao động của thị trường các quốc gia Đông Á. 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.