| Hotline: 0983.970.780

Giai đoạn 2021 - 2025: Gần 1.500 tỷ đồng sửa chữa hồ đập

Chủ Nhật 17/10/2021 , 10:53 (GMT+7)

Gần 1.500 tỷ đồng sẽ được Bộ NN-PTNT phân bổ trong trung hạn 2021 - 2025 để sửa chữa, nâng cấp khoảng 1.100 hồ đập đang xuống cấp, hư hỏng.

Một trong những nguy cơ lớn mà nhân loại đang và sẽ phải đối mặt trong tương lai, đó là mất an ninh về nước. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do thiên tai liên quan đến nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, năm 2020, Quốc hội đã ban hành một Nghị quyết riêng về việc xây dựng Đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước” giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Lương Văn Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chia sẻ tại báo NNVN. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lương Văn Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chia sẻ tại báo NNVN. Ảnh: Minh Phúc.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đảm bảo an ninh nguồn nước – vấn đề cấp bách” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Lương Văn Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) đã phân tích rõ tính cấp bách cũng như giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước cho quốc gia.

Vì sao cấp bách?

Thưa ông Lương Văn Anh, tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 17/9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “An ninh nước là vấn đề trọng đại của Quốc gia”. Vậy tại sao ở thời điểm hiện tại, việc bảo đảm an ninh nước, an toàn đập, hồ chứa nước lại lại trở nên cấp bách như vậy?

An ninh nguồn nước rất là cấp bách với nước ta. Điển hình như cuối năm 2019 đầu năm 2020, hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn ra kỷ lục. Suốt từ Thanh Hoá trải khắp các tỉnh miền Trung đến ĐBSCL đều xảy ra thiếu nước, hạn hán nghiêm trọng. Và ngay những tháng đầu năm 2021, ở ĐBSCL, hạn hán cũng xảy ra kỷ lục trong hàng trăm năm. Có những cửa sông ranh mặn vào 123km.

Lượng phù sa thượng nguồn sông Mê Kông, Lan Thương đổ về ĐBSCl trong những năm qua cũng sụt giảm rất nhiều, vì các quốc gia xây dựng các bậc thang thuỷ điện. Lượng phù sa về đồng bằng giảm chỉ còn khoảng 30% và lượng thuỷ sinh cũng thay đổi nhiều, ảnh hưởng đến cả môi trường và chất lượng nước của cả khu vực.

Ở miền Bắc, nhiều dòng sông bị ô nhiễm, lượng nước cho sinh hoạt, sản xuất và kinh tế thiếu rất nhiều. Đặc biệt là tình trạng hạ thấp lòng sông ở ĐBSH và miền Trung rất sâu, có những dòng sông 15 năm trở lại đây tụt sâu hẳn 2m, nhiều công trình bơm nước khô trõ hoặc lấy nước không hiệu quả.

Hàng năm, trong vụ đông xuân ở Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, chúng ta phải xả nước tăng cường các hồ chứa thuỷ điện Thác Bà, Tuyên Quang, Hoà Bình 3 đợt để phục vụ gieo cấy với tổng lượng nước xấp xỉ 5 tỷ m3 nước. Lượng nước này nếu tính ra kinh phí thì tương đối lớn.

Hồ đập có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh về nước.

Hồ đập có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh về nước.

Vậy những nguy cơ nào có thể xảy ra nếu chúng ta mất an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập?

Tôi xin lấy một số ví dụ điển hình để độc giả của Báo Nông nghiệp Việt Nam dễ hình dung được tác hại khủng khiếp nếu chúng ta để mất an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập.

Nếu xảy ra sự cố vỡ đập thuỷ điện Hoà Bình (trên sông Đà) thì chỉ sau 10 giờ, ga Hàng Cỏ tại Hà Nội sẽ ngập 4m nước. Còn nếu xảy ra sự cố vỡ đập hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) thì sau 12 giờ, thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngập sâu 1m nước.

Hệ thống đập, hồ chứa nước của chúng ta có chức năng tích nước vào mùa mưa để sử dụng cho mùa khô, nên vấn đề an toàn đập, hồ chứa nước trở nên đặc biệt cấp bách. Nhất là năm 2020, ở miền Trung, chúng ta đã chứng kiến đầu năm hạn hán trên diện rộng, cuối năm lũ lịch sử gây thiệt hại lớn cho khu vực 6 tỉnh miền Trung.

Sửa chữa, nâng cấp 1.100 hồ đập

Để đảm bảo an ninh nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải bảo đảm an toàn hệ thống đập, hồ chứa nước. Vậy, với hàng nghìn hồ đập đang bị hư hỏng, xuống cấp hiện nay, chúng ta đang và sẽ triển khai sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn hồ đập như thế nào trong thời gian tới?

Nước ta hiện có khoảng 6.750 hồ chứa nước. Các hồ đập trong thời gian qua đã đảm bảo một phần an ninh nguồn nước cho tất cả các khu vực có hồ chứa, đặc biệt là các khu vực miền Trung có mùa khô kéo dài, nắng gắt.

Trong suốt thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hồ chứa trên 3 triệu m3 đã được nâng cấp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Nhưng đa số hồ chứa của chúng ta được đầu tư từ thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ trước, nên công năng thiết kế của những hồ chứa này còn thiếu xả tràn tự động, nếu xảy ra mưa lũ cực đoan với lượng mưa lớn thì sẽ có nguy cơ gây thảm họa liên quan đến hồ chứa nước.

Hiện nay, theo về đề xuất của các địa phương thì cả nước còn khoảng 1.100 hồ chứa nước vừa và nhỏ do các địa phương đang quản lý vận hành bị xuống cấp và thiếu cửa van. Đây là những công trình chúng ta phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thời gian tới.

Trong trung hạn 2021 – 2025, Bộ NN-PTNT sẽ phân bổ khoảng 1.470 tỷ để nâng cấp các hồ nhỏ và vừa này với tổng số khoảng 1.100 hồ chứa (chưa tính tới các địa phương cũng dành ngân sách để sửa chữa đối với các hồ cần sửa chữa, nân cấp diện cấp bách).

Thưa ông Lương Văn Anh, có thể khẳng định, không một quốc gia nào trên thế giới có đủ nguồn lực để cung cấp mọi nhu cầu về nước cho tất cả các ngành kinh tế. Vậy, trong dự thảo Đề án “Đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước” mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tới đây, những mục tiêu cụ thể nào chúng ta cần đạt được trong giai đoạn 2021 – 2030?

Trong Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đén năm 2045, thì các vấn đề an ninh nguồn nước sẽ được giải quyết triệt để. Ví dụ, khu vực miền Bắc sẽ giải quyết được tình trạng ô nhiễm các dòng sông và đảm bảo cấp nước cho các dòng sông bị hạ thấp đáy sông.

Với khu vực miền Trung, việc tích nước mùa mưa để sử dụng cho mùa khô sẽ đảm bảo tối thiểu nhu cầu về nước cho các khu vực kinh tế và cho người dân. Và khu vực ĐBSCL cũng phải giải quyết triệt để những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn nếu xảy ra thiên tai ở mức kỷ lục năm 2020 thậm chí ở mức độ khốc liệt hơn.

Các công trình ở ĐBSCL sẽ chuyển nước cho vùng Nam Cà Mau, vì hiện nay mỗi đợt hạn hán xảy ra, vùng này thiếu nước rất nhiều, gây sạt lở và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Bên cạnh đó,  một số cửa song lớn như sông Vàm Cỏ, sông Hàm luông cũng được đầu tư các hệ thống công trình điều tiết mặn, ngọt để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như các ngành kinh tế khác.

Còn khu vực Nam Trung bộ, phải đảm bảo cân đối được  nguồn nước, đặc biệt là chuyển nước trong nội bộ các khu vực để làm sao đảm bảo điều hoà. Ví dụ, ngay tại tỉnh Bình Thuận thì các hồ Sông Luỹ hay ở Ninh Thuận có hồ chứa Tân Mỹ chuyển nước cho vùng nội bộ để đảm bảo tối thiểu cho sản xuất, sinh hoạt và các ngành kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm