| Hotline: 0983.970.780

Giải hạn đầu năm: Vận chưa đổi, tiền đã bay!

Thứ Sáu 14/02/2025 , 15:31 (GMT+7)

Đầu năm mới, nhiều người bỏ tiền triệu làm lễ giải hạn hy vọng xua rủi, đón may. Nhưng liệu vận có đổi thay hay chỉ là tiền mất mà bình an vẫn xa vời?

Lễ lạt rình rang, vận may vẫn mịt mù

Chị Hà, hơn 40 tuổi, một tiểu thương kinh doanh quần áo ở chợ. Từ khi tham gia kinh doanh đến nay, chị luôn duy trì thói quen dâng sao, giải hạn dịp đầu năm để cầu cho công việc làm ăn thuận lợi. Năm ngoái, nghe mấy người bạn rỉ tai rằng chị sẽ gặp hạn lớn do bị sao Kế Đô chiếu mệnh, chị rất lo lắng.

Một người quen giới thiệu chị Hà đến gặp thầy cúng có tiếng trong vùng. Thầy phán rằng, chỉ cần chị làm lễ giải hạn đúng cách như thầy mách bảo thì vận xui do sao xấu chiếu mệnh sẽ tiêu tan. Tin lời, chị Hà không tiếc bỏ ra hơn chục triệu đồng để làm lễ giải hạn đầu năm. Ngày rằm tháng Giêng, chị sắm sửa mâm cỗ đầy đủ, đặt thầy viết hàng chục lá sớ giải hạn cho cả gia đình. Trong suốt buổi lễ, chị liên tục cầu khấn, mong sao những rắc rối, những vận đen sẽ tránh xa mình và gia đình.

Thế nhưng, năm ngoái có lẽ là năm khó khăn nhất với chị Hà. Hàng hóa nhập về không bán được, nhiều lần chị phải giảm giá mạnh nhưng vẫn tồn kho. Đã vậy, gia đình lại có chuyện buồn, bố mẹ hai bên ốm đau triền miên, chồng chị còn bị tai nạn giao thông phải điều trị hàng tháng trời.

Dịp đầu năm, nhiều người đã bận rộn cúng bái, thực hiện nghi lễ dâng sao, giải hạn với mong muốn giảm bớt vận hạn và cầu mong may mắn. Ảnh minh họa.

Dịp đầu năm, nhiều người đã bận rộn cúng bái, thực hiện nghi lễ dâng sao, giải hạn với mong muốn giảm bớt vận hạn và cầu mong may mắn. Ảnh minh họa.

Sắm sanh lễ lạt đầy đủ, làm mọi việc theo đúng lời thầy dặn dò mà vẫn gặp vận đen, kinh doanh khó khăn, chị Hà càng thêm lo lắng rồi tự trách bản thân là có khi mình làm lễ chưa đủ thành tâm, hay còn thiếu nghi thức nào đó... Cứ thế, chị lại tiếp tục chạy theo những buổi lễ giải hạn tốn kém, hết thầy này đến thầy khác, mong vận xui sẽ được hóa giải.

Một ngày, con gái lớn của chị Hà thẳng thắn nói với mẹ: "Mẹ có thấy thời gian gần đây, những cửa hàng thời trang đang chuyển hướng bán online nhiều hơn không? Mẹ không chịu thay đổi cách bán hàng thì sao mà đông khách được? Nếu mẹ dùng số tiền cúng bái, giải hạn để chạy quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến và nhập thêm mẫu mã mới, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn".

Câu nói của con khiến chị Hà giật mình, nhận ra bản thân đã quá chìm đắm vào những nghi lễ giải hạn, tiễn sao xấu mà quên mất rằng, để thay đổi số phận, chính mình mới là người cần phải hành động.

Sợ hãi vì tam tai nên bỏ lỡ nhiều cơ hội

Anh Nam, 30 tuổi, là nhân viên marketing cho một công ty truyền thông. Công việc của anh khá ổn định, nhưng đầu năm vừa rồi, anh được một đồng nghiệp nhắc rằng mình đang bước vào tam tai. Người bạn đó nói: "Năm nay, tuổi mình gặp hạn tam tai đấy. Tam tai là xui xẻo lắm nên phải cẩn thận, tránh đầu tư hay thay đổi công việc nhé!".

Trước đây, anh Nam vốn không để ý nhiều đến chuyện tâm linh, nhưng nghe người bạn nhắc đến vận đen của năm hạn tam tai, anh cũng bắt đầu tìm hiểu. Hơn nữa, dịp Tết bị rơi mất điện thoại nên lại càng khiến anh tin năm nay mình đen vì gặp hạn tam tai. Thế rồi, qua người quen giới thiệu, anh tìm đến một thầy cúng mà nhiều người thành đạt vẫn thường lui tới để xin lời khuyên.

Trong buổi lễ giải hạn tam tai, thầy khuyên anh Nam nên kiêng đi xa, không nên đổi công việc, tránh hùn vốn làm ăn, đặc biệt phải cẩn thận trong các mối quan hệ... Anh Nam càng nghe càng thêm bất an. Thế là, dù công ty đang có đợt xét duyệt thăng chức, anh vẫn e dè không dám ứng tuyển vì sợ năm nay “không hợp” với sự thay đổi. Hay khi một người bạn rủ cùng góp vốn mở quán cà phê - ý tưởng mà anh ấp ủ lâu nay - anh cũng từ chối, lo rằng đầu tư vào năm tam tai sẽ không thành công. Suốt cả năm, anh Nam sống trong tâm thế dè dặt, mọi cơ hội đến anh đều từ chối vì sợ xui xẻo. 

Việc cúng lễ, giải hạn đầu năm giúp nhiều người cảm thấy cảm thấy an tâm hơn, tuy nhiên cần có sự cân nhắc hợp lý, tránh biến niềm tin tâm linh thành mê tín cực đoan. Ảnh minh họa.

Việc cúng lễ, giải hạn đầu năm giúp nhiều người cảm thấy cảm thấy an tâm hơn, tuy nhiên cần có sự cân nhắc hợp lý, tránh biến niềm tin tâm linh thành mê tín cực đoan. Ảnh minh họa.

May mắn không đến từ những lá sớ!

Theo quan niệm dân gian, mỗi người có một vì sao chiếu mệnh, nếu năm đó gặp sao xấu thì có thể đối diện với tai họa, bệnh tật, tai nạn… Và để hóa giải, dịp đầu năm, nhiều người đã bận rộn cúng bái, thực hiện nghi lễ dâng sao, giải hạn với mong muốn giảm bớt vận hạn và cầu mong may mắn.

Tuy nhiên, trong giáo lý nhà Phật không hề đề cập đến sao xấu, sao tốt hay nghi lễ dâng sao giải hạn. Phật giáo nhấn mạnh rằng, mọi điều tốt hay xấu đều do chính hành động của mỗi người mà ra. Thực tế cũng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh dâng sao giải hạn có thể thay đổi số phận hay tránh được tai họa. Vì vậy, thay vì dồn tiền của và công sức vào những nghi lễ tốn kém, mỗi người có thể tự tạo may mắn cho bản thân bằng cách không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng, rèn luyện đạo đức, sống nhân hậu và tích cực làm việc thiện.

Một số người cho rằng việc cúng lễ giải hạn đầu năm giúp họ cảm thấy an tâm hơn. Điều này không sai, nhưng cần có sự cân nhắc hợp lý, tránh biến niềm tin tâm linh thành mê tín cực đoan. Cúng lễ nên hướng đến sự thanh tịnh trong tâm, thay vì chạy theo những hình thức xa hoa, tốn kém.

Một cuộc sống lương thiện, một tinh thần an nhiên và một thái độ sống tích cực mới là những điều giúp chúng ta tránh khỏi rủi ro và thu hút những điều tốt đẹp. Khi mỗi người biết sống ngay thẳng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, thì đó chính là "giải hạn" bền vững nhất.

Xem thêm
Con đường chính trực để có cuộc sống thực sự an lành

Con đường chính trực là một khái niệm mà những chuyên gia xã hội học đưa ra, khi đề cập đến thái độ tiếp cận mọi biến động nhằm có được cuộc sống an lành.

Hẹn hò tình cũ sau nhiều giông bão cuộc đời

Hẹn hò tình cũ đôi khi cần sự sắp đặt hữu duyên, nhưng bao nhiêu thăng trầm đã trải qua khiến mỗi người đều vạch ra một giới hạn để trân trọng lẫn nhau.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất