| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp căn cơ nào cho chăn nuôi?

Thứ Hai 10/06/2013 , 11:45 (GMT+7)

Tại Nghệ An, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị phát triển chăn nuôi các tỉnh ĐBSH và Bắc Trung bộ.

Tại Nghệ An, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị phát triển chăn nuôi các tỉnh ĐBSH và Bắc Trung bộ. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi cho biết, sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ rất khó khăn nên người nuôi giảm đàn. Ngay sau đó giá cả lại tăng mạnh và sức mua của thị trường giảm.

Giảm giá TĂCN = giảm giá thành?

Theo ông Dương, có 4 yếu tố sau đây đang đẩy giá thành chăn nuôi ở nước ta lên cao hơn các nước xung quanh và thiếu tính cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Thứ nhất là giá cả các nguyên liệu đầu vào và thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ngày càng tăng, kèm theo đó là tình trạng thiếu vốn, lãi suất tín dụng cao đã gây trở ngại trực tiếp cho người chăn nuôi và nhất là các DN chăn nuôi lớn.

Thứ hai là thực tế chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao (số hộ nuôi từ 1 - 2 con và 3 - 5 con chiếm 77,54%). Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng.


Thứ trưởng Vũ Văn Tám (áo sơ mi sậm màu) trao đổi với các đại biểu

Thứ ba, chi phí thuốc thú y trong quá trình chăn nuôi cao (từ 5 -10%) góp phẩn đẩy giá thành chăn nuôi tăng lên so với các nước trong khu vực.

Thứ tư là công tác kiểm soát thực phẩm nhập khẩu giá rẻ và gia súc, gia cầm sống (loại thải) qua biên giới thông qua các đường tiểu ngạch và buôn lậu có lúc còn bỏ ngỏ đã góp phần đẩy người chăn nuôi vào tình trạng thua thiệt, khiến các sản phẩm càng thiếu tính cạnh tranh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Ở VN chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ là đặc trưng và rất khó loại bỏ. Điều trăn trở nhất mà Bộ NN-PTNT đặt ra cho các cơ quan chức năng và nhà khoa học là phải đề xuất được các giải pháp tốt để giúp ngành chăn nuôi vừa ngăn chặn được dịch bệnh, kiểm soát được môi trường vừa nâng cao năng suất và giảm được giá thành...

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi thì yếu tố giống chiếm tới 22% giá thành. Nhưng việc kiểm soát chất lượng giống vật nuôi hiệu quả thấp và đang bị thả nổi. Tình trạng nhập giống lợn thịt về nuôi thành lợn giống bố mẹ là nguyên nhân khiến đàn lợn giống trong nước thoái hóa nhanh, chất lượng kém, làm giảm năng suất trong chăn nuôi đã góp phần đẩy giá thành tăng lên.

Lãnh đạo Bộ rất cần nhà khoa học, nhà quản lý hiến kế các vấn đề cốt lõi sau: Xử lý vấn đề giống chăn nuôi như thế nào để tăng năng suất và sản lượng? Vấn đề TĂCN nên đi theo hướng nào? Nếu các hộ chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào TĂCN công nghiệp thì rất khó có lãi. Làm gì để chuyển chăn nuôi nông hộ từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng trang trại? Giải pháp nào cho vấn đề dịch bệnh và tình trạng ô nhiễm môi trường?...

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để giảm giá thành chăn nuôi thì điều đầu tiên là phải giảm giá TĂCN. Mặc dù tổng sản lượng TĂCN ở nước ta đã đứng đầu khối ASEAN và đứng thứ 12 thế giới nhưng giá thành vẫn cao. Nguyên nhân do phân bố nhà máy không theo quy hoạch. Hầu hết các sản phẩm TĂCN chủ yếu do DN nước ngoài và liên doanh trực tiếp điều tiết giá và chi phối thị trường nên rất khó kiểm soát về giá.

Hiện cả nước có 234 NM chế biến TĂCN thì tập trung tại vùng ĐBSH 97 NM, Đông Nam bộ 69 NM; ĐBSCL 42 NM. Các tỉnh Bắc Trung bộ có tổng đàn lợn, đàn gia cầm rất lớn nhưng chỉ có 7 NM; Tây Nguyên không có NM nào. Việc điều tiết TĂCN từ nơi thừa sang nơi thiếu ngoài mặt bằng giá cao còn bị đội lên do cước phí vận chuyển...

Đưa chuồng trại ra khu dân cư

Giải thích lý do khiến TĂCN ở nước ta được bán với giá quá cao và liên tục tăng, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cho rằng, sở dĩ giá cao là do cái gì cũng nhập. Từ ngô, đậu tương tới cám gạo... đều nhập khẩu. Mỗi loại hàng nhập khẩu đều phải qua nhiều đầu mối trung gian (thuế hải quan, thuế kiểm dịch, thuế GTGT...) đã làm cho mặt hàng này về đến NM đội giá.


Đàn bò lai sind tại Hà Tĩnh

Để giảm giá TĂCN, theo ông Lịch thì Bộ NN-PTNT nên giảm lượng gạo XK xuống mốc 5 triệu tấn/năm. Mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích lúa cao cưỡng vùng đồng bằng, trung miền núi do sang trồng ngô. Toàn bộ diện tích vụ lúa xuân hè tại ĐBSCL cũng chuyển sang trồng ngô.

Mỗi năm nếu cả nước chuyển được khoảng 300.000 ha diện tích lúa sang trồng ngô thì sẽ tăng sản lượng ngô lên khoảng 2 triệu tấn/năm cho ngành SX TĂCN. Chúng ta giảm nhập khẩu được 1,6 triệu tấn ngô/năm thì giá thành TĂCN sẽ giảm được đáng kể...

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: Để giảm giá thành cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới trước mắt phải tập trung vào 3 yếu tố chính sau đây: Thứ nhất là tìm mọi biện pháp để giảm chi phí TĂCN bằng việc chuyển từ sử dụng TĂCN công nghiệp sang áp dụng công nghệ sử dụng TĂCN ủ men để tăng sự hấp thụ thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Thứ hai, giảm chi phí về giống để đẩy năng suất trong chăn nuôi lên. Yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương phải rà soát lại đàn lợn giống, đàn trâu bò, nguồn tinh phải có lý lịch, chất lượng tốt và hệ thống thụ tinh nhân tạo đi kèm với việc xây dựng đội ngũ dẫn tinh viên cơ sở chuyên nghiệp hóa để đảm bảo xuất được giống tốt cho người chăn nuôi.

Thứ ba là triển khai tập huấn các quy trình công nghệ mới trong lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn VietGAHP để tăng năng suất trong chăn nuôi lên.

Công tác kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát môi trường phải tiến tới việc đưa chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vào diện có điều kiện để không ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Từng bước tiến hành giao đất để đưa chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám:

Về tăng cường liên kết giữa DN SX TĂCN + ngân hàng + người chăn nuôi tiến tới liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cần học tập kinh nghiệm và mô hình của 2 tỉnh Hà Tĩnh và Hà Nam. Trên nguyên tắc phải làm sao đủ độ tin cậy để ngân hàng yên tâm cho các hộ chăn nuôi vay vốn.

Về chính sách cho chăn nuôi nông hộ, Bộ NN-PTNT đang dự thảo văn bản để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong đó đề xuất mỗi hộ được hỗ trợ tối thiểu 3 - 4 con lợn. Đề nghị các tỉnh cho ý kiến sớm để hoàn thiện, trên nguyên tắc phù hợp với thực tiễn làm sao để ngành chăn nuôi phát triển có hiệu quả cao và bền vững theo cơ chế thị trường...

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.