| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nào cho ngập lụt đô thị ở Hải Phòng?

Thứ Sáu 16/12/2022 , 09:01 (GMT+7)

Ngập lụt là vấn đề nan giải của TP Hải Phòng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là do tác động bất thường của biến đổi khí hậu.

Không mưa vẫn ngập

Thời gian gần đây, dù không có mưa thế nhưng nhiều tuyến phố chính của Hải Phòng bám theo khu vực bến Bính, cầu Lạc Long, Hạ Lý, Gia Viên, Tam Bạc cùng nhiều nơi khác bị ngập lụt.

Hiện tượng ngập đường xảy ra thường bắt đầu từ 18h đến 21h hàng ngày, sau đó rút dần. Mấy năm trở lại đây xuất hiện ngày càng nhiều hơn và cường độ ảnh hưởng lớn hơn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt người dân.

Empty

Ngập lụt tại khu vực đô thị đang trở thành vấn đề nhức nhối của Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Theo tìm hiểu, những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dẫn đến trên địa bàn TP Hải Phòng thường xuyên xuất hiện mưa lớn có cường độ cao trên 100 mm, cá biệt có những trận mưa trên 250 mm.

Bên cạnh đó, diện tích hồ điều hòa khu vực quận nội thành hiện nay có gần 70 ha, chỉ đáp ứng 20% diện tích hồ điều hòa theo quy hoạch diện tích thoát nước mặt. Việc thiếu diện tích hồ điều hòa làm khả năng lưu trữ nước mưa gặp nhiều hạn chế.

Mặt khác, việc xả lũ tại công trình thuỷ điện tạo ra hiện tượng nước dâng cao lên thêm 50cm, như vậy thuỷ triều cao tới 4,4m, vượt qua tất cả các cao độ của các mặt đường chính gần khu vực sông Tam Bạc, sông Cấm.

Có thời điểm, vào tháng 6/2022, theo đo đạc của cơ quan chuyên môn, thuỷ triều tại các sông dương 3,9m. Lượng mưa có cường độ cao kết hợp với nước biển dâng, trong khi cốt nền hiện trạng của các khu vực thuộc quận trung tâm tương đối thấp dẫn đến ngập lụt.

Empty

Ngập lụt trong khu vực đô thị ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ảnh: Đinh Mười.

Báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho biết, hiện nay cao độ của cốt đường nội thành chỉ dương 3,8 m, chỉ được 1 số tuyến mới như Lê Hồng Phong là đạt được dương hơn 4.0m.

Ngoài ra, một số dự án thoát nước mưa, nước thải thi công dở dang, kéo dài hoặc quá trình thi công không đảm bảo kỹ thuật, không thực hiện việc đấu nối cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của Hải Phòng gia tăng nhanh, số lượng ao hồ, kênh mương bị san lấp, thu hẹp ngày càng nhiều khiến quá trình tự thấm nước trong các đô thị giảm, xuất hiện hiện tượng gia tăng các dòng chảy nước mặt trong đô thị, từ đó gây áp lực lên hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

Ngoài ra, cao độ nền của một số khu vực đô thị còn thấp, trũng, sự thiếu đồng bộ của hệ thống hạ tầng thoát nước, ý thức của cộng đồng bảo vệ hệ thống thoát nước chưa cao … cũng góp phần gây nên tình trạng ngập lụt trong thành phố Hải Phòng khi trời mưa to, kéo dài.

Ông Phạm Quang Quỳnh - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho biết: Hệ thống thoát nước của thành phố hiện nay đan xen giữa cũ và mới, thiếu đồng bộ, còn chắp vá và hầu hết là hệ thống thoát nước chung, thoát nước thải lẫn thoát nước mưa.

Empty

Một cửa hàng trên phố Tô Hiệu bị sóng nước đánh hỏng cửa sau 1 trận mưa. Ảnh: Đinh Mười.

Phần lớn hồ có độ sâu trung bình từ 2,0 - 3,5m, dung tích tham gia điều hòa nước mưa thường nhỏ, chiếm khoảng một nửa dung tích hồ do không thể hạ mức nước hồ xuống mực nước chết để đảm bảo cảnh quan. Trong khi đó, các hồ điều hòa chưa có trạm bơm công suất lớn để chủ động tiêu thoát nước, nhiều tuyến mương hở tiêu thoát nước bị san lấp, thu hẹp dòng chảy.

Những năm gần đầy, dù hệ thống thoát nước cũ của đô thị Hải Phòng đã được các dự án đầu tư mở rộng qua nhiều thời kỳ góp phần tăng khả năng tiêu thoát nước cho một số lưu vực, góp phần chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước cơ bản vẫn thiếu đồng bộ, các hạng mục xây dựng mới chủ yếu được xây dựng để giải quyết vấn đề ngập lụt trước mắt nên khả năng tiêu thoát nước mưa còn hạn chế, cơ bản chỉ đáp ứng được yêu cầu thoát nước đối với những trận mưa cường độ trung bình khoảng 50mm.

“Trước tình hình mưa bão diễn biến bất thường cùng với biến đổi khí hậu và thực trạng hệ thống thoát nước như hiện nay, hiện tượng ngập lụt khi có mưa lớn gặp lúc triều cường tại đô thị Hải Phòng sẽ ngày càng tăng và có xu hướng ngập sâu hơn”, ông Quỳnh chia sẻ.

Empty

Người bán hàng trên nhiều tuyến phố thấy mưa là sợ. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện nay, hệ thống thoát nước của thành phố Hải Phòng được chia làm 7 lưu vực chính gồm: 12 hồ điều hòa có tổng diện tích 67.97ha; 27,04km kênh mương các loại; 8 trạm bơm nước mưa; 22 cống ngăn triều các loại; 652km đường cống, gần 12.000 ga hàm ếch; 1 nhà máy xử lý nước thải và 1 khu xử lý bùn. Thời gian qua, dù đã đầu tư xây dựng nhiều dự án thoát nước trên địa bàn nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Giải pháp nào?

Trước thực trạng này, Hải Phòng đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp cần thiết nhằm tăng cường khả năng thoát nước, chống ngập cho đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị cần phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình, đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, xã hội và người dân.

Để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, chống ngập lụt cho đô thị, Hải Phòng đã tích cực triển khai các giải pháp như tăng cường công tác duy tu, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước phát huy tối đa hiệu quả của các công trình thoát nước hiện hữu. Mặt khác cũng thường xuyên thu gom bùn rác tại các hố ha, nạo vét bùn lắng trong các lòng cống, kênh mương, khơi thông dòng chảy, cửa xả tiêu thoát nước. Trong đó, ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ, nâng cấp hệ thống thoát nước cho một số khu vực bức xúc về thoát nước.

Đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật đã và đang thi công, thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, thực hiện việc đấu nối thoát nước, tháo dỡ các điểm hoành triệt để đảm bảo việc tiêu thoát nước. 

Empty

Phố "hóa" thành sông. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện tại, các dự án dở dang cần khẩn trương hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng; cần đề xuất lập dự án thoát nước cho các điểm đen về ngập lụt trên địa bàn các quận trung tâm cũng như theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng thủy văn và các thông tin về thời tiết...

Theo ông Phạm Quang Quỳnh, thời gian tới cần triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch thoát nước thải và thoát nước mưa đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt, đó là xây dựng bổ sung 447,84km đường cống các loại, 33 trạm bơm nước mưa. Sau khi quy hoạch chung thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi hướng tới thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu cũng như lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước các khu vực còn thiếu và yếu về thoát nước.

Các đơn vị chức năng cần quản lý việc xây dựng và tuân thủ cao độ nền đã được phê duyệt của tất cả các dự án, các công trình xây dựng, lập hệ thống bể ngầm, hồ chứa nước mưa để thu gom nước tại chỗ và điều tiết nước khi có mưa và gặp triều cường.

Empty

Ảnh hưởng của triều cường, nhiều nơi ở Hải Phòng không mưa nhưng vẫn ngập. Ảnh: Đinh Mười.

Song song với đó cần tổ chức lắp đặt bổ sung các trạm bơm tại các hồ điều hòa, nâng công suất các trạm bơm hiện có, nâng cấp, cải tạo các hồ điều hòa, kênh mương hiện có để tăng khả năng lưu chứa nước. Đồng thời, nghiêm cấm các hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng sông và các công trình thoát nước; tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tham gia công tác quản lý giữ gìn, bảo vệ và phát triển hệ thống thoát nước.

Có thể nói, ngập lụt là vấn đề nan giải của nhiều đô thị hiện nay, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là do tác động bất thường của biến đổi khí hậu. Giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị cần phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình, đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, xã hội và người dân.

Công tác PCTT đối với các công trình xây dựng, công trình dân dụng, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình dạng tháp, công trình đang thi công xây dựng, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 3286/QĐ-UBND ngày 27/10/2020 phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2025; dự kiến ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sử dụng vốn ngân sách thành phố, trong đó đề xuất xây các chung cư mới đảm bảo các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, có khả năng ứng phó tốt hơn với các tình huống thiên tai, phục vụ di dời người dân ở các khu nhà chung cư cũ yếu, nguy hiểm đến các khu nhà chung cư xây dựng mới, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...