| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp sản xuất và tiêu thụ nào cho hành lang xanh của Hà Nội?

Thứ Hai 01/07/2019 , 07:05 (GMT+7)

Theo quy hoạch chung của Hà Nội “hành lang xanh” tập trung chủ yếu từ vành đai 4 tới khu vực sông Đáy, sông Tích trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hoà và Phú Xuyên.

Nhiều thiệt thòi

Việc hình thành hệ thống hành lang xanh bao bọc bên ngoài nội đô đóng vai trò rất quan trọng về môi trường, an ninh lương thực cũng như ngăn sự phát triển thái quá của đô thị. Tuy nhiên vành đai này vẫn có nhiều sự thiệt thòi về mức sống cũng như thu nhập.

Xin được lấy ngay một ví dụ là huyện Ứng Hòa thuộc về vùng trũng của thành phố cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng bị tụt hậu, thu nhập bình quân năm 2018 chỉ đạt 37,1 triệu đồng/người/ năm.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp trong phát triển kinh tế, địa phương này gần đây đã tập trung chỉ đạo theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng những vùng chuyên canh thuỷ sản, chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

09-41-50_dsc_9101
Kiểm tra độ lớn của cá.

Nhờ vậy, bước đầu hình thành nên một số sản phẩm thế mạnh của huyện. Về trồng trọt có mô hình bưởi Diễn ở các xã Đồng Tiến, Viên Nội, Hòa Xá cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn so với các loại cây ăn quả khác với tổng diện tích trồng khoảng 95 ha. Hiện đã thành lập được HTX Bưởi VietGAP Đồng Tiến với mục tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ, đang xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu từ đó nhân rộng ra các vùng bưởi khác trên địa bàn.

Về nuôi trồng thuỷ sản, huyện có 3.820 ha, sản lượng ước đạt 34.133 tấn với đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống như cá trắm, chép lai, trôi, rô phi… Đã có 2 hộ tại thôn Lưu Khê - xã Liên Bạt đang nuôi cá VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đầu ra có thể đưa được vào các siêu thị, nhà hàng, trường học, bếp ăn tập thể.

Là vùng trũng của thành phố, Ứng Hoà có lợi thế trong phát triển chăn nuôi thuỷ cầm, trong đó xã Đông Lỗ phát triển mạnh chăn nuôi vịt đẻ với số hộ nuôi quy mô lớn trên 3.000 con/hộ là 40 hộ, số lượng vịt đẻ là khoảng 200.000 con.

Hiện trên địa bàn huyện đã có 1 cơ sở giết mổ gia cầm được kiểm soát giết mổ tại xã Phương Tú, đồng thời là chủ cơ sở cũng là đại diện sử dụng nhãn hiệu vịt Vân Đình.

Tuy nhiên việc sử dụng nhãn hiệu chưa có hiệu quả do Hội Chăn nuôi vịt Vân Đình chưa xây dựng được quy trình nuôi cụ thể và các thành viên của hội chưa tuân thủ các quy định của việc sử dụng nhãn hiệu. Thành ra để hoài phí một thương hiệu vốn từ trước đến nay đã được người tiêu dùng trong khắp cả nước biết đến.

Bên cạnh các mô hình truyền thống là các mô hình công nghệ cao, trên địa bàn huyện có 6 vùng sản xuất rau an toàn theo quy hoạch của UBND thành phố với diện tích 130,6 ha trong đó có 2 mô hình sản xuất rau theo hướng công nghệ cao.

Thứ nhất là trồng rau trong nhà lưới ở xã Sơn Công. Năm 2017, UBND huyện đã triển khai hỗ trợ mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính, diện tích 5.000m2 tại thôn Vĩnh Thượng với định mức ngân sách huyện hỗ trợ xây dựng nhà kính 70% và nhân dân góp 30%. Tùy thuộc vào đối tượng rau màu sản xuất mà hiệu quả kinh tế mang lại từ 400 triệu đến trên 1 tỷ đồng.

Trong nuôi trồng thủy sản đang hình thành các mô hình nuôi thủy sản "sông trong ao" ở xã Trầm Lộng, xã Liên Bạt... vừa kiểm soát môi trường nuôi, nuôi với mật độ cao vừa cho sản phẩm cá đồng đều và tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
Ngoài ra, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển tự động từ xa máy cho ăn, quạt nước... đã giảm công lao động và giảm rủi ro trong nuôi trồng thủy sản.

Thứ hai là mô hình nhà kính trồng dưa lưới của hộ ông Nguyễn Phúc Bách thôn Phù Lưu Hạ, xã Phù Lưu, bắt đầu triển khai sản xuất từ năm 2017, với diện tích 3.000m2, đang sản xuất dưa lưới quả xanh, cho lãi 100 triệu đồng/sào/vụ.
 

Lỏng lẻo trong hợp tác liên kết sản xuất

Hoạt động hợp tác, liên kết sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau và nông dân với doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, cung cấp sản phẩm nông sản đủ về số lượng, đồng đều về chất lượng.

Từ đó, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm thời gian cho doanh nghiệp thực hiện hợp đồng sản xuất, kinh doanh với đối tác để tiêu thụ sản phẩm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã hình thành nhiều chuỗi liên kết dưới các hình thức chăn nuôi gia công, HTX chăn nuôi, doanh nghiệp và nông dân cùng làm như chuỗi sản xuất thịt lợn…

Tuy nhiên, việc hợp tác, liên kết sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức nên chưa hấp dẫn để thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; đầu ra nông sản hàng hóa chưa thật sự ổn định, vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá.

Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với nông dân còn hạn chế. Nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi trên cơ sở phát huy lợi thế chưa trở thành phổ biến.

09-41-50_dsc_0935
Kiểm tra mô hình trồng lúa hàng hóa chất lượng cao.

Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến với kết nối thị trường chưa rõ; thiếu giải pháp chính sách thực hiện hiệu quả, nhất là với khâu kết nối thị trường đang còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, các vấn đề về môi trường…

Để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, trong thời gian tới các cơ quan, ban, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của từng địa phương và nhu cầu của thị trường.

Từ đó, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.