| Hotline: 0983.970.780

Giảm 80% số lợn mắc bệnh và tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Ba 01/08/2023 , 08:26 (GMT+7)

Hệ thống thú y các cấp tích cực, chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là lợn, giúp các hộ nông dân yên tâm tái đàn, đảm bảo thu nhập.

Dịch tả lợn Châu Phi 6 tháng đầu năm 2023 đã từng bước được kiểm soát. Ảnh: Bảo Thắng.

Dịch tả lợn Châu Phi 6 tháng đầu năm 2023 đã từng bước được kiểm soát. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trong 7 tháng đầu năm 2023, hệ thống thú y các cấp tiếp tục phối hợp người dân kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm trên lợn.

Trong đó, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực.

Cụ thể, tính từ ngày  1/1 đến 23/7/2023, cả nước xảy ra 208 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 106 huyện của 37 tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 8.500 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 78% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 82%.

Hiện, cả nước có 44 ổ dịch thuộc 24 huyện của 14 tỉnh chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh gần 2.500 con, số lợn chết và tiêu hủy xấp xỉ 2.600 con.

Đây là thành tích rất đáng ghi nhận, bởi khi nổ ra vào đầu năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi khiến ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong năm đó, cả nước có trên 8.500 ổ dịch trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn phải tiêu hủy gần 6 triệu con (tương đương 340.000 tấn), thiệt hại ước tính hơn 13.200 tỉ đồng.

Năm kế tiếp, dịch bệnh dần được kiểm soát nhưng vẫn còn đến gần 1.600 ổ dịch tại 50 tỉnh, thành phố vào năm 2020. Số lợn bị tiêu hủy năm đó là hơn 86.000 con, gây thiệt hại hơn 32 tỉ đồng. 

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhìn nhận, kết quả này một phần có được nhờ Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và sản xuất thành công vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi.

Vào tháng 6/2022, lô vacxin thương mại đầu tiên do công ty Navetco phát triển được Bộ NN-PTNT công bố lưu hành trên toàn quốc.

Đến tháng 7/2023, thêm một loại vacxin nữa, của công ty AVAC nghiên cứu, được đưa vào sử dụng.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh. Ảnh: Tùng Đinh.

Thời gian tới, Cục Thú y cam kết sẽ giám sát chặt chẽ việc sử dụng 2 loại vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi là NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE.

Cục Thú y thống kê đã có hơn 650.000 liều vacxin được tiêm trong điều kiện kiểm soát. Hiện sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ lợn được tiêm có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể đạt trung bình trên 95%.

Để vacxin tiếp tục hoàn thiện, nhất là khi tiêm điều kiện nông hộ nhỏ lẻ, Cục Thú y sẽ phối hợp chuyên gia quốc tế, nhất là chuyên gia Hoa Kỳ để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu, sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho các đối tượng lợn khác như lợn nái, lợn đực giống ở các lứa tuổi khác nhau, đồng thời tổ chức nghiên cứu, đánh giá sử dụng vacxin tại thực địa.

Trước thành công của Việt Nam, một số quốc gia tại châu Phi và Philippines đã liên hệ, đặt hàng vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Theo ông Minh, số lượng khoảng 300.000 liều. Nếu thành công, Việt Nam sẽ tiếp tục ghi một dấu ấn nữa về công tác thú y.

Ngoài dịch tả lợn Châu Phi, một số loại bệnh khác phổ biến trên lợn như lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn… hiện đều được kiểm soát hữu hiệu nhờ có vacxin phòng bệnh, yếu tố được Phó Cục trưởng Minh xem là "lá chắn" hữu hiệu cho đàn vật nuôi.

Đẩy mạnh tiêm vacxin trên lợn là 1 trong 3 biện pháp Cục Thú y chủ trương để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, bên cạnh kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật. 

Trong số này, Cục lưu ý về công tác kiểm soát giết mổ. Tính đến hết tháng 5/2023, cả nước hiện có gần 250 cơ sở giết mổ lợn tập trung nhưng có tới hơn 17.600 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Số lợn được kiểm soát giết mổ tại cơ sở nhỏ lẻ gần tương đương với số lợn giết mổ tại các cơ sở tập trung, vào khoảng 8,6 triệu con.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.