| Hotline: 0983.970.780

Giống và canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu

Giảm lệ thuộc giống rau nhập khẩu

Thứ Tư 03/04/2024 , 08:34 (GMT+7)

Nông dân các tỉnh phía Nam đang thực hiện chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, nhưng bất cập đang tồn tại là 85% giống rau hiện phải lệ thuộc vào nhập khẩu.

Giống rau, dưa nhập khẩu giá cao ngất ngưởng

Có thể nói, trong những bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam không thể thiếu món rau xanh nên nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng rất lớn.

Việt Nam có khí hậu rất đa dạng, thích hợp để gieo trồng nhiều loài rau khác nhau, gồm cả rau ôn đới, rau nhiệt đới, rau á nhiệt đới. Đa số các loài rau có thời gian sinh trưởng ngắn nên nông dân có thể trồng từ 2 - 6 vụ/năm trên nhiều loại đất và địa hình khác nhau. Với phương thức trồng đa dạng, có lợi thế so sánh về giá trị sản xuất nên rau được nông dân ưu tiên thâm canh tăng vụ, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang) thăm mô hình trồng dưa lưới tại ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang) thăm mô hình trồng dưa lưới tại ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Hiện nay, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Nam đang thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, hoặc chuyển đổi phương thức từ trồng rau ít đầu tư sang đầu tư cao hơn cả về cơ sở vật chất và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV), do hệ thống sản xuất giống rau trong nước còn yếu từ công tác chọn tạo giống, lưu giữ, quy trình nhân giống, cơ sở hạ tầng, năng lực tổ chức sản xuất, phân phối... nên hiện giống rau sử dụng trong nước hầu hết phải lệ thuộc vào giống nhập khẩu. Giống rau nhập khẩu hiện chiếm khoảng 85% nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là các loại rau cao cấp gần như đều sử dụng hạt giống lai F1 nhập khẩu.

Bộ giống rau nhập khẩu thì muôn hình vạn trạng, nhiều giống có khả năng thích nghi tốt, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng cũng có những giống có khả năng thích nghi kém, đặc biệt hầu hết giá hạt giống các nhập khẩu rất cao. Trong khi đó, nguồn giống rau sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, lại chủ yếu là các giống rau bản địa, có giá trị thấp. Chính vì vậy, năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất rau chưa cao.

Hiện nay, các trang trại sản xuất dưa lưới gần như đều sử dụng các giống dưa nhập khẩu với giá rất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, các trang trại sản xuất dưa lưới gần như đều sử dụng các giống dưa nhập khẩu với giá rất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Anh Trần Bảo Diệp, chủ nhà vườn La’sfarm ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân, Bình Định) chuyên trồng nhiều loại rau, dưa để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh Bình Định cho hay: Những giống rau, dưa anh sử dụng trong mấy năm qua toàn bộ là giống ngoại nhập được ươm tại các vườn ươm ở Đà Lạt, ví như các giống cà chua Nova cam, Nova vàng, cà chua Chery đỏ, cà chua Socola... Cả những giống dưa lưới anh Diệp đang sản xuất cũng là giống ngoại nhập, ví như giống dưa lưới Huỳnh Long được nhập khẩu từ Malaysia, hoặc như giống dưa lưới Hami, Golden Sun được nhập từ Trung Quốc.

“Các giống rau ngoại nhập đều đắt hơn giống rau sản xuất trong nước, có giống đắt hơn từ 4 - 5 lần. Ví như giống dưa lưới TL3 sản xuất ở Việt Nam bán có 1.000đ/hạt, trong khi giống dưa lưới Huỳnh Long của Malaysia có giá đến 5.000đ/hạt. Trước đây, trên thị trường cũng có một số giống rau, dưa sản xuất tại Việt Nam, nhưng nay đã vắng bóng dần trên thị trường vì chất lượng không theo kịp hạt giống sản xuất ở nước ngoài nên nông dân không tin dùng”, anh Trần Bảo Diệp bộc bạch.

TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV cũng cho biết nhiều giống rau, dưa ngoại nhập đắt hơn giá giống trong nước. Ví như hiện nay một số giống dưa lưới ngoại nhập có giá 5.000 - 7.000đ/hạt, nhưng giống dưa lưới Hoàng Ngân do ASISOV chọn tạo chỉ bán có 1.500 - 2.000đ/hạt. Trong khi giống dưa lưới Hoàng Ngân cho năng suất, chất lượng chẳng kém cạnh giống dưa ngoại. Dưa lưới Hoàng Ngân cho quả đồng đều, hình elip, vỏ có màu vàng sáng khi chín, khối lượng trung bình dao động từ 1,6 - 2kg/quả, thịt màu cam nhạt, rất giòn, ngọt.

Tham quan mô hình trồng dưa lưới tại ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Tham quan mô hình trồng dưa lưới tại ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Dần chủ động hạt giống rau trong nước

Khí hậu các tỉnh phía Nam nước ta có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô diễn ra vào các thời điểm khác nhau ở từng vùng sinh thái. Ví như vùng Nam Trung bộ mùa khô từ tháng 2 đến tháng 9; vùng Tây Nguyên mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau; vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Nền nhiệt độ cao, cường độ chiếu sáng lớn, ẩm độ thấp trong mùa khô ở các tỉnh phía Nam là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các cây rau có nguồn gốc á nhiệt đới và nhiệt đới quanh năm. Ví như nhóm cây rau họ bầu bí gồm dưa chuột, mướp đắng, bí ngô, bí xanh, dưa hấu, dưa lê, dưa lưới; nhóm cây họ cà gồm ớt cay, cà tím, cà chua; nhóm cây rau ăn lá có rau muống, mùng tơi, rau dền; nhóm cây rau gia vị có hành, tỏi, kiệu, húng, tía tô, lé é...

Hiện các tỉnh phía Nam đã hình thành được các vùng trồng rau tập trung như tại TP.HCM, An Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Gia Lai… nên có nhiều điều kiện để phát triển thành vùng rau hàng hóa với quy mô lớn, có thể cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mô hình trồng giống dưa chuột thơm tại ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình trồng giống dưa chuột thơm tại ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Từ thực tế trên, theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV, việc chọn tạo các giống rau, dưa mới, đồng thời hoàn thiện hệ thống nhân giống rau trong nước nhằm chủ động cung cấp hạt giống rau phục vụ sản xuất là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao trong giai đoạn hiện nay.

Cũng theo TS Khuê, từ năm 2016, ASISOV đã đề ra chiến lược nghiên cứu, chọn tạo các giống rau F1 cho các tỉnh phía Nam trên nền tảng khai thác tối đa các đặc tính quý của giống địa phương như mùi thơm, tính chống chịu sâu bệnh hại, chịu nhiệt, chất lượng ngon, kết hợp với các nguồn gen nhập nội có đặc tính năng suất cao, mẫu mã đẹp, khả năng bảo quản dài. Đến nay, ASISOV đã chọn tạo thành công các giống rau F1 như: Dưa chuột thơm Thiên Hương 1, Thiên Hương 2; dưa lưới Hoàng Ngân; mướp đắng Hà Thanh 1, Hà Thanh 2; bí ngô Dương Long 77, Phương Mai 77; hành tím F1.

“Hiện ASISOV đang tiếp tục chọn lọc, duy trì, bảo quản khá đa dạng nguồn vật liệu các chủng loại rau như dưa chuột, bí ngô, mướp đắng, dưa lưới, bí xanh, dưa hấu để tiếp tục phục vụ công tác lai tạo các giống rau mới cho những năm tiếp theo”, TS Khuê cho biết.

Diện tích trồng ớt Bình Định đạt khoảng hơn 2.000ha/năm, đa số giống ớt là giống nhập khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

Diện tích trồng ớt Bình Định đạt khoảng hơn 2.000ha/năm, đa số giống ớt là giống nhập khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

“Thời gian tới, ASISOV tiếp tục chọn tạo giống rau mới và quy trình canh tác hợp lý để cho năng suất cao, chất lượng ngon, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại và nắng nóng. Bên cạnh đó, nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hạt giống, từ sản xuất trong nhà lưới đến ngoài đồng ruộng; thu hoạch, tách hạt, phơi sấy, bảo quản, đóng gói...

Hệ thống phân phối các giống rau đã chọn tạo được từ giai đoạn trước cũng sẽ được ASISOV quan tâm nhằm góp phần chủ động sản xuất giống trong nước cũng như giảm giá thành hạt giống cho người trồng rau, dưa ở khu vực phía Nam”, TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV cho biết.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.