Tìm giống lúa cho vùng khắc nghiệt
Theo TS Hồ Huy Cường,Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV), lúa là cây trồng chính ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ với diện tích khoảng 522.000ha, chiếm 7,3% diện tích lúa cả nước.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết trở nên “đỏng đảnh”. Nắng hạn, nhiệt độ cao, mưa bất chợt thường xuất hiện trong mùa khô. Vào mùa mưa lũ, gió bão thường xuyên xảy ra, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Thế mạnh của cây lúa trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ là phân khúc chế biến. Lúa chế biến đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng của nông dân trong vùng. Giống lúa phục vụ chế biến các loại bún bánh từ lâu ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ không thiếu, nhưng đa số đã thoái hóa, hạn chế về năng suất và hiệu quả sản xuất.
Các giống lúa cũ cũng chưa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, ví như thời gian sinh trưởng dài, dẫn tới rủi ro lớn khi cây lúa đứng dài ngày trên đồng, làm tiêu tốn nhiều nước tưới và tốn công chăm sóc, có khả năng chống chịu kém với sâu bệnh hại, yếu cây nên dễ đổ ngã.
Đáng ngại nhất là theo thói quen, nông dân thường gieo sạ mật độ rất dày với lượng giống lên đến 120kg/ha; sử dụng nước tưới, phân bón và thuốc BVTV chưa hợp lý, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đối với phân khúc lúa chất lượng, vùng miền Trung cũng đang rất cần những bộ giống đặc thù là cơm mềm, ngon để phục vụ thị hiếu người tiêu dùng trong vùng, chứ không phải gạo hạt dài để xuất khẩu như ở miền Nam.
“Xuất phát từ những nhu cầu trên, những năm qua, ASISOV đã chọn tạo những bộ giống lúa mới cho cả 2 phân khúc lúa chất lượng và lúa chế biến. Những giống mới này có thời gian sinh trưởng ngắn, trung ngày, vụ đông xuân dưới 110 ngày, vụ hè thu 95 ngày và có khả năng chống chịu đổ ngã, sâu bệnh hại tốt. Những giống lúa mới thuộc nhóm giống lúa chất lượng do ASISOV chọn tạo đang được nông dân tin dùng gồm BĐR57, BĐR36, BĐR79, BĐR97, ANS1; giống lúa phục vụ chế biến có BĐR999”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.
Cũng theo TS Hồ Huy Cường, ASISOV cũng đã nghiên cứu, ứng dụng một phần hoặc đồng bộ các biện pháp cơ giới hoá trong công đoạn làm đất, gieo sạ, thu hoạch và thu gom rơm rạ; giảm lượng giống gieo sạ bằng công cụ sạ hàng hoặc thiết bị sạ cụm; quản lý cỏ dại và dịch dại tổng hợp, đặc biệt sử dụng thiết bị báy bay không người lái (drone) để phun thuốc BVTV hoá học hoặc phân bón qua lá. Sử dụng phân đạm chậm tan để giảm lượng đạm và giảm phiên tưới nước hoặc tưới nước ướt - khô xen kẽ để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát thải thấp.
Một trong những giống thuộc nhóm lúa chất lượng được ASISOV nghiên cứu, chọn tạo và phát triển sớm ra sản xuất là giống ANS1, được công nhận chính thức năm 2018. Từ năm 2020, giống ANS1 đã được Sở NN-PTNT Bình Định đưa vào cơ cấu giống chủ lực của tỉnh. Đây là kết quả sau gần 10 năm nghiên cứu, chọn tạo của tập thể các nhà khoa học của ASISOV.
“ANS1 là giống lúa ngắn ngày, được đánh giá phù hợp với cơ cấu sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ với nhiều ưu điểm như: Thấp, cứng cây, có khả năng chịu lạnh, chịu nóng, chống chịu tốt sâu bệnh. Riêng tại Bình Định, giống ANS1 được nhà nông ưu tiên sử dụng trên hàng trăm cánh đồng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích gieo sạ hàng năm ước đạt trên 15.000ha. Riêng trong vụ đông xuân, Bình Định gieo sạ hơn 5.000ha giống lúa này, kết quả năng suất bình quân đạt 78 tạ/ha”, Thạc sỹ Tạ Thị Huy Phú, đồng tác giả của giống ANS1 chia sẻ.
Từ năm 2010, các nhà khoa học của ASISOV đã lai tạo hàng trăm tổ hợp lai, chọn lọc ra nhiều giống lúa có triển vọng. Trong đó riêng vụ đông xuân năm 2021 - 2022 đã nhân 150 dòng bố mẹ, lai tạo ra 150 tổ hợp lai mới để chọn ra những dòng ưu tú gồm 95 tổ hợp lai F1, 50 tổ hợp F2 và 760 dòng đang phân ly ở thế hệ từ F3, F6 để phát triển thành công nhiều giống lúa mới có triển vọng.
Đối với nhóm giống lúa chất lượng, bên cạnh giống ANS1, hiện ASISOV đã được công bố lưu hành giống BĐR57 và đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để tiến tới bảo hộ và công bố lưu hành các giống BĐR36, BĐR79, BĐR97, BĐR39…
Lợi thế của giống lúa phục vụ chế biến
Một trong những đặc tính ưu việt của các giống mới do ASISOV chọn tạo là tính thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là chống chịu tốt với nắng nóng, có thể phát triển vững vàng trong những vụ hè thu khắc nghiệt.
Đơn cử như giống lúa BĐR999 - một giống lúa thuần thuộc phân khúc gạo chế biến đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận lưu hành giống cây trồng theo Quyết định số 264/QĐ-TT-VPPN ngày 28/9/2022. Từ vụ hè thu năm 2023, Sở NN-PTNT Bình Định đã đưa giống lúa này vào cơ cấu giống lúa của tỉnh thuộc nhóm bổ sung, được đưa ra sản xuất đại trà.
Theo ông Đặng Công Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định), địa phương đã có nhiều vụ liên tiếp sản xuất giống lúa BĐR999. Ông Lý đánh giá: So với các giống lúa thuần nông dân địa phương sản xuất đại trà trước đây, giống BĐR999 rất dễ làm, nhẹ phân, lại ít sâu bệnh.
Đặc biệt, đồng đất xã Bình Nghi trước đây bị bóc lấy lớp đất mặt để cung ứng cho các lò sản xuất gạch ngói nên giờ bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Thế nhưng bất chấp chất đất không màu mỡ, trong những vụ đông xuân, lúa BĐR999 cho năng suất đạt 70 - 75 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 80 tạ/ha. Vì mê chất lượng của gạo BĐR999 nên nông dân Bình Định còn sản xuất đại trà giống lúa này trong những vụ hè thu và năng suất chẳng kém cạnh vụ đông xuân, đạt từ 65 - 70 tạ/ha.
“Nông dân địa phương đang rất mê giống BĐR999 vì bà con ở đây chuyên sản xuất giống lúa chế biến để cung ứng cho những cơ sở sản xuất bánh tráng, bún, bánh hỏi. Lúa chế biến luôn có giá cao hơn lúa chất lượng 1 - 2 giá, lại tiêu thụ mạnh. Đặc biệt, gạo BĐR999 khi đưa vào sản xuất bánh tráng thì bánh không bị nứt; khi nhúng, bánh không bị dính mà rời ra, còn làm bánh bèo, bánh xèo thì bánh rất dai nên thương lái mua rất mạnh.
BĐR999 chống chịu tốt được một số sâu bệnh như rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, dễ canh tác, chịu thâm canh cao, có thể sản xuất vụ đông xuân lẫn vụ hè thu trên nhiều chân đất khác nhau”, ông Đặng Công Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Bình Nghi cho biết thêm.
Thạc sỹ Tạ Thị Huy Phú, nghiên cứu viên của ASISOV, đồng tác giả của nhóm nhà khoa học chọn tạo ra giống lúa BĐR999 tâm sự: Lúa là cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Những năm gần đây, sản xuất lúa gặp nhiều bất lợi do tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều giống lúa nông dân sản xuất lâu nay hiện đã thoái hóa, dễ nhiễm sâu bệnh khiến năng suất đạt thấp.
“Do vậy, nhu cầu phải có thêm nhiều giống mới thích ứng tốt với điều kiện môi trường và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng là rất lớn. Đó là mục tiêu của ASISOV, nên tôi và các đồng nghiệp nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, phù hợp cơ cấu sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu để cung ứng cho nông dân. Cùng với đó, chúng tôi còn chú trọng công tác tuyên truyền về xây dựng chỉ dẫn địa lý nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam”, Thạc sỹ Phú chia sẻ.