| Hotline: 0983.970.780

Giảm phát thải, cải tạo đất nhờ chế phẩm Emuniv

Thứ Hai 23/10/2023 , 06:31 (GMT+7)

SƠN LA Sử dụng chế phẩm Emuniv xử lý rơm rạ trên ruộng giúp năng suất lúa tăng 30 - 40% so với quy trình cũ, giảm chi phí và nâng cao chất lượng hạt gạo.

Thay đổi thói quen đốt rơm rạ trên đồng ruộng

Thói quen đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa của nông dân không chỉ lãng phí nguồn hữu cơ từ rơm rạ mà còn gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc vùi rơm rạ vào đất ruộng còn làm tăng phát thải khí metan, trái với định hướng phát triển nông nghiệp giảm phát thải, bền vững của Việt Nam.

Ở miền núi, rơm rạ đa phần được nông dân gom về nuôi trâu bò, đất thiếu mùn hữu cơ và bà con lâu nay gần như chỉ sử dụng phân hóa học. Vi sinh vật hữu ích trên tầng đất mặt lại bị tình trạng đốt đồng tiêu diệt nên đất trồng lúa ngày càng bị thoái hóa, mất khả năng cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng chống chọi với sâu bệnh hại...

Thời gian qua, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã triển khai dự án hỗ trợ 1.000 nông hộ sản xuất lúa áp dụng các giải pháp xử lý nhanh rơm rạ trên ruộng. Mô hình xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học Emuniv được triển khai hỗ trợ cho gần 800 hộ dân tại xã Chiềng Cọ, TP Sơn La (Sơn La). 

Cánh đồng sử dụng chế phẩm Emuniv để xử lý rơm rạ, cải tạo đất ruộng tại xã Chiềng Cọ, TP Sơn La (Sơn La). Ảnh: Quang Linh.

Cánh đồng sử dụng chế phẩm Emuniv để xử lý rơm rạ, cải tạo đất ruộng tại xã Chiềng Cọ, TP Sơn La (Sơn La). Ảnh: Quang Linh.

Theo bà Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, khi sử dụng chế phẩm sinh học Emuniv để xử lý rơm rạ trên ruộng, các vi sinh vật trong chế phẩm sẽ tiết ra các enzyme phân giải mạnh các chất hữu cơ, đặc biệt là các chất hữu cơ khó tiêu thành dạng khoáng hữu cơ giúp cây trồng dễ dàng hấp thu, kích thích sinh trưởng và tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng.

Rơm rạ sau thu hoạch sẽ được chế phẩm phân hủy ngay trên mặt ruộng thành các loại khoáng hữu cơ tan để cây trồng hấp thụ hàng ngày và ngăn chặn tình trạng thối đất, thối cây do rơm rạ phân hủy tự nhiên gây bệnh ở rễ và ngộ độc hữu cơ cho lúa non.

Từ đó, cùng với hệ vi sinh vật đất ưu việt, chế phẩm giúp đất hồi phục sau mỗi chu kỳ canh tác mà không cần sử dụng các loại phân hóa học. Việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ không chỉ giúp nông dân cải tạo đất ruộng mà còn thúc đẩy người dân hướng tới canh tác xanh, bền vững, giảm phát thải.

Năng suất lúa tăng 30 - 40%

Ông Cà Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ (TP Sơn La) cho biết, hơn 30ha lúa được sử dụng chế phẩm Emuniv đã giúp bà con nơi đây giảm đáng kể các loại sâu bệnh hại như đạo ôn, rầy nâu… Qua kiểm tra đối chiếu, năng suất của mô hình sử dụng chế phẩm Emuniv tăng từ 30 - 40% so với khi chưa sử dụng chế phẩm, hạt to và chắc mẩy hơn.

Cũng theo ông Hòa, so với các sản phẩm men vi sinh xử lý rơm rạ trên đồng ruộng mà địa phương từng sử dụng trước đây, chế phẩm men vi sinh Emuniv của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ giúp phân hủy rơm rạ nhanh chóng, chống ngộ độc hữu cơ cho cây lúa, cân bằng độ pH đất. Nhờ đó, vụ hè thu 2023, giá thành sản xuất lúa của bà con cũng giảm được đáng kể, thu nhập từ trồng lúa tăng cao.

Cách làm dễ và hiệu quả cao là chìa khóa giúp nông dân Chiềng Cọ dễ dàng làm quen với chế phẩm sinh học Emuniv. Người dân nơi đây chia sẻ, sau nhiều đời canh tác, đất ruộng bị thoái hóa nhiều, cây lúa vì thế yếu, dễ nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp, tốn nhiều công chăm sóc...

Ông Cà Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cánh đồng sử dụng chế phẩm Emuniv chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Quang Linh.

Ông Cà Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cánh đồng sử dụng chế phẩm Emuniv chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Quang Linh.

Chị Lèo Thị Mẳn (nông dân xã Chiềng Cọ) hồ hởi chia sẻ, so với các sản phẩm sử dụng trước đây, sau khi dùng chế phẩm Emuniv, ruộng lúa của gia đình hầu như không bị bệnh nên đã hạn chế rất nhiều lượng thuốc BVTV, lúa vì thế cũng dễ bán cho thương lái.

Chị Mẳn cho biết cách phối trộn sản phẩm cũng tương đối đơn giản, chỉ cần trộn đều chế phẩm Emuniv với đất bột rồi rắc đều lên rơm, rạ trên ruộng đã tháo kiệt nước, dùng máy phay vùi dập rơm rạ xuống, để phơi lộ ruộng 1 - 3 ngày rồi phay ruộng kỹ cho nhuyễn bùn, sạch cỏ, bằng phẳng. Sau đó, để ruộng lắng bùn 1 - 2 ngày rồi tiến hành gieo sạ.

Bên cạnh đó, chế phẩm Emuniv còn phân giải rất nhanh chóng các mùn bã hữu cơ, phân đậu tương, phân cá, phế thải nông nghiệp, phân chuồng, rác thải… để làm loại phân ủ vi sinh hữu cơ. Từ đó, giúp tiết kiệm tiền mua phân bón. Ngoài ra, loại phân ủ này còn rất tốt, nhiều dinh dưỡng và phục hồi môi trường sinh thái. Qua đó, ruộng lúa thu hút được thiên địch, cá, tôm, ếch nhái tự nhiên...

Hiện nay, chế phẩm Emuniv đang được Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ tư vấn, hướng dẫn nông dân các tỉnh thành trong cả nước sử dụng vào mục đích rải mặt vườn giúp phân giải nhanh chóng các phế phụ phẩm hữu cơ để cải tạo đất (mía, vải thiều, ngô); tự ủ sản xuất phân bón từ các nguồn nguyên liệu rẻ tiền tại địa phương như đậu tương, cá, ốc, giun quế, trứng - sữa loại thải..., rác hữu cơ bếp, rác hữu cơ chợ, phân chuồng...

Từ đó, giúp tiết kiệm tiền mua phân bón, giảm sâu bệnh hại và cân bằng lại hệ sinh thái tự nhiên trong môi trường sản xuất nông nghiệp. Các loại phân bón tự ủ chất lượng được nông dân kiểm soát tốt hơn, đa dạng dinh dưỡng và thân thiện với môi trường.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.