| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa giảm phát thải - mô hình đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam

WB: Cần 3.890 USD cho mỗi ha để đạt mức giảm phát thải bằng 0

Thứ Tư 19/04/2023 , 06:05 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đồng hành cùng các tổ chức quốc tế dồn nhiều nguồn lực cho ĐBSCL, kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong về sản xuất lúa gạo giảm phát thải.

Hình mẫu chuẩn mực

Bài liên quan

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực thực phẩm của Liên Hiệp Quốc năm 2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, khát vọng trở thành cường quốc lương thực toàn cầu.

Cùng năm, tại Hội nghị COP26 diễn ra ở Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết giảm 30% lượng khí thải mê tan vào năm 2030 và tiến đến đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để hiện thực hóa các cam kết trên, Chính phủ đã phát động Chương trình hỗ trợ thực hiện Báo cáo đóng góp quốc gia tự xác định NDC, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ảnh 1

Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL nhận được sự kỳ vọng lớn, góp phần chuyển đổi toàn diện ngành hàng lúa gạo của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Trong đó, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được Bộ NN-PTNT, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL kỳ vọng lớn, góp phần chuyển đổi toàn diện ngành hàng lúa gạo của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Nông dân sản xuất lúa sẽ từng bước tiếp cận với xu thế mới của nền kinh tế xanh, phát thải thấp.

Trải qua rất nhiều hội thảo tham vấn ý kiến từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, HTX, tổ chức quốc tế, chuyên gia, các địa phương vùng ĐBSCL, đề án đã nhận được sự quan tâm lớn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, lần đầu tiên tại Việt Nam khái niệm về nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp được tích hợp trong một đề án với nhiều cách tiếp cận mới. Đề án này không chỉ giúp ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL tạo ra giá trị về mặt kinh tế thông qua bán tín chỉ các bon, mà còn tác động tới nhiều vấn đề về xã hội, thu nhập và cấu trúc của cộng đồng nông thôn. Nhất là thay đổi tư duy làm nông nghiệp thích ứng với xu thế của nền kinh tế xanh, tiêu dùng trách nhiệm.

“Đây là một bước phát triển rất lớn, không đơn giản là cấu trúc lại vùng quy hoạch lúa gạo chất lượng cao, căn cứ vào những giống lúa theo nhu cầu của thị trường. Mà đề án sẽ định hình tư duy làm nông nghiệp mới, một cấu trúc từ nông nghiệp, nông dân. Một tam giác phát triển từ nhà nước, doanh nghiệp và xã hội thông qua Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Ảnh 2

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, lần đầu tiên tại Việt Nam khái niệm về nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp được tích hợp trong một đề án với nhiều cách tiếp cận mới. Ảnh: Văn Vũ.

Bài liên quan

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, vùng ĐBSCL có quyền kỳ vọng, tương lai khi nghĩ đến lúa gạo, người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ nghĩ đến thương hiệu vùng ĐBSCL - “Think rice, think Mekong Delta”. Đây là hình ảnh của sự chuyển đổi tư duy, cách sản xuất kinh doanh lúa gạo của vùng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới về sản xuất lúa gạo giảm phát thải. Thực hiện đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, đó là dấu ấn thay đổi.

Tất nhiên, mọi thay đổi đều có khó khăn nhưng nếu không thay đổi càng khó khăn hơn. Bộ trưởng đặt vấn đề, nếu không thay đổi, nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL vẫn trồng lúa, doanh nghiệp sẽ tiếp tục kinh doanh lúa gạo và ngành hàng lúa gạo vẫn đứng trong tốp đầu thế giới. Vậy vì sao phải thay đổi?

Nếu không chuyển đổi sản xuất lúa gạo sang hướng kinh tế xanh, phát thải thấp, hàng triệu nông dân đồng bằng, một là tiếp tục “sống” với cây lúa mặc cho thu nhập thấp hay cao hoặc lựa chọn bỏ ruộng vườn để mưu sinh ở các khu công nghiệp, khu đô thị. Đối với nền nông nghiệp vẫn tiếp tục là nền nông nghiệp “đánh đổi” với sức khỏe của người nông dân, cộng đồng và hình ảnh ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL là thiếu trách nhiệm với thiên nhiên, sức khỏe của con người, sự đa dạng sinh học.

Với những thành công từ Dự án VnSAT và nhiều dự án giảm phát thải các bon đã và đang được triển khai sâu rộng ở vùng ĐBSCL, nhiều nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL có thể thay đổi, nâng lên tầm mới.

“Trước tác động của BĐKH, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới, yêu cầu sản phẩm phải ngon, dinh dưỡng, truy xuất nguồn gốc, gắn nhãn sinh thái. Bức tranh lúa gạo mới của vùng ĐBSCL không phải chỉ nâng cao chất lượng giống lúa, trọng tâm là thay đổi hình ảnh người nông dân, lấy con người để theo đuổi mục tiêu, bởi vì đó là người làm ra hạt lúa đầu tiên”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Các tổ chức quốc tế đồng hành

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí chuyển đổi sang mô hình canh tác lúa gạo các bon thấp là khá cao. Qua khảo sát tại Việt Nam, WB cho rằng, Việt Nam cần phải đầu tư từ 515 USD đến 3.890 USD cho mỗi ha lúa để lần lượt đạt được mức giảm phát thải ở mức trung bình và bằng 0. Vì thế, thời gian chuyển đổi sang lúa gạo các bon thấp càng lâu, chi phí sẽ càng cao.

Thời gian chuyển đổi sang lúa gạo các bon thấp càng lâu, chi phí sẽ càng cao. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian chuyển đổi sang lúa gạo các bon thấp càng lâu, chi phí sẽ càng cao. Ảnh: Văn Vũ.

Thời gian qua, vùng ĐBSCL đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Mới đây nhất, trong hội thảo tham vấn ý kiến của các tổ chức quốc tế xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, ngoài những cam kết hỗ trợ về cơ sở hạ tầng nông nghiệp cho các địa phương vùng ĐBSCL, đáng quan tâm nhất là hỗ trợ về tài chính từ WB.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp của WB tại Việt Nam, cam kết con số xây dựng dự án viện trợ không hoàn lại dự kiến khoảng 20 triệu USD, giúp các ngân hàng Việt Nam triển khai chương trình tín dụng cho nông dân.

Đồng thời, từ nay đến năm 2024, WB dự kiến huy động khoảng 40 triệu USD không hoàn lại từ Quỹ chi trả tín chỉ các bon và thị trường tài chính khí hậu để khởi động dự án kế tiếp của VnSAT nhằm hỗ trợ các hoạt động liên quan đến tín chỉ các bon. Nhất là các khu vực đã và đang áp dụng các quy trình 1 phải 5 giảm, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRP..., đồng thời WB sẽ xem xét đưa chương trình này vào danh mục ưu tiên cùng thực hiện với Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao.

Tiếp theo giai đoạn 2025 - 2026, cơ quan này có thể huy động thêm 60 triệu USD từ các nguồn quỹ trên để phục vụ mục tiêu phát triển thị trường các bon tại Việt Nam. Bên cạnh đó, WB mong đợi sẽ tiếp tục tài trợ từ 300 - 400 triệu USD cho vùng ĐBSCL hướng đến đạt được mục tiêu phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh trong những năm tiếp theo.

Ông Bình cho biết, vấn đề đầu tư này không chỉ dừng lại ở mục tiêu bán tín chỉ các bon mà thay đổi toàn diện ngành lúa gạo vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, bền vững.

Ông James Deane, Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thông tin, hiện nay  Australia có nguồn ngân sách khoảng 232 triệu đôla Úc dành cho mối liên hệ hợp tác giữa quốc gia này và các nước tiểu vùng sông Mekong, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến thích ứng với BĐKH. Riêng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2022 - 2027, thông qua Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL, Chính phủ Australia sẽ dành nguồn hỗ trợ khoảng 15 triệu đôla Úc để phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành hàng lúa gạo tại An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Ảnh 4

Vùng ĐBSCL đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Kim Anh.

Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng từ 5 - 10 doanh nghiệp lớn trong chuỗi ngành hàng lúa gạo “phủ sóng” khoảng 200 - 500 nghìn ha. Đặc biệt kỳ vọng giảm 10% phát thải khí nhà kính và giảm khoảng 200 nghìn tấn khí CO2.

Đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) triển khai dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL”. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA trị giá 15 triệu USD là đòn bẩy để huy động đầu tư của khu vực tư nhân trong đẩy mạnh công nghệ sản xuất lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới tính đa mục tiêu, đa giá trị của Đề án 1 triệu ha lúa.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.