| Hotline: 0983.970.780

Giám sát, xử lý triệt để ổ dịch cúm gia cầm

Thứ Sáu 21/10/2022 , 16:51 (GMT+7)

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã gửi Công văn 1164/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo tăng cường phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Bé gái nhiễm cúm A (H5) sau khi ăn thịt gà ốm

Để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, ngày 20/10, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã gửi Công văn 1164/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT.

Trước đó, gia đình bé gái 4 tuổi, (ngụ khu 10, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Đến ngày 5/10, bé gái xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc cho trẻ uống nhưng không đỡ. Đến ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân và được chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 8/10.

Ngày 10/10, Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, làm các xét nghiệm và điều trị tại Khoa Điều trị tích cực nội, với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, cúm A/H5.

Đến ngày 17/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5, chưa phân lập được chủng cúm A mà bệnh nhi mắc. Như vậy đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A(H5).

Ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), địa phương cùng điều tra dịch tễ và đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân, cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tất cả đều âm tính với cúm A(H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Do đó, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các vụ dịch cúm gia cầm độc lực cao A (H5N8) đã được báo cáo ở Nga, Châu Âu, Trung Quốc, Trung Đông và Bắc Phi trong năm 2021, nhưng chỉ ở gia cầm và chim hoang dã. Các virus cúm gia cầm độc lực cao khác, chẳng hạn như H5N1, H5N6 và H7N9, đã được lây truyền từ động vật sang người.

Cúm gia cầm độc lực cao H5N1 đã gây tử vong cho 64 người Việt Nam kể từ khi virus này được phát hiện tại Việt Nam vào năm 2003, và từ năm 2014 tới nay Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào.

FAO và WHO Việt Nam khuyến nghị

Đối với người chăn nuôi gia cầm: tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ vi rút xâm nhập; Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho sức khỏe gia cầm; Báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho trưởng thôn hoặc cơ quan thú y địa phương và không cho phép khách vào khu vực chăn nuôi.

Đối với những người buôn bán gia cầm và những người bán gia cầm tại chợ: Chỉ thu gom gia cầm từ nguồn rõ ràng được và bán ở những khu vực được phép; Không bán gia cầm bên ngoài chợ; Luôn rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm; Sử dụng giày dép riêng do các trang trại chăn nuôi gia cầm cung cấp khi bạn cần vào khu vực chăn nuôi; Luôn rửa sạch giày dép của bạn khi bạn rời khỏi chợ có bán gia cầm.

Đối với bác sĩ thú y và những người tham gia vào công tác đáp ứng dịch: cần luôn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm hay nghi ngờ nhiễm bệnh để giảm thiểu nguy cơ bị lây bệnh.

Đối với cộng đồng: Thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và thường xuyên trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với động vật; Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng; Rửa sạch và làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến thực phẩm; Không ăn “tiết canh” một món ăn của Việt Nam được làm từ tiết của vịt; Tránh tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết; Nếu bạn đã tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi bạn có các triệu chứng đường hô hấp; Báo cáo ngay khi thấy gia cầm ốm chết bất thường cho cơ quan thú y địa phương.

Xem thêm
8 dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp bạn nên lưu ý.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Lợi ích của việc bổ sung cà rốt trong mùa đông

Cà rốt là loại rau củ quen thuộc trong bữa ăn gia đình, giàu dưỡng chất, tốt cho mắt, da, hệ tiêu hóa, đặc biệt hữu ích vào mùa đông.