| Hotline: 0983.970.780

Gian nan tìm trường cho con tự kỷ

Thứ Ba 03/04/2012 , 10:49 (GMT+7)

“Bao nhiêu lần mẹ tự hỏi tại sao con lại sinh ra ở đất nước này - nơi mà tìm một mái trường phù hợp cho con bị tự kỷ khó khăn đến thế?”

“Bao nhiêu lần mẹ tự hỏi tại sao con lại sinh ra ở đất nước này - nơi mà tìm một mái trường phù hợp cho con bị tự kỷ khó khăn đến thế?”

Sợ… con lớn

Chị A.Đ không giấu được sự mệt mỏi và đau lòng khi nói về chuyện học của con trai mình: Khó khăn lắm chị mới xin được con vào học ở một trường mầm non dành cho trẻ tự kỷ. Nhưng lúc nào chị cũng lo sợ một ngày nào đấy cô lại cho con nghỉ vì trường đó chỉ dạy các bạn bé, trong khi con chị đã cao lớn hơn cả cô giáo. Đúng vậy, chỉ hơn một năm sau, vợ chồng chị lại phải lao đi tìm trường khác. Không có trường nào ở Hà nội nhận dạy trẻ tự kỷ mà anh chị chưa đến. Nhưng trường nào có cơ sở vật chất khá tốt thì không nhận vì cháu quá lớn so với độ tuổi mà họ tiếp nhận. Có trường đồng ý nhận cháu thì cơ sở vật chất lại quá kém.

Giống như hầu hết cha mẹ khác, họ vẫn mơ ước có một ngôi trường tốt hơn về vật chất, về chương trình đào tạo. Thậm chí họ đã nghĩ tới việc chuyển nhà vào Tp. Hồ Chí Minh vì trong đấy có nhiều trường hơn, các bậc phụ huynh trong đấy cũng rộng lòng nhận các con có cùng cảnh ngộ hơn. Chị bắt đầu tìm nhà để thuê trọ, anh thì tìm việc trong Nam, chấp nhận mạo hiểm vì con.

Trẻ tự kỷ bị mất đi hoặc tổn thương khả năng thích nghi, giao tiếp ứng xử, nhận thức khiến chúng thu mình, lo lắng, sợ hãi khi tiếp xúc với môi trường xã hội. Phản ứng thể hiện ra ngoài bằng hành vi ngôn ngữ của những người tự kỷ thường lạc lõng và không phù hợp. Với cha mẹ có con bình thường, nhìn thấy con khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày là niềm vui. Nhưng với cha mẹ có con tự kỷ thì lại là một nỗi lo lớn: Cho con học ở đâu?

Thực tế, với một số trẻ tự kỷ, việc xin học vào trường mầm non đã khó, nhưng vẫn có nơi nhận (như một số trường, trung tâm chuyên biệt), nhưng khi trẻ đã hết tuổi mầm non ở tầm 4-6 tuổi, cơ hội học hòa nhập của một số trẻ tự kỷ đã giảm đi nhiều, chủ yếu là do hành vi trẻ không phù hợp, chứ không phải do cháu không theo kịp chương trình mẫu giáo. 

Nghệ sĩ hài Đức Hải là đại sứ thiện chí trong chương trình “Đi bộ vì trẻ tự kỷ” tổ chức tại Hà Nội tháng 4/2010

Đến lứa tuổi tiểu học, theo tính toán đơn giản của chị HTKT, phụ huynh CLB Gia đình Trẻ Tự kỷ Hà Nội thì cứ 100 trẻ tự kỷ, thì có khoảng 70 trẻ không được học tiểu học. Thậm chí, nhiều phụ huynh cho rằng, con số này quá cao so với thực tế. Ai có thể không xót xa khi nghĩ đến 70 đứa trẻ này?

Đến cấp PHCS, PHTH và các bậc học cao hơn, chương trình khó hơn nhiều, yêu cầu độc lập cao hơn nhiều. Hơn nữa, tâm sinh lý ở độ tuổi này cũng phức tạp hơn rất nhiều, tính cạnh tranh, chủ nghĩa cái “tôi” đậm nét hơn, làm cho khả năng đến trường của trẻ tự kỷ càng thấp.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Tạc, Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam thì hiện nay có nhiều trường học không nhận trẻ tự kỷ. Lý do mà nhiều trường đưa ra là không đủ giáo viên, không có cơ sở vật chất, nhưng chủ yếu là sợ ảnh hưởng đến việc học tập của những học sinh khác.

Trẻ tự kỷ phải được đi học

Tự kỷ tuy không có thuốc chữa, nhưng lại có nhiều tiến bộ khi được dạy dỗ, tiếp xúc, va chạm xã hội. Mặt khác, đa phần trẻ tự kỷ không chấp nhận một cuộc sống nhàm chán quanh quẩn góc nhà, dễ sinh ra cáu gắt, hành vi tệ hại... Như vậy, vì sự tiến bộ của trẻ, cũng như đem lại hạnh phúc cho trẻ, trẻ tự kỷ phải được đi học.

Hơn 10 năm làm trong lĩnh vực giáo dục trẻ tự kỷ, cô giáo Đỗ Thị Minh Phương (Trường chuyên biệt Tuệ Tâm, Thái Hà, HN) cho rằng: Ở trường, mặc dù các cô giáo khá vất vả với trẻ tự kỷ, nhưng không gặp nhiều khó khăn, vì trẻ được rèn vào nếp, khá ngoan và nghe lời các cô. Nhưng khi về nhà trẻ được cha mẹ, ông bà cưng chiều nên trẻ hư và khá ngoan cố. Bên cạnh đó, một số cha mẹ không dành nhiều thời gian cho con và chưa có các kỹ năng hoặc có, nhưng không kiên trì áp dụng nên hiệu quả không cao.

+ Khoảng 90% người tự kỷ không thể có cuộc sống tự lập; 70% số người tự kỷ bị thiểu năng về trí tuệ. 

+ Khi dạy trẻ tự kỷ, người giáo viên phải đặt trách nhiệm và tình thương lên cao nhất. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó sẽ không làm nên sự tiến bộ của trẻ.

Những năm gần đây, số ca chẩn đoán tự kỷ ngày càng tăng. Rõ ràng, nhu cầu giáo viên, trường lớp giáo dục cho trẻ tự kỷ đang ngày càng trở nên bức thiết, nhưng trên thực tế ngành giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu này. Có một số nguyên nhân đã được các nhà giáo dục bàn tới như: Vấn đề giáo dục đặc biệt còn chưa được quan tâm một cách đúng mức; nguồn giảng viên trong đào tạo giáo viên tại các trường Đại học và Cao đẳng còn thiếu và yếu. Nhiều sinh viên được đào tạo nhưng không kiếm được việc làm đúng ngành nghề sau khi tốt nghiệp; chương trình đào tạo còn nặng nề, nhiều lí thuyết, ít thực hành; chính sách của Nhà nước về giáo viên giáo dục đặc biệt chưa rõ ràng; lương thấp… Và, cha mẹ trẻ tự kỷ lại phải chật vật tìm kiếm thông tin, tìm chỗ gửi con.

Mơ hồ, nhưng hầu như cha mẹ nào cũng thấy tương lai của các bé này rất mờ mịt. Hơn ai hết, họ mong muốn một mô hình trường cho trẻ khyết tật này – nơi trẻ tự kỷ là đối tượng ưu tiên và được chăm sóc, giúp đỡ, che chở. Nơi có thể đón nhận tất cả các cháu tự kỷ ở mọi mức độ, một môi trường vừa sức và ít căng thẳng tâm lý. Cha mẹ trẻ khuyết tật cũng được nhẹ nhõm, yên tâm khi gửi con vào mô hình này.

Trên thế giới, tự kỷ đang được quan tâm, hỗ trợ, hi vọng tại Việt Nam mơ ước về ngôi trường cho trẻ tự kỷ cũng sẽ nhận được nhiều ưu ái và hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong ngoài nước.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất