Tổng thống Erdogan cho rằng các biện pháp ngoại giao và đối thoại nên thực hiện để tìm ra một "giải pháp công bằng và lâu dài" cho cuộc xung đột, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ ba.
"Để đạt được mục tiêu này, việc sử dụng các kênh ngoại giao ở cấp cao nhất từ mọi phía có thể là điều rất quan trọng", ông Erdogan tuyên bố hôm 28/2 trong video gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu ở Albania, nơi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang nỗ lực kêu gọi ủng hộ cho Kiev.
Ông Zelensky đã tiếp cận các quốc gia Balkan tại Hội nghị thượng đỉnh với lời đề nghị sản xuất vũ khí chung. Ukraine quan tâm đến việc hợp tác sản xuất vì nước này hiện đang gặp "vấn đề với việc cung cấp đạn dược", điều đang khiến "tình hình trên chiến trường xấu đi".
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng rằng các bên chưa nỗ lực hết sức để đưa Nga và Ukraine xích lại gần nhau và hòa đàm. Ông Erdogan cũng tái khẳng định "sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với độc lập, chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", đồng thời nói thêm rằng ông ủng hộ "kế hoạch hòa bình 10 điểm" của ông Zelensky.
Moscow đã nhiều lần khẳng định luôn sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột thông qua đàm phán, đồng thời đổ lỗi cho Kiev không muốn hòa đàm. Trước đó, Nga cũng phản đối "kế hoạch hòa bình 10 điểm" của ông Zelensky, cho rằng kế hoạch này là "vô lý" vì nó yêu cầu Moscow trả lại tất cả các vùng lãnh thổ đã sáp nhập, cũng như rút toàn bộ quân đội mà không đi kèm điều kiện nào.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian quan trọng trong các cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine, đồng thời đã tổ chức một trong những vòng đàm phán giữa Moscow và Kiev để chấm dứt xung đột hồi đầu năm 2022. Theo Moscow, các bên đã "gần như" đạt được một thỏa thuận, nhưng các cuộc đàm phán đã đổ vỡ sau khi ông Boris Johnson, Thủ tướng Anh khi đó, khuyên Kiev tiếp tục chiến đấu.
Hồi đầu tháng 2/2024, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nếu Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán, Kiev sẽ phải chấp nhận "thực tế mới", trong đó phải chấp nhận việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ cũ của Ukraine, gồm Zaporozhye, Kherson, Donetsk và Lugansk, vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2022.