6 nhóm sản phẩm, hàng hóa bị kiểm tra chéo được Bộ NN-PTNT giao 1 đầu mối quản lí |
Đó là sự chồng chéo nhiều hình thức kiểm tra với 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc quản lí của các đơn vị của Bộ.
Theo đó, sau khi rà soát 6 nhóm hàng hóa đang chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều đơn vị trong Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ NN-PTNT nhất trí chủ trương giao cho một đầu mối kiểm tra đối với các nhóm hàng đang chồng chéo trong quản lý.
Cụ thể, đối với “kén tằm”, “côn trùng”, thống nhất giao một đầu mối kiểm tra là Cục Bảo vệ thực vật. Đối với “Giống thủy sản”, thống nhất giao đầu mối kiểm tra là Cục Thú y (chỉ thực hiện kiểm dịch trước thông quan).
Đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật, thống nhất giao một đầu mối kiểm dịch và kiểm tra chất lượng (đối với những lô hàng kiểm tra trước thông quan) cho Cục Thú y. Đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật, thống nhất giao một đầu mối kiểm dịch và kiểm tra chất lượng (đối với những lô hàng kiểm tra trước thông quan) cho Cục Bảo vệ thực vật.
Hiện Ban cán sự đã giao Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quy định của pháp luật và Nghị quyết của Ban cán sự.
Trước mắt, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định các thủ tục hành chính có liên quan, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Việc Bộ NN-PTNT thực hiện phân định một đầu mối quản lý một số sản phẩm hàng hóa trước đây chịu sự quản lý của nhiều đơn vị cho thấy, quyết tâm cao của lãnh đạo Bộ trong việc thực hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN và người dân theo yêu cầu của Chính phủ.
Theo đó, sau khi hoàn thiện và có hướng dẫn, DN và người dân chỉ phải làm thủ tục duy nhất một lần và một bộ hồ sơ thay vì phải chạy đi chạy lại giữa 2 đơn vị như trước kia.
Bên cạnh các nhóm hàng chịu sự kiểm tra của 2 đơn vị thuộc Bộ hiện nay, còn tình trạng cùng một loại hàng hóa nhưng có 2 hoạt động kiểm tra chuyên ngành do 1 đơn vị thuộc Bộ thực hiện. Do vậy, lãnh đạo Bộ NN-PTNT tiếp tục yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, rà soát các chồng chéo (trên cơ sở rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa) để thực hiện tiếp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành, hiện nay, lĩnh vực kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, Bộ còn 1/40 nhóm sản phẩm, hàng hóa phải ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Về ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu kèm theo mã số HS: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện Bộ NN-PTNT còn 3 danh mục hàng hóa đã ban hành nhưng chưa có mã HS và 4 danh mục hàng hóa phải ban hành (kèm theo mã HS). Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu yêu cầu các đơn vị phải hoàn thành hạn cuối là ngày 15/8/2018.
Về tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ NN-PTNT còn 1 Nghị định quy định chi tiết thi hành luật chưa được ban hành (Nghị định về quản lý an toàn đập, Bộ đã có tờ trình số 4797/TTr-BNN-TCTL ngày 22/6/2018, tuy nhiên, chưa có ý kiến của Bộ Tư pháp).
Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, trong đó, xác định cụ thể các mục tiêu và chỉ tiêu cải thiện môi trường kinh doanh nông nghiệp. Xác định nội dung, nhiệm vụ cụ thể và thời hạn hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay, một số nhiệm vụ khó đạt được mục tiêu, tiến độ theo kế hoạch.
Về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành, hiện việc xác định danh mục hàng hóa còn chưa thống nhất phạm vi, như danh mục ngành hàng/nhóm hàng/mặt hàng. Theo kết quả thống kê của Tổng cục hải quan đối với các mặt hàng XNK thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của Bộ NN-PTNT, tính đến quý I/2018, Bộ cắt giảm được 1.069 mặt hàng trên tổng số 12.402 mặt hàng so với năm 2015 (trong đó giảm 1195; tăng 126 mặt hàng).
Nếu theo Nghị định mới Bộ NN-PTNT mới hoàn thành 30% chỉ tiêu được giao, nhưng nếu cộng cả việc cắt giảm các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh tại các Luật Thủy lợi, Lâm nghiệp, Thủy sản và một số luật, Nghị định sắp ban hành tới đây như Luật Chăn nuôi, Trồng trọt thì Bộ NN-PTNT đã cắt giảm xấp xỉ 70% các thủ tục điều kiện, vượt 20% so với mức 50% mà Chính phủ giao. |