Phụ huynh lo lắng
Trước tình hình học sinh vẫn tiếp tục phải nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi mà chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ đến ngày thi tuyển sinh vào lớp 10, không ít các bậc phụ huynh học sinh tại Hà Nội tỏ ra lo lắng cho việc học và ôn tập của con em mình.
Chia sẻ với Báo NNVN, chị Thu Hiền, phụ huynh một học sinh lớp 9 trường THCS Marie Curie Hà Nội, cho hay: “Ở trên lớp, học lực của con tôi khá ổn nhưng cả tôi và con vẫn rất lo lắng vì việc tiếp thu kiến thức thông qua hình thức học online sẽ không được kĩ càng. Như năm ngoái, vào khoảng thời gian này đã công bố môn thi thứ 4 nhưng năm nay vẫn chưa thấy gì nên tôi càng sốt ruột hơn".
Chị Hiền cũng cho biết, theo kế hoạch đào tạo ở trường THCS Marie Curie thì chương trình học tập của con chị đã kết thúc vào tháng 2 vừa rồi. Tháng 3 nhà trường sẽ tổ chức thi học kỳ 2. Tháng 4, tháng 5 sẽ tập trung ôn tập để tháng 6 bắt đầu kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Thế nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học kéo dài, cho đến thời điểm hiện tại chương trình học tập vẫn chưa kết thúc.
“Quả thật tôi cũng không hiểu là Bộ GD-ĐT cũng như Sở GD-ĐT Hà Nội định giải quyết như nào nữa. Nếu các con vẫn phải thi môn thứ 4 sẽ là một áp lực rất lớn cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh", chị Hiền lo lắng.
Kiến nghị giảm môn thi
Khi Hà Nội lần đầu có quyết định thi thêm môn thứ 4 trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10, ngày 11/10/2018 cô Phạm Thái Lê, giáo viên môn Ngữ Văn trường THCS Marie Curie Hà Nội đã có kiến nghị phản đối.
Theo cô Lê, việc nâng từ 2 môn thi lên 4 môn của Sở GD-ĐT Hà Nội là không nên vì đây là kì thi tuyển sinh, không phải thi tốt nghiệp; việc tăng số môn thi sẽ gây thêm áp lực cho học sinh, hơn nữa lại đến tháng 3 môn thứ 4 mới công bố, tâm lí phụ huynh cũng như học sinh càng thêm nặng nề.
Ngoài ra theo giáo viên trường Marie Curie, việc học toàn diện cũng cần xem xét lại. Học tất cả các môn với cơ cấu như hiện nay thì không phải là toàn diện. Các môn kĩ năng chưa có, các môn nghệ thuật, giáo dục thể chất bị xem nhẹ, các môn khoa học thì quá hàn lâm. Mặt khác, không thể đòi hỏi người học hứng thú và học tốt tất cả các môn nên cần có môn tự chọn. Muốn toàn diện thì phải thay đổi từ cơ cấu môn học giờ học chứ không phải chỉ thay đổi thi cử.
Cô Phạm Thái Lê cho rằng: “Việc tuyển sinh nên để cho nhà trường có phương án riêng. Năm học 2018 - 2019 có trường chỉ xét học bạ theo tiêu chí của họ, trên cơ sở số học sinh đăng kí. Theo tôi thế là ổn. Sở chỉ cần căn cứ vào cơ sở vật chất để giao chỉ tiêu. Chất lượng hãy để nhà trường lo. Trường nào chất lượng tốt sẽ thu hút học sinh hơn".
Năm nay, trước tình hình học sinh Hà Nội phải nghỉ tránh dịch hơn 1 tháng, tâm lí căng thẳng vì thi cử lại càng gia tăng. Đến thời điểm hiện tại, môn thi thứ 4 chưa được công bố, thời gian thi cũng chưa ấn định nên cả học sinh và phụ huynh đều cảm thấy lo lắng.
Cô Lê bày tỏ: “Việc bỏ bớt môn thi thứ 4, ít nhất là cho kì thi năm nay, là rất cần thiết để giảm áp lực lên học sinh. Mặt khác, giảm bớt 1 môn thi sẽ không hề ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh vì khi tuyển sẽ lấy điểm từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu".
“Tôi mong Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có các phương án phù hợp tình hình thực tế của năm học này. Thậm chí bỏ hẳn phương án thi này, quay trở về thi 2 môn Văn, Toán và xét học bạ 4 năm như trước đây theo tôi là ổn hơn cả", nữ giáo viên trường Marie Curie kiến nghị.
Năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục phương án tuyển sinh vào lớp 10 với 4 môn thi. Trong đó, môn thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3 và thi theo hình thức trắc nghiệm.