| Hotline: 0983.970.780

Giáp mặt trùm gà lậu chân Dốc Quýt

Thứ Ba 16/10/2012 , 09:36 (GMT+7)

Rút kinh nghiệm trong mẻ lưới đầu tiên ở Chi Ma, chúng tôi chuyển hướng sang cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bằng một chiến thuật hoàn toàn khác, dùng tiểu kế để giáp mặt nữ tướng có hàng trăm quân gánh gà giống lậu qua biên giới mỗi đêm, nắm các điểm yếu, sau đó quay lại phục kích.

Rút kinh nghiệm trong mẻ lưới đầu tiên ở Chi Ma, chúng tôi chuyển hướng sang cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bằng một chiến thuật hoàn toàn khác, dùng tiểu kế để giáp mặt nữ tướng có hàng trăm quân gánh gà giống lậu qua biên giới mỗi đêm, nắm các điểm yếu, sau đó quay lại phục kích.

>> Mẻ lưới đầu tiên

Vài trăm quân gánh gà lậu

Ngay tại chợ Giếng Vuông, cả những người buôn gà Tàu nhập lậu và những người bán nước, đồ ăn sáng, nhắc đến gà giống Tàu, không ai không xướng tên "Duyên Dốc Quýt", hay còn gọi "tướng" Duyên bởi tài "cầm quân và mưu lược" trong việc nhập gà lậu của người đàn bà tên Duyên này.

Một người bán nước ở đây cho hay, ngay tại thời điểm này, mỗi đêm, "tướng" Duyên bao biên cho hàng vạn con gà giống, còn bình thường, khi Thủ tướng chưa cấm ngặt nghèo, số lượng có thể lên tới hàng chục vạn con/đêm. Những người bán lẻ một hai ngàn con gà giống ở chợ Giếng Vuông, "tướng" Duyên không thèm “chơi”, mà đánh thẳng ô tô về các tỉnh miền xuôi bán. Bình Chi Ma bảo, bao luật và bao biên cho gà giống ở đất Lạng Sơn này, Duyên Dốc Quýt là số 1.

Khét tiếng như thế, nhưng không ai biết chính xác đại bản doanh của "tướng" Duyên ở chỗ nào. Gặng hỏi, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: Dưới chân Dốc Quýt, ngay trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Hữu Nghị. Chúng tôi đã rất phấn khích sau khi bắt được thông tin này, và nhủ lòng, cách tốt nhất để quăng mẻ lưới thứ hai thành công là phải gặp được "tướng" Duyên một cách đàng hoàng, sau đó mới quay lại phục kích đánh vu hồi.

Tuy nhiên, đến lúc này, cuộc hành trình bóc trần các đường dây nhập lậu gà giống từ Trung Quốc của chúng tôi đã bước sang ngày thứ 3, với 2 đêm thức trắng, cái nắng tháng tám rám trái bòng càng làm chúng tôi mệt mỏi chưa thể nghĩ được phương cách tiếp cận tối ưu. May thay, trong lúc dừng chân dưới cái lán bán thịt lợn bên đường, người bán thịt nghe PV Đắc Thành nói giọng trọ trẹ, liền hỏi: Chú ở Nghệ An à? Ở Dốc Quýt cũng có ông người Nghệ An về đây làm rể một bà chủ lớn nói giọng khó nghe lắm.

Từ đây, chúng tôi biết được, người nói giọng Nghệ ở Dốc Quýt kia quê ở Đô Lương, nguyên là lính chống Tàu 1979 và là phu quân của "tướng" Duyên. Nhận thấy đây chính là cơ hội để có thể tiếp cận được bà ta, bởi Đắc Thành nói giọng miền Trung, còn tôi, vốn có cái nghề buôn trâu bò từ Lào về rất thông thuộc vùng đất Đô Lương, sau khi gọi điện cho một số anh em ở Đô Lương để được trang bị thêm ít kiến thức về vùng đất này, lên phương án xong, nhằm lúc gần chính ngọ, chúng tôi chạy thẳng vào Dốc Quýt hỏi thăm nhà chồng của vị "nữ tướng".

Với cái biển xe máy 38, giọng trọ trẹ và ăn mặc lếch thếch, người dân ở khu vực Bản Liếp – nơi có Dốc Quýt, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc hầu hết là quân vận chuyển thuê gà lậu cho "tướng" Duyên từ biên giới về không hề nghi ngờ mà chỉ thẳng đến đại bản doanh của vị này.

Từ QL1 lên, chúng tôi đi theo một đường mòn xoáy trôn ốc nhấp nhô, chỉ vừa đúng 1 chiếc xe máy, hai bên đường là gần một chục nhà dân với đầy những chiếc lồng, đòn gánh và xe Minsk, để lên đỉnh một quả đồi. Trên đỉnh quả đồi này là một khu đất rất rộng và bằng phẳng, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi chỉ có một ngôi nhà nhỏ khiêm tốn nằm sau lớp lớp hàng rào và chó dữ. Từ đây, có thể quan sát được một khu vực rộng lớn xung quanh. Khi tất cả các hộ dân ôm xung quanh quả đồi này đều là lính của vị "nữ tướng" thì ngôi nhà của bà Duyên quả là một pháo đài bất khả xâm phạm.


Đường mòn vận chuyển gà lên pháo đài của "tướng" Duyên

"Tướng" Duyên đón chúng tôi như người từ trong quê chồng ra thăm. Trong khi phu quân của bà chưa về, chúng tôi lấy câu chuyện buôn bán trâu bò từ Lào về nhập sang Trung Quốc để làm “quà”. Rồi nhanh chóng quay sang chuyện buôn gà giống về Nghệ An. Và, vị "nữ tướng" khét tiếng bắt đầu nói: Cô làm cái này đã mười mấy năm nay rồi. Mấy tháng nay Chính phủ cấm biên nên mỗi ngày chỉ đi được vài ba vạn, chứ không cấm thì chục vạn cũng không hề hấn gì. Ngày nào cũng có gà giống qua biên. Cô vẫy tay một cái vài trăm quân là người dân ở xung quanh đây lên đường đi gánh gà, chở gà từ bên kia biên giới về, có khi gánh 4 chuyến/đêm.

"Ở thời điểm này dân đang “ăn” gà giống mạnh thì cô “đánh” mạnh gà giống, tới giáp Tết lại “đánh” mạnh gà thịt. Người dân ở đây làm ăn với cô bao nhiêu năm nay rồi, khi báo có hàng về là alô, họ mang đòn gánh lên đường biên. Cô chỉ là người cầm quân đưa gà về đến điểm tập kết và bảo vệ gà không bị bắt", bà Duyên nói tiếp.

Vượt 4 vòng kiểm soát

Có lẽ, chưa bao giờ trong đời người đàn bà chỉ huy số người tương đương 1 tiểu đoàn quân gánh hàng lậu qua biên giới được phép trải lòng mình cho người khác nghe khi tinh thần cảnh giác của bà luôn ở mức cao độ, cho đến khi gặp mấy thằng cháu đồng hương của phu quân. Vì thế, bà ta đã kể cho chúng tôi nghe tường tận đường đi nước bước, từ khi con gà còn ở bên kia biên giới về đến Việt Nam như thế nào.

Bà bảo, gà là hàng lậu. Buôn phải có đường có lối mới làm được. Không nó bắt chết ngay. Sau khi ông chủ buôn người Việt điện cho ông trùm gà ở Trung Quốc báo số lượng, chủng loại, ông trùm Trung Quốc Ok, gà bắt đầu được chuyển từ TP.Nam Ninh về biên giới phía Trung Quốc, chứ không phải lúc nào bên kia biên giới cũng có gà.


Khu vực này dùng để tập kết gà từ biên giới về trên pháo đài của "tướng" Duyên

Gà giống từ Nam Ninh về đến đường biên phía Trung Quốc từ 17-18 giờ hàng ngày. 19 giờ, khi bóng tối bao trùm thì quân bên Trung Quốc gánh gà ra đường biên và quân của bà Duyên đón và gánh gà từ đường biên về. Tất nhiên, trước khi tiến hành, bà phải điện “xin lệnh” của biên phòng – đội quân trấn giữ đường biên vào ban đêm. Có được lệnh mở biên, bà mới lệnh xuất quân. Không có lệnh của người trấn đường biên, gà sang bao nhiêu bị bắt hết ngần ấy.

Mỗi người gánh một gánh có 150 con gà 16 ngày tuổi sẽ được "tướng" Duyên trả 100.000 đồng. Mỗi một xe máy chở được 3 lồng gà sẽ được trả 70.000 đồng. Đợt hàng nhiều, một đêm đội quân này sẽ vận chuyển được 3-4 chuyến.

Con đường mòn gánh gà lậu bao nhiêu năm nay được bắt đầu từ Lũng Bài, men theo đường tàu hỏa từ Trung Quốc sang, vượt qua các quả đồi để tránh các trạm kiểm soát ở khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, sau đó gà được chuyển xuống QL1 ngay trước trạm kiểm soát có barie chắn của bộ đội biên phòng.

Từ đây, gà được đưa lên xe máy chạy một đoạn trên QL1, rồi lại vòng vào các đường mòn và tập kết tại pháo đài của "tướng" Duyên. Bà Duyên cho hay, tổng thời gian vừa gánh gà vừa chuyển bằng xe máy về đến pháo đài của bà trung bình mất hơn 1 tiếng. Nếu hôm nào các trạm kiểm soát làm mạnh, xe máy chở gà không thể chạy được trên QL1, phải đi theo các đường mòn trên các quả đồi thì thời gian có thể lên đến 2 tiếng đồng hồ. Cũng có lúc thuận lợi hơn xe máy chở gà có thể vào sâu bên trong, qua cả trạm kiểm soát có barie của biên phòng nhận gà gánh chở ra.

“Để qua biên được trót lọt, biên phòng được bọn cô bao hoàn toàn, một số đội chức năng khác phải bao nhưng ít hơn, lách trốn được tí nào giảm chi phí tí đó. Con gà ra được đến đồi nhà cô thường phải vượt qua được 4 vòng kiểm soát, có khi 5 vòng chứ không phải đùa. Việc này ở đây, chỉ có cô làm được. Còn trên đường vận chuyển từ đây về đến hết địa phận Lạng Sơn, khi nào họ báo an toàn bọn cô mới cho xe chở đi, còn nếu có đội nào đó của tỉnh, liên ngành, hay trung ương về làm họ sẽ báo tạm thời chưa đi được. Làm như thế chứ, không các cháu bảo, một xe gà mấy trăm triệu đồng, bị bắt cái là mất toi” – bà Duyên tâm sự.


Lồng gà chất đầy nhà "tướng" Duyên chờ gà vượt biên về đóng hàng đưa về xuôi

Đang nói chuyện với chúng tôi, "tướng" Duyên nhận một cuộc điện thoại thông báo đêm nay, tức đêm mùng 3/10, sẽ có 1,2 vạn con gà giống 15 ngày tuổi về, đường biên bắt đầu thông từ lúc 19 giờ. "Tướng" Duyên nói: Đấy, họ vừa thông báo, lô hàng đầu tiên đêm nay là 1,2 vạn con gà giống 16 ngày tuổi về vào lúc 7 giờ tối. Họ cũng nói trên QL1 có đội chống lậu của Trung ương đang làm, vì vậy, đêm nay cô sẽ phải cho vận chuyển bằng xe cóc (là loại xe phổ biến ở Lạng Sơn có 8 chỗ ngồi, nhưng chủ yếu được dùng để chở hàng lậu) để tránh bị kiểm tra.

"1,2 vạn con thì chở khoảng 4 xe là hết. Các xe cóc sẽ chạy qua 3 trạm kiểm soát trên QL1 đoạn Lạng Sơn, đến Bến Lường – nơi giáp ranh với Bắc Giang để chuyển sang xe của các ông chủ ở dưới xuôi, chứ xe của Lạng Sơn chạy về Bắc Giang, Bắc Ninh là bị bắt liền, cước cao mấy chúng nó cũng không dám đi", bà Duyên dốc gan ruột.


Xe cóc, loại xe "tướng" Duyên sẽ điều để chở gà giống lậu

“Chỗ thân tình cô nói thật, các cháu quyết buôn gà lậu, sẽ nhanh giàu lắm, cô sẽ dẫn sang Trung Quốc gặp trực tiếp ông trùm gà để các cháu làm việc với ông ấy. Sau đó cô sẽ chịu trách nhiệm đưa hàng qua biên giới, bảo vệ hàng cho các cháu lành lặn. Phương án tốt nhất là cô sẽ chuyển gà về qua trạm liên ngành Hữu Lũng, đến địa phận Bắc Giang để các cháu lên đấy nhận. Chứ các cháu chạy xe trên đất Lạng Sơn nó bắt ngay lập tức” – "tướng" Duyên mách nước.

Sau lời khẳng định của "tướng" Duyên, chúng tôi quyết định rút lui, dù được mời lại ăn cơm trước khi phu quân bà về... (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai dự án chống ngập TP.HCM về đích

Ngày 27/4, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, UBND thành phố Thủ Đức tổ chức khánh thành 2 dự án chống ngập sau nhiều năm chật vật thi công.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm