Sách “Đại Nam dật sử & Sử ta so với sử Tàu” tái bản (2019). |
Cuốn sách của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889 – 1947) do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và Cty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam liên kết phát hành (2019).
Chữa lợn lành thành lợn què
“Đại Nam dật sử & Sử ta so với sử Tàu” ra đời lần đầu tiên năm 1997, kỷ niệm 50 năm ngày mất cụ Nguyễn Văn Tố, vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên (nay là Chủ tịch Quốc hội). Sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân (Viện Sử học) tổ chức bản thảo và biên tập, GS Hà Văn Tấn - Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam viết Lời giới thiệu.
Sau 22 năm, cuốn sách được tái bản. Việc tái bản cuốn sách là điều nên làm, bởi vì nội dung cuốn sách “khơi dậy lòng yêu nước” đối với bất kỳ người Việt Nam nào đọc đến sách này.
Khi tái bản, những người làm sách cũng đã gia công “đọc soát, sửa chữa lại những sai sót trong việc in ấn, biên tập”. Điều này, chính nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân cũng đã đôi lần nói lại với chúng tôi nếu có điều kiện tái bản. Khi Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và Cty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam tái bản sách, cũng đã mời Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học Việt Nam) tham gia “hỗ trợ công tác biên tập và chú giải cho lần tái bản này”.
Đáng tiếc là, việc chú giải biên tập đã chữa lợn lành thành lợn què, khiến cho bạn đọc phải giật nẩy mình khi đọc “Đại Nam dật sử & Sử ta so với sử Tàu” tái bản (2019).
Trang 144, có nhiều lỗi sai, chúng tôi chỉ tập trung vào đoạn viết chú giải lời bình của sử gia Ngô Thì Sỹ đánh giá về Dương Đình Nghệ và Kiều Công Tiễn: “Dương Đình (sic) Nghệ thực là một người trượng phu! Thế mà vì phòng bị vô mưu, bị phải nghĩa nhi là Kiều Công Tiễn thí nghịch. Làm người có tâm huyết ai chẳng thương Dương Diên Nghệ mà căm giận đứa Kiều nhi. Công Tiễn vừa là nha tướng vừa là nghĩa nhi, chỉ vì lòng cầu phú quý quá ư vội vàng, nên mới làm những việc bội nghịch như thế”.
Chữa lợn lành thành lợn què (trang 144) |
Chú giải đánh số 2, của người biên tập như sau “Kiều nhi: con (nuôi) của Kiều (Công Tiễn)”. Ở đây, Kiều nhi là chỉ Kiều Công Tiễn, con nuôi của Dương Đình Nghệ (có sách khác chép là Dương Diên Nghệ). Biên tập chú giải thành “con (nuôi) của Kiều (Công Tiễn)” thì đó là chữa lợn lành thành lợn què đấy thôi.
Trước đó, trong bài “Thủ đoạn tàn nhẫn của Lã Đại”, chúng tôi đọc thấy một đoạn như sau: “Nguyên năm Bính Ngọ (226 sau Thiên Chúa) là năm Hoàng Vũ thứ năm của Ngô Quyền, tức năm Kiến Hưng thứ tư của nhà Hán, năm Hoàng Sơ thứ bảy của nhà Ngụy, Ngô Quyền nghe Sĩ Nhiếp mất, cho là Giao Chỉ (Đại Việt sử ký toàn thứ, quyển 4, tờ 1a chép là Giao Châu) xa cách, mới chia từ Hợp Phố về phía bắc làm châu Quảng, cho Lã Đại làm thứ sử…” (trang 51).
Chú thích đánh số 1 của trang 51 viết: “… Lã Đại là người thanh trực công liêm, đến đâu cũng có đức chính có thể kể được. Khi ở Giao Chỉ lâu năm, không gửi lương về nhà, vợ con đói thiếu: Ngô Quyền nghe tiếng ban cho tiền và lụa. Lã Đại mất năm 96 tuổi”.
Tiếp đó, trang 53 lại có đoạn: “Lã Đại dẹp xong bọn Sĩ Huy ở Giao Châu thì tiến đánh Cửu Chân, giết kể hàng vạn. Rồi sai chức tùng sự đến phía nam tuyên rõ đức hóa của vua Ngô, cho nên vua các nước Phù Nam, Lâm Ấp, Đường Minh đều sai sứ sang cống: Ngô Quyền khen là có công, tiến phong Lã Đại chức Trấn nam tướng quân”.
Tôn Quyền thành… Ngô Quyền |
Chúng tôi rất ngạc nhiên vì Ngô Quyền là danh nhân Việt Nam, vị tổ trung hưng thứ nhất của nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá, sống ở thế kỷ thứ 10. Còn đây là nhân vật lịch sử bên Trung Quốc, sống ở thế kỷ thứ 3, thời Tam Quốc. Đó chẳng phải là Tôn Quyền, người đứng đầu nước Ngô ư? Làm sao Tôn Quyền lại thành Ngô Quyền được?
Biên tập viên một nhà xuất bản khi đọc tới trang này đã có ý kiến như sau: “Chả mấy người Việt (trừ giới trẻ bây giờ) không biết tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung có nhân vật Tôn Quyền nổi tiếng luôn đi cùng với mưu sĩ Chu Du”.
Còn nhiều lỗi lắt nhắt
Trang 218 viết về Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) lên ngôi, có câu: “Lại cho Trần Cảo làm tướng công, Ngô Đình làm xu mật sứ”. Quả thực, chúng tôi không rõ “xu mật sứ” là chức quan gì. Tìm trong “Từ điển chức quan Việt Nam” của Đỗ Văn Ninh chỉ thấy viết “khu mật sứ” như sau:
“Thời Đường Đại Tông bắt đầu dùng quan hoạn nắm việc cơ mật, về sau người nắm chức này lấy danh nghĩa khu mật sứ mà can dự triều chính, thậm chí cả việc phế lập vua.
Đời Lý ở nước ta đặt khu mật sứ, có tả và hữu. Năm Mậu Thìn (1028) tháng 11, Lý Thái Tông cho Lý Đạo Kỷ làm tả khu mật, Xung Tân làm hữu khu mật”.
Như vậy, Khu mật sứ là chức quan đứng trong khu mật viện. Còn không hề có chức danh nào là “xu mật sứ”.
Còn nhiều những lỗi sai khác trong sách “Đại Nam dật sử & Sử ta so với sử Tàu” tái bản (2019) của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam liên kết phát hành.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể liệt kê lắt nhắt như chim sẻ nhặt thóc cho cô Tấm trong truyện cổ tích xưa: Bùi Huy Bích viết sai thành Bùi Huy Bính (trang 125), Lý Văn Phượng thành Lý Văn Thượng (trang 128), nha tướng viết sai thành nhà tướng (trang 144), chùa Tiêu Sơn viết sai thành chùa Tiên Sơn (trang 217)…
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, một cơ quan khoa học, lẽ nào lại dễ dãi và ngây ngô trước những sự kiện lịch sử phổ thông đến như vậy?
Chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Lê Hữu Thành – Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Bước đầu, ông Thành tiếp nhận thông tin và cho biết, biên tập viên đơn vị này cũng đã xác nhận những lỗi chỉ ra trên đây là chính xác. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội sẽ cùng với đối tác liên kết làm việc để có hình thức xử lý thích hợp.