| Hotline: 0983.970.780

Nông dân hứng khởi chuyển lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh toàn đực

Thứ Ba 01/11/2022 , 09:25 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa năng suất thấp chuyển đổi ở Quảng Bình cho thu nhập 100 - 120 triệu đồng/ha, gấp 3 - 4 lần trồng lúa, ít rủi ro.

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho hay, từ năm 2020, Trung tâm đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) với quy mô 6 hộ, diện tích nuôi thử nghiệm 3ha.

“Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình, kết quả cho thấy tôm càng xanh sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, thích ứng với điều kiện sinh thái của địa phương. Thời gian nuôi tương đối ngắn, phù hợp thời vụ nuôi tại Quảng Bình nên hạn chế được rủi ro do mưa lũ cuốn trôi. Hiệu quả kinh tế mang lại tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa”, ông Hải nói.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh ở Đồng Trạch tạo cho người dân hướng đi mới. Ảnh: T.P

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh ở xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) tạo hướng đi mới cho bà con. Ảnh: Tâm Phùng.

Với mục tiêu nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững, khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng lợi thế vùng đất nhiễm mặn của các địa phương, phát triển các đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao, từ năm 2021 đến nay, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa kém hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được nhân rộng tại các xã Hồng Thủy (Lệ Thủy); Gia Ninh, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh); Đức Ninh (TP Đồng Hới); Đồng Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch) với diện tích trên 9ha, 15 hộ tham gia.

Chúng tôi về xã Đồng Trạch, nơi có nhiều hộ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh. Ông Phan Đệ (xã Đồng Trạch) cho hay, năm nay, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả để nuôi thử nghiệm tôm càng xanh toàn đực. Mới đầu triển khai gia đình còn khá bỡ ngỡ vì chưa biết nhiều về quy trình và kỹ thuật nuôi. Nhưng nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh nên đã sớm tiếp cận được quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc và xử lý sự cố khi nuôi tôm.

Ông Đệ chia sẻ: “Tôm càng xanh là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, kích cỡ tương đối lớn, thịt thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cái hay của nuôi tôm càng xanh là giống tôm này có phổ thức ăn rộng, ngoài thức ăn công nghiệp có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương để bổ sung như cá tạp, tép…, nhờ đó giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Vừa qua, gia đình thu hoạch tôm có lãi hơn 50 triệu đồng”.

Mô hình nuôi tôm càng xanh cho nông dân có thu nhập từ 100-120 triệu đồng/ha.  Ảnh: T.P

Mô hình nuôi tôm càng xanh cho nông dân thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Ảnh: Tâm Phùng.

Các hộ dân tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh được hỗ trợ 50% giống và 50% vật tư (thuốc, thức ăn…). Ưu việt của mô hình là sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực, bởi tốc độ tăng trưởng của tôm đực nhanh hơn, trọng lượng lớn hơn, rút ngắn được thời gian nuôi. Hơn nữa, việc nuôi tôm càng xanh được quản lý một cách khoa học, quy trình kỹ thuật nuôi được chú trọng, do vậy, giảm thiểu dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn, có kết nối thị trường nên dễ tiêu thụ...

Ông Nguyễn Công Thanh, xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) cho biết, gia đình nuôi thử nghiệm tôm càng xanh trong năm nay với diện tích 0,5ha. Bước vào vụ nuôi, ông đã thả hơn 40.000 con giống tôm càng xanh toàn đực. Sau 7 tháng nuôi, trừ chi phí sản xuất, gia đình ông có thu nhập khoảng 50 triệu đồng, cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực được thực hiện trên đất lúa nhiễm mặn, kém hiệu quả ở một số địa phương trong tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Qua tính toán, người dân có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha từ nuôi tôm càng xanh. Việc chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang nuôi tôm càng xanh cho thấy hiệu quả của mô hình và mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản.

Diện tích hồ nuôi tôm càng xanh trên đất lúa kém hiệu quả ngày càng được mở rộng. Ảnh: T.P

Diện tích hồ nuôi tôm càng xanh trên đất lúa kém hiệu quả ngày càng được mở rộng. Ảnh: Tâm Phùng.

Hiện, mô hình đang được áp dụng nhân rộng trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch với tổng diện tích nuôi năm 2022 khoảng trên 40ha. Ngoài nuôi chuyên canh, có thể nuôi xen ghép với một số đối tượng khác như cá mè trắng, cá diếc… hoặc nuôi xen trong ruộng lúa. Nuôi tôm càng xanh được đông đảo bà con và địa phương đánh giá cao, xem đây là đối tượng nuôi mới có giá trị nhằm thay thế đối tượng nuôi truyền thống hiệu quả thấp mà các hộ nuôi đã áp dụng…

Tôm càng xanh là đối tượng nuôi khá mới, mô hình không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong nuôi trồng thủy sản. Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho hay “Thời gian tới, Trung tâm sẽ đề nghị các địa phương tranh thủ từ các nguồn kinh phí tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền, nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh với quy mô phù hợp, bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, tăng cao thu nhập cho nông dân".

Xem thêm
Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất