| Hotline: 0983.970.780

Giống ứ, thịt tắc

Thứ Năm 27/05/2010 , 10:31 (GMT+7)

Hôm nay (27/5), Cục Chăn nuôi sẽ có cuộc họp khẩn tìm cách cứu nguy người nuôi lợn.

* Hôm nay, Bộ NN-PTNT bàn kế giải nguy 

Các trang trại lợn sạch bệnh nhưng vẫn không bán được lợn

Dịch “tai xanh” dai dẳng khiến thị trường tiêu thụ thịt lợn, lợn giống đang bị đóng băng, người chăn nuôi điêu đứng. Vì vậy, hôm nay (27/5) Cục Chăn nuôi sẽ có cuộc họp khẩn tìm cách cứu nguy người nuôi lợn.  

Theo Cục Chăn nuôi, hơn 2 tháng trở lại đây kể từ khi dịch lợn “tai xanh” bùng phát, thị trường tiêu thụ thịt lợn đã suy giảm nghiêm trọng. Khảo sát của Cục Chăn nuôi tại thị trường tiêu thụ thịt lợn ở Hà Nội trong tháng 4/2010 cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn đã giảm từ 40- 50% so với bình thường. Thị trường thịt lợn cực kỳ ảm đạm sau khi nhiều phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn do ăn thịt lợn. Một tuần trở lại đây, tình hình tiêu thụ thịt lợn có sôi động hơn, nhưng theo Cục Chăn nuôi, mức tiêu thụ hiện vẫn giảm trên 35% so với bình thường (tương đương giảm trên 100 nghìn tấn/tháng). Điều này đang khiến nhiều người chăn nuôi lâm vào tình cảnh khốn đốn vì không bán được lợn đã đến kỳ xuất chuồng.

Trao đổi với NNVN chiều qua, ông Đỗ Văn Chung, GĐ Cty Lợn giống miền Bắc (Hưng Yên) dở khóc dở cười cho biết, không chỉ có lợn thịt của các chủ trang trại lớn chịu cảnh ế ẩm và hạ giá mà những chủ trại nuôi lợn giống hiện cũng đang...mếu. Ông Chung cho biết gần 2 tháng nay, việc tiêu thụ lợn giống tại Cty hoàn toàn bị ách tắc. Nhiều chủ chăn nuôi mặc dù đã có đơn đặt hàng lợn giống từ trước nhưng vì e ngại dịch “tai xanh” nên sẵn sàng hủy hợp đồng, không vào giống nữa. Hiện tại, trại giống của Cty này đang tồn lại hơn 400 con lợn giống cỡ 40- 45kg/con đã quá tuổi xuất chuồng và hơn 100 con lợn thịt trên 100kg/con.

Đã thế, ngoài nguyên nhân khách hàng hủy hợp đồng, ông Chung bức xúc cho biết, mặc dù trại lợn hoàn toàn đảm bảo việc tiêm phòng và xét nghiệm không có virus “tai xanh” nhưng hiện Chi cục Thú y Hưng Yên vẫn không cấp giấy kiểm dịch cho vận chuyển ra ngoài tỉnh nên một số khách hàng có yêu cầu mua giống cũng đành “bó tay”chờ tới lúc hết dịch. Thái độ vô trách nhiệm của mấy "ông" thú y càng dồn các cơ sở lợn giống vào chân tường. 

Lợn xuất chuồng tại trại chăn nuôi của Cty CP Việt Nam

Tại các trại giống lớn như Trại lợn giống Tam Đảo, Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương...tình hình tiêu thụ lợn đang rất trì trệ. Tại Trại Tam Đảo, số lợn giống tồn lại từ gần 2 tháng qua đã lên tới trên 5.000 con. Trước bức bách này, các trại giống buộc phải bán lợn giống làm lợn thịt với giá thấp như bèo. Cụ thể, Trung tâm giống Thụy Phương cho biết, do bị hủy hợp đồng cung cấp giống nên Trung tâm này đã phải bán hơn 1.000 con lợn giống với giá...lợn thịt. Cụ thể, lợn giống bình thường 60-80kg/con bán giá 45-50 nghìn đồng/kg nhưng do không bán được giống nên lợn giống to tới 1,3 – 1,5 tạ, hiện bán giá lợn thịt 18 nghìn đồng/kg nhưng vẫn bị chê ỏng chê eo.

Chiều qua ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết từ ngày 17/5/2010, Bộ NN-PTNT đã có văn bản số 1429/BNN-TY gửi UBND các tỉnh yêu cầu tạo điều kiện cho việc thông thương lợn khỏe mạnh. Công văn nêu rõ đối với lợn khỏe mạnh có nguồn gốc từ các trại chăn nuôi tập trung nằm trong các xã có dịch, nếu vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh “tai xanh” thì vẫn được phép vận chuyển sang địa điểm nuôi mới hoặc lò mổ ngoài tỉnh, với điều kiện lợn phải được kẹp tai, xe chở lợn được niêm phong...

Theo ý kiến của ông Sơn, quy định này là khá “nhiêu khê”, khiến việc vận chuyển phải tăng chi phí hơn 7 nghìn đồng/đầu lợn. Song quy định này là phù hợp trong điều kiện dịch nguy hiểm. Vì vậy một số Chi cục Thú y các tỉnh không cấp giấy phép kiểm dịch cho các trang trại chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn là hoàn toàn sai với chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Dự báo về diễn biến của thị trường thịt lợn trong thời gian tới, ông Sơn cảnh báo: Hơn 130 nghìn đầu lợn mắc bệnh và số lợn tiêu hủy đến thời điểm này so với tổng đàn lợn toàn quốc trên 27 triệu con tuy không lớn. Nhưng nguy hiểm nhất là việc người chăn nuôi e ngại ngừng tái đàn trong thời gian dài sẽ kéo theo hậu quả nguy hiểm khiến “cầu” thịt lợn giảm rất mạnh. Trong khi đó, việc người tiêu dùng e ngại và quay mặt với thịt lợn sẽ làm cho người chăn nuôi điêu đứng hơn. Theo dõi của ông Sơn vào đợt dịch năm 2008 cho thấy sau khi hết dịch, giá thịt lợn tăng không dưới 20%. Tuy nhiên năm 2008, vùng dịch chỉ ở phạm vi hẹp tại một số tỉnh miền Trung. Nhưng năm nay tình hình sẽ rất khác khi hiện đã có 15 tỉnh thành có dịch “tai xanh”. Vì vậy ảnh hưởng của dịch “tai xanh” đến thị trường có thể sẽ nặng nề hơn nhiều.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.