| Hotline: 0983.970.780

Cận cảnh ngành thủy sản nhiều tỷ đô ở vùng mỏ

Xen canh, đa tầng, trở lại thời hoàng kim

Thứ Hai 10/07/2023 , 08:17 (GMT+7)

QUẢNG NINH Tận dụng tối đa diện tích để nuôi xen canh, đa tầng sẽ giúp tăng giá trị kinh tế, từ đó đưa nghề nuôi nhuyễn thể trở lại thời hoàng kim.

Mô hình nuôi xen canh hàu và rong sụn tại huyện Vân Đồn do STP Group kết hợp đầu tư. Ảnh: Văn Nguyễn.

Mô hình nuôi xen canh hàu và rong sụn tại huyện Vân Đồn do STP Group kết hợp đầu tư. Ảnh: Văn Nguyễn.

Nuôi xen canh, lợi ích kép

Cùng với du lịch, nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi hàu đang mang lại thu nhập chính cho người dân huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Định hướng của địa phương này là phát triển nghề nuôi hàu bền vững song song với bảo vệ môi trường.

Mô hình nuôi trồng thủy sản tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn toàn bằng vật liệu nổi HDPE thân thiện với môi trường. Được biết, mô hình này là sự liên kết hợp tác theo chuỗi giữa STP Group và HTX Phất Cờ do ông Nguyễn Sỹ Bính làm giám đốc.

Ông Bính hồ hởi nói, hiện mô hình trải dài trên diện tích khoảng 5ha, trong đó có 1ha hàu và 4ha rong sụn được nuôi xen canh, 1 dây hàu đến 1 dây rong sụn. Theo ông Bính, rong sụn là loài có khả năng làm sạch vùng nước, vùng biển nuôi.

“Khi tích hợp nuôi rong với hàu, cây rong sẽ phát huy tác dụng làm sạch môi trường sống, làm sạch nguồn thức ăn. Điều này làm cho chất lượng hàu được cải thiện, hàu khỏe mạnh hơn, phát triển tốt hơn, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ”, ông Bính phân tích.

Hàu và rong sụn khi nuôi kết hợp sẽ giúp cả 2 cùng sinh trưởng tốt, môi trường nước sạch hơn trước. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hàu và rong sụn khi nuôi kết hợp sẽ giúp cả 2 cùng sinh trưởng tốt, môi trường nước sạch hơn trước. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đặc biệt, khi nuôi xen canh, rong sụn điều hòa nước, lọc nước, hàu phát thải chất dinh dưỡng sẽ làm thức ăn thêm cho rong. Nhờ cộng sinh mà cả hai loài sinh vật này đều phát triển nhanh và khỏe mạnh. Có thể nói, việc nuôi xen canh giúp người dân có thêm cơ hội gia tăng giá trị kinh tế, môi trường biển được đảm bảo, mang lại lợi ích kép cho ngành nuôi biển tại Quảng Ninh.

Được biết, từ năm 2021, STP Group đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi rong sụn xen canh với hàu sữa (hàu Thái Bình Dương). Cũng trong năm đó, HTX Phất Cờ đã kết hợp cùng STP Group trong việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ 2 loại nông sản này, giúp người dân an tâm sản xuất, không còn lo lắng đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, 1ha hàu của ông Bính cho thu hoạch khoảng hơn 100 tấn hàu/năm, còn 4ha rong sụn đạt sản lượng 200 tấn tươi mỗi năm. Giá bán hàu hiện tại đang ở mức 6.000 - 9.000đ/kg, còn rong sụn có giá 6.000đ/kg tươi và 55.000đ/kg khô. Mỗi năm, nguồn thu từ việc nuôi xen canh của ông Bính khoảng trên 2 tỷ đồng.

Từ năm 2006, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group) nhập hàu Thái Bình Dương từ Đài Loan về nuôi và thử nghiệm sản xuất giống ở xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn. Do hàu phù hợp với với vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả nên nghề nuôi nhuyễn thể này ngày càng phát triển mạnh. 

Rong sụn nuôi khoảng 70 ngày có thể thu hoạch, 1ha có thể cho thu hoạch 50 tấn tươi mỗi năm. Ảnh: Văn Nguyễn. 

Rong sụn nuôi khoảng 70 ngày có thể thu hoạch, 1ha có thể cho thu hoạch 50 tấn tươi mỗi năm. Ảnh: Văn Nguyễn. 

Nuôi đa tầng, tận dụng tối đa lợi thế

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, tỉnh sẽ có quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển. Dự tính mỗi hộ gia đình sẽ được giao 1ha diện tích mặt nước.

“Với chỉ 1ha nuôi, các hộ nuôi cần liên kết với nhau, thành lập các HTX để cùng nhau sản xuất, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa diện tích mặt nước được giao bằng cách nuôi đa tầng”.

“Thay vì chỉ thực hiện nuôi đơn loài và tập trung chủ yếu vào nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của loài đó, nuôi đa tầng tạo ra một môi trường nuôi tương tự một hệ sinh thái tự nhiên. Đơn cử là kết hợp nuôi hàu, cá với ngao, thưng, tu hài, hải sâm và rong biển tạo thành một cụm gần nhau để tạo lợi ích của từng loại nuôi và môi trường”, ông Minh cho biết.

Đặc biệt, nuôi đa tầng cho phép thức ăn thừa, chất thải, chất dinh dưỡng và sản phẩm phụ của một loài được lấy lại và chuyển đổi như là sản phẩm hữu ích, thức ăn và năng lượng cho sự phát triển của các loài khác.

Các loài khác ở đây có thể bao gồm loài ăn lọc (vẹm, hàu) và loài ăn thức ăn lắng đọng (hải sâm) và kết hợp trồng rong biển. Về cơ bản, các loài khác nhau nhưng khi nuôi kết hợp sẽ hoạt động như là các “bộ lọc” sống.

“Có thể nói, khi được triển khai một cách chiến lược, phương pháp nuôi này có thể đa dạng hóa sản lượng trang trại và mang lại lợi ích cho hệ sinh thái như chất lượng môi trường được cải thiện, người nuôi tăng thêm nguồn thu khi tận dụng tối đa giá trị sử dụng của diện tích mặt nước được giao”, ông Minh khẳng định. 

Hiện Quảng Ninh có khoảng 163 loài nhuyễn thể phân bố tại vùng biển tỉnh, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Quảng Ninh còn có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi các loài hải sản có giá trị kinh tế, đặc biệt là phát triển nuôi nhuyễn thể như ngao giá, hàu Thái bình dương, tu hài, bào ngư, hải sâm, cầu gai, trai ngọc...

Ngao 2 cùi là một trong những loài nhuyễn thể có thể kết hợp nuôi đa tầng tại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ngao 2 cùi là một trong những loài nhuyễn thể có thể kết hợp nuôi đa tầng tại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trở về thời hoàng kim

Quảng Ninh có đường bờ biển dài 250km, đặc biệt là vùng Vịnh Bái Tử Long được tạo bởi hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ đã hình thành nên nhiều tùng, vụng, vịnh nhỏ giữa các đảo ít bị ảnh hưởng của gió bão, nước có độ muối cao, ổn định, độ trong lớn, phù hợp để phát triển nghề nuôi biển, trong đó có nuôi nhuyễn thể.

Anh Phạm Văn Thường, một trong những hộ nuôi nhiều hàu ở huyện Vân Đồn và có thu nhập ổn định từ nghề này, cho biết: “Nuôi hàu từ trước đến nay đều không cần cho ăn, thức ăn của hàu chủ yếu là các loại sinh vật phù du như tảo, người nuôi chỉ cần kiểm tra và vệ sinh để hạn chế bị các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển. Chúng tôi chỉ cần đầu tư hệ thống giàn nuôi trong năm đầu tiên, những năm sau chỉ phải bỏ tiền mua con giống. Sau khi thả 8 tháng thì được thu hoạch”.

Việc sử dụng vật liệu nổi HDPE thân thiện với môi trường đang được nhiều người nuôi hàu áp dụng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Việc sử dụng vật liệu nổi HDPE thân thiện với môi trường đang được nhiều người nuôi hàu áp dụng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện anh Thường đang có 10 giàn nuôi hàu, mỗi giàn 30 dây, mỗi dây cho thu hoạch 3 - 4 tấn hàu. Đến mùa thu hoạch, có thời điểm sản lượng hàu lên đến hơn 1.000 tấn, anh Thường phải thuê hàng chục công nhân làm việc liên tục từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn sau những dãy núi. Với giá bán 6.000 đồng/kg, gia đình anh cũng thu về hơn 6 tỷ đồng.

Ông Đỗ Đình Minh cho biết, thời điểm năm 2014, hàu có giá 35.000 đồng/kg, đây có thể coi là thời kỳ hoàng kim của con hàu. Tuy nhiên, việc nuôi hàu một cách tràn lan, không theo quy hoạch, đã khiến cung nhiều hơn cầu, dẫn đến giảm giá trị con hàu đi nhiều lần.

Hiện nay, tại Quảng Ninh có khoảng 10.000ha nuôi hàu nhưng chỉ có 6.000ha trong quy hoạch vùng nuôi. Mỗi năm, nguồn thu từ việc nuôi hàu khoảng gần 1.500 tỷ đồng với mức giá 6.000 đồng/kg.

“Nếu trở về mức giá 35.000 đồng/kg thì nguồn thu từ con hàu là rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn sắp tới sau khi quy hoạch lại vùng nuôi, tạo môi trường tốt hơn cho hàu phát triển, sản lượng hàu có thể giảm nhưng giá sẽ tăng lên, đạt mức 10.000 – 15.000 đồng/kg. Khi đó, con hàu hứa hẹn tạo ra giá trị rất lớn, có thể gấp 2 - 3 lần hiện tại”, ông Minh cho biết.

Các sản phẩm chế biến sâu từ ngao, hàu... đều đạt chất lượng OCOP từ 3 - 5 sao, tiêu thụ trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các sản phẩm chế biến sâu từ ngao, hàu... đều đạt chất lượng OCOP từ 3 - 5 sao, tiêu thụ trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ngoài điều kiện tự nhiên, tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản, vùng đất mỏ Quảng Ninh còn có lợi thế có đường biên giới giáp với Trung Quốc, một trong các cường quốc về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đặc biệt là hàng thuỷ sản tươi sống. Ngoài ra, các quốc gia khác như Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản cũng là thị trường tiêu thụ thủy sản rất lớn cho Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Đáng chú ý, thị trường tiêu thụ thủy sản trong nước cũng không nhỏ, đặc biệt khi Quảng Ninh là điểm đến, nơi hội tụ khách thập phương trên khắp thế giới đến tham quan, du lịch và các tập đoàn than khoáng sản cũng là một thị trường rất lớn. Các sản phẩm thủy hải sản của Quảng Ninh vốn nức tiếng gần xa, được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh và thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn…

Từ những tiềm năng, lợi thế đó, nghề nuôi nhuyễn thể được kỳ vọng mang lại giá trị hàng nghìn tỷ mỗi năm, đưa ngành thủy sản chạm mốc tỷ đô.

Hiện nay, giá của một số loài nhuyễn thể trên thị trường tại Quảng Ninh đều cao hơn so với thời kỳ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, tu hài có giá khoảng 150.000 đồng/kg, thưng có giá khoảng 100.000 đồng/kg, ngao 2 cùi khoảng 90.000 đồng/kg, ngao hoa tùy size có giá từ 50.000 – 150.000 đồng/kg.

Ngao 2 cùi bắt đầu được nuôi tại Quảng Ninh từ năm 2016, với diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở huyện Vân Đồn khoảng 2.000ha, sản lượng có thời điểm lên đến gần 20.000 tấn mỗi năm, Trong đó, 90% sản lượng xuất bán sang Trung Quốc, 10% phục vụ nhu cầu nội địa, chủ yếu dành cho khách du lịch, mang lại nguồn thu cả nghìn tỉ cho người nuôi.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, ngao khó tiêu thụ, đã có nhà máy chế biến ruốc ngao tại huyện Vân Đồn để tăng giá trị sản phẩm từ loài nhuyễn thể này lên nhiều lần, thậm chí, ruốc ngao được xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo ông Đỗ Đình Minh, các loài nhuyễn thể như ngao, tu hài, thưng... đều có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng ở vùng biển Quảng Ninh. Mặc dù diện tích nuôi hiện nay tại Quảng Ninh chưa đáng kể, nhưng đây đều là các loài có giá trị kinh tế cao.

Thời gian tới, khi giao mặt nước cho người nuôi theo quy hoạch mới, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh sẽ nghiên cứu quy chuẩn nuôi của từng loài để áp dụng cho phù hợp, với mục tiêu để các loài nhuyễn thể này sinh trưởng khỏe mạnh, không bị gầy, chậm lớn hay dịch bệnh.

Cùng với đó, Sở NN-PTNT sẽ áp dụng khoảng cách, mật độ các lồng nuôi nhuyễn thể tầng đáy theo quy định để chúng phát triển một cách tốt nhất, không cạnh tranh nguồn thức ăn tự nhiên trong môi trường nước, đảm bảo phát triển nghề nuôi nhuyễn thể bền vững trong tương lai.

Xem thêm
Cà Mau: Cua chết bất thường trên diện rộng

Tình trạng cua chết xảy ra ở nhiều địa phương khiến chất lượng và sản lượng cua thương phẩm sụt giảm, nông dân lao đao.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.

Bình luận mới nhất