| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó cho mì ăn liền

Thứ Năm 15/06/2023 , 14:57 (GMT+7)

Nhờ sự nỗ lực của các cơ quan liên quan, trong đó có Văn phòng SPS Việt Nam từ phiên họp của Ủy ban SPS/WTO hồi tháng 6/2022, doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi.

Ngày 7/6, Ủy ban châu Âu công bố Quy định (EU) 2023/1110 sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào khối này. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của nước ta.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam về những nội dung liên quan.

TS. Ngô Xuân Nam tại phiên họp của Ủy ban SPS/WTO hồi tháng 6/2022.

TS. Ngô Xuân Nam tại phiên họp của Ủy ban SPS/WTO hồi tháng 6/2022.

Vừa qua, EU đã ra thông báo mới về các biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu vào khối này. Xin ông cho biết nội dung cụ thể của các quy định liên quan đến hàng hóa Việt Nam?

Ngày 9/6, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo của EU. Trong đó, nội dung thay đổi nhiều nhất liên quan tới mì ăn liền. 

Chúng ta đều biết, kể từ tháng 12/2021, sản phẩm mì ăn liền có chứa gia vị, bột nêm hoặc nước sốt từ Việt Nam phải chịu mức độ kiểm soát chính thức gia tăng và các điều kiện đặc biệt khi xuất khẩu vào EU do nguy cơ nhiễm Ethylene oxide.

Các biện pháp kiểm soát chính thức được thực hiện bởi các quốc gia thành viên EU thời gian qua cho thấy những tiến bộ trong việc tuân thủ của phía Việt Nam.

Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, năm 2021, chúng ta có 3 lô hàng mì ăn liền vi phạm các quy định của EU. Năm 2022, EU phát hiện 14 lô hàng vi phạm nhưng rất nhiều trong số đó là tồn dư từ năm 2021. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, EU không phát hiện lô hàng mì ăn liền nào vi phạm.

Kết quả này đưa EU tới kết luận rằng sản phẩm mì ăn liền có thành phần sản xuất tại Việt Nam không tạo ra rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Do đó, EU thấy không cần thiết phải tiếp tục quy định rằng mỗi lô hàng phải được kèm theo một giấy chứng nhận chính thức nêu rõ rằng tất cả các kết quả lấy mẫu và phân tích cho thấy tuân thủ Quy định (EC) số 396/2005.

Các quốc gia thành viên của EU sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chính thức với mì ăn liền để đảm bảo rằng mức độ tuân thủ hiện tại được duy trì. Cụ thể, sản phẩm mì ăn liền có chứa gia vị, bột nêm hoặc nước sốt từ Việt Nam tại Điểm 1, Phụ lục II của Quy định thực thi (EU) 2019/1793 được hủy bỏ và chuyển sang Phụ lục I của Quy định, với tần suất kiểm tra được đặt ở mức 20%.

Ba sản phẩm tiếp tục phải chịu biện pháp kiểm soát chính thức bao gồm: Ớt chuông, đậu bắp và quả thanh long. Tại Phụ lục I, ớt chuông giữ tần suất kiểm tra được đặt ở mức 50%. Tại Phụ lục II, đậu bắp tần suất kiểm tra được đặt ở mức 50%; còn quả thanh long là 20%.

Buổi làm việc giữa đại diện Việt Nam, do Văn phòng SPS Việt Nam dẫn đầu, với phía EU bên lề phiên họp của Ủy ban SPS/WTO hồi tháng 6/2022.

Buổi làm việc giữa đại diện Việt Nam, do Văn phòng SPS Việt Nam dẫn đầu, với phía EU bên lề phiên họp của Ủy ban SPS/WTO hồi tháng 6/2022.

Có thể thấy là sau hơn một năm nỗ lực của Việt Nam, sản phẩm mì ăn liền đã được EU nới lỏng các quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm. Xin ông nêu một số dấu mốc chính trong quá trình này?

Tôi đánh giá, đầu tiên là sự nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp. Họ đã chủ động, tích cực rà soát, kiểm tra dây chuyền sản xuất theo các khuyến cáo của phía EU. Đây là sự thay đổi từ trong nhận thức, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như các yếu tố công khai, minh bạch.

Thứ hai là sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước đối với sản phẩm mì liền, ở đây chịu trách nhiệm là Bộ Công thương. Cùng với đó là sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn như Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và các cơ quan truyền thông liên quan trong việc tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam chấp hành quy định của EU.

Thứ ba là từ phía Bộ NN-PTNT, với Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan giữ vai trò vừa là đầu mối thông tin, vừa là đầu mối để triển khai chương SPS trong Hiệp định EVFTA . Trên cơ sở đó, chúng tôi đã nỗ lực phối hợp với Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan liên quan để tuyên truyền, phổ biến các quy định của EU để giúp doanh nghiệp chấp hành quy định.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trong các phiên họp của Ủy ban SPS/WTO từ tháng 6/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã cùng với Bộ Công thương đàm phán với đại diện của phía EU. Đây là buổi làm việc bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO, diễn ra từ 22-24/6.

Tại buổi làm việc, đoàn Việt Nam, do Văn phòng SPS Việt Nam dẫn đầu, đã đề nghị EU xem xét và cung cấp số liệu về mức độ không tuân thủ của mì ăn liền, liên quan đến tiêu chuẩn dư lượng Ethylene oxide (từ tháng 1/2022).

Trên cơ sở đánh giá tần suất tuân thủ các yêu cầu, quy định về dư lượng Ethylene oxide trong quy trình kiểm soát của doanh nghiệp, phía Việt Nam đã đề nghị EU xem xét, gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát như đang quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

EU đánh giá rất cao buổi họp song phương này và đã đề nghị phía Việt Nam chia sẻ dữ liệu thống kê về các hoạt động, cũng như tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động, thực vật để tham khảo.

Nhờ những hành động kịp thời, mạnh mẽ, nên như chúng ta thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023 Việt Nam không còn sản phẩm mì ăn liền nào vi phạm quy định của EU. Xuyên suốt một năm qua, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã liên tục lãnh đạo, chỉ đạo Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp chặt chẽ với EU để có thể đồng kiểm soát, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm mì ăn liền.

Cũng cần phải nói thêm, rằng không riêng gì Việt Nam bị áp tần suất kiểm tra 20%, nhiều quốc gia sản xuất mì ăn liền khác trên thế giới cũng đang chịu quy định này của EU.

Mì ăn liền sản xuất tại Việt Nam hiện chịu tần suất kiểm tra 20% tại EU.

Mì ăn liền sản xuất tại Việt Nam hiện chịu tần suất kiểm tra 20% tại EU.

Bên cạnh thành công bước đầu, chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ vấn đề là mì ăn liền sản xuất tại Việt Nam vẫn chịu kiểm tra 20% tại khu vực cửa khẩu. Trong thời gian tới, Văn phòng SPS Việt Nam có khuyến cáo gì tới doanh nghiệp để có thể đảm bảo tốt quy định này, đồng thời tiến tới giảm tần suất kiểm tra?

Tôi khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền nói chung và các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thực phẩm khi xuất khẩu vào EU là phải nghiên cứu kỹ các quy định của thị trường, đặc biệt khi EU thường xuyên thay đổi các quy định về kiểm soát về an toàn thực phẩm như: quy định về mức dư lượng, quy định về thủ tục chứng thư...

Đây là điều rất quan trọng giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh quy trình sản xuất, đảm bảo lợi ích và phù hợp với yêu cầu thị trường. Có lẽ không riêng gì thị trường EU, khi xuất khẩu vào thị trường nào thuộc WTO, chúng ta cũng nên thường xuyên cập nhật thông tin. 

Nguồn thông tin có thể ở cơ quan đầu mối thông tin như Văn phòng SPS Việt Nam, hoặc các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế. Ngoài ra, một kênh thông tin nữa là từ các hiệp hội ngành hàng. Đặc biệt, tất cả thông tin này đều được cập nhật thường xuyên trên website của Văn phòng SPS Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...