Thăm và kiểm tra tình hình sản xuất cây ăn quả nói chung, đặc biệt là các vùng cây có múi (cam, bưởi) trọng điểm của tỉnh Bắc Giang vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Những năm qua, Bắc Giang là tỉnh tiên phong khai thác lợi thế của sản phẩm cấp tỉnh.
Với diện tích đất đồi gò rất lớn, những năm qua, Bắc Giang đã khai thác tốt lợi thế này để phát triển kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt khai thác thế mạnh vùng đồi gò để phát triển cây ăn quả.
Đối với huyện Lục Ngạn, bên cạnh là vùng nổi tiếng về cây vải, những năm gần đây cũng đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây ăn quả, phát triển nhanh nhiều loại cây ăn quả khác, nhất là các loại cây có múi cho giá trị kinh tế rất cao như cam, bưởi. Một số diện tích cam được thâm canh cao tại huyện Lục Ngạn trong vụ thu hoạch năm 2020 đạt năng suất lên tới 50 tấn/ha, hiệu quả kinh tế từ 1 tỷ đến 2 tỷ/ha...
"Qua đây, cho thấy nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt, biết cách khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương thì chính những nhóm sản phẩm của cấp tỉnh cũng có thể trở thành trăm triệu đô và tiến tới tỷ đô. Đó là một trong những định hướng mà Bộ NN-PTNT khuyến khích tất cả 63 tỉnh thành cùng nghiên cứu, khai thác phát triển những giống, những sản phẩm mà địa phương có lợi thế tương tự như Bắc Giang", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Thưa Bộ trưởng, về cây có múi nói riêng, cũng đang có nỗi lo do có xu hướng mở rộng rất nhanh về diện tích?
Hiện nay, chúng ta đang có câu chuyện vừa thừa vừa thiếu, phát triển diện tích cây có múi vừa qua là rất nhanh, trong đó có việc do hiệu quả cây có múi cao nên có tình trạng nông dân một số nơi đua nhau đổ vào trồng.
Trước khi sản xuất cái gì đều phải biết rõ nhu cầu thị trường đến đâu, bán ở đâu, làm theo công thức gì, tiêu chuẩn quy chuẩn gì. Có như thế, chúng ta mới giải quyết được câu chuyện không còn sợ thừa, ế.
Vì vậy, người dân, chính quyền các địa phương cần phải thay đổi nhận thức về vấn đề này. Để trồng cây gì, phải biết được nhu cầu của xã hội đến đâu, bán ở đâu, làm thế nào, chứ không thể trồng tràn lan rồi bán không được.
Người dân có đất canh tác phải ý thức được sản phẩm của mình là gì, thứ hai là các cấp chính quyền địa phương, từ xã, huyện, tỉnh phải tập trung vào vấn đề này. Tất cả đều phải cùng có trách nhiệm chăm lo để sản xuất theo chuỗi.
Có thể thấy cây ăn quả là thế mạnh rất lớn của Việt Nam, những năm tới Bộ NN-PTNT sẽ tập trung những khâu nào để lĩnh vực này có những bước tiến mới hơn?
Cây ăn quả đang là một trong những đối tượng sản xuất chúng ta có lợi thế. Những năm gần đây, chưa đến một chục năm, chúng ta tăng rất nhanh diện tích, đến hiện nay đã đạt 1 triệu ha, với tổng sản lượng trái cây năm 2020 ước vào khoảng 15 triệu tấn, giá trị xuất khẩu lên 3,6 tỷ USD.
Như vậy với 1 triệu ha đất canh tác, cây ăn quả cho thu giá trị rất lớn. Ngoài tiêu dùng trong nước, chúng ta còn xuất khẩu gần 4 tỷ USD, đóng góp rất lớn trong các ngành hàng.
Cây ăn quả cũng có tiềm năng lớn, bởi thế giới hàng năm nhu cầu thương mại vào khoảng 360 tỷ USD về trái cây, với tốc độ tăng tiêu thụ hàng năm khoảng 5 đến 7%.
Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả của chúng ta cũng còn rất nhiều điểm tồn tại, mà một trong những điểm tồn tại lớn nhất trong canh tác cây ăn quả đó của Việt Nam hiện nay là khâu giống. Tất cả bộ giống của cây ăn quả Việt Nam hiện nay đều ở mức trung bình, chưa có bộ giống nào đạt mức tiên tiến so với thế giới và khu vực.
Chính vì thế, chúng ta phải tập trung vào khâu này để tất cả các vùng miền phải lựa chọn những bộ giống cây chủ lực, phải được lai tạo, chọn lọc, thuần hóa để làm sao trong một thời gian ngắn nhất, cho phép chúng ta phải có được bộ giống tốt nhất phục vụ cho canh tác.
Điểm yếu thứ hai đó là canh tác. Chúng ta không có một diện tích đất quá rộng trên quy mô một hộ, vì vậy cần phải quy hoạch lại từng vùng, từng miền, hướng dẫn các quy trình canh tác để nông dân, HTX, doanh nghiệp nhỏ liên kết với nhau.
Nút thắt thứ ba là khâu chế biến. Những năm qua, chúng ta tập trung công tác chế biến về nông sản nói chung, trong đó về cây ăn quả đã có bước tiến vượt bậc. Bốn năm vừa qua, tổng số cơ sở sản xuất cũng như công suất chế biến trái cây đã tăng gấp 3 lần, nhưng so với tổng công suất của 15 triệu tấn cây ăn quả cả nước, chúng ta chưa đáp ứng được là bao.
Do đó những năm tới, chúng ta phải tập trung để làm tốt hơn để tạo chuỗi giá trị gia tăng, đồng thời chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm mà không bị vướng khó khăn về tính thời vụ.
Điểm nữa là tổ chức thị trường. Chúng ta chú ý xuất khẩu những năm gần đây rất tích cực, nhưng chính thị trường trong nước hiện nay dù là sản phẩm quả Việt Nam rất tốt, nhưng vẫn bị sản phẩm quả của thị trường nước ngoài lấn át.
Đây là một vấn đề chúng ta cần tổ chức lại, làm sao phải phù hợp với sự chuyển đổi cơ cấu dân số, cơ cấu kinh tế của đất nước.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!