| Hotline: 0983.970.780

Gỡ ‘thẻ vàng’ của EC: Ngư dân phải chấm dứt xâm phạm vùng biển nước ngoài

Thứ Hai 29/05/2023 , 14:37 (GMT+7)

Để gỡ ‘thẻ vàng’ của EC, ngư dân phải tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt chấm dứt xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Đẩy mạnh tuyên truyền về IUU

Ngày 29/5, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên truyền về biển, đảo; chống khai thác IUU và ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên, ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá.

Để gỡ thẻ vàng của EC, các chủ tàu cần chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: KS.

Để gỡ thẻ vàng của EC, các chủ tàu cần chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: KS.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam, cho biết hội nghị nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về chủ quyền biển, đảo; thông tin về tình hình an ninh, an toàn biển, đảo hiện nay, về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ngoài ra, còn tuyên truyền về trách nhiệm của mỗi cơ quan đơn vị, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo Tổ quốc, gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động góp phần xây dựng, củng cố quan hệ gắn kết bền chặt giữa đoàn viên với tổ chức công đoàn.

Tham gia hội nghị, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã phát tài liệu của Cục Thủy sản cho các đại biểu, trong đó có các ngư dân về tuyên truyền, tập huấn pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động về IUU.

Ông Trần Văn Luận, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, cho biết, để gỡ thẻ vàng, việc đầu tiên là ngư dân không được xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Ông Trần Văn Luận, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, cho biết, để gỡ thẻ vàng, việc đầu tiên là ngư dân không được xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Ông Trần Văn Luận, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam cũng đã thông tin về tình hình khai thác IUU, cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) và giải pháp chống khai thác IUU gắn với đoàn viên, ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá cả nước.

Theo đó, từ ngày 23/10/2017, EC đã cảnh báo ‘thẻ vàng’ đối với sản phẩm hải sản của Việt Nam xuất sang thị trường EU. Điều này gây trở ngại rất lớn cho các lô hàng hải sản của Việt Nam khi xuất sang thị trường này phải bị kiểm tra 100% với thời gian khoảng 3-4 tuần mỗi container. Ngoài chi phí kiểm tra nguồn gốc xuất xứ đánh bắt, các doanh nghiệp còn phải chịu nhiều lệ phí cũng như mất uy tín với phía khách hàng do chậm giao sản phẩm.

Theo ông Trần Văn Luận, đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn bốn khuyến nghị gồm: khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thực thi pháp luật. Đến nay, sau 5 năm Việt Nam thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC, với sự nỗ lực, triển khai các biện pháp cải thiện theo khuyến nghị đã được phía EC ghi nhận. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

Ngư dân Khánh Hòa khai thác cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.

Ngư dân Khánh Hòa khai thác cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.

Về giải pháp để gỡ “thẻ vàng” của EC, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam, cho rằng phải chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cùng với đó tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn về chống khai thác IUU; Ưu tiên bố trí kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực và các nguồn lực vật chất khác cho các Ban Quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Thanh tra…

Đối với Nghiệp đoàn nghề cá sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biển pháp luật cho đoàn viên, ngư dân. Cùng với đó, Ban chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật trong công tác IUU đến ngư dân, nhất là các chế tài xử lý nếu vi phạm. Cũng như tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm IUU; đồng thời khen thưởng, động viên kịp thời các đoàn viên, nghiệp đoàn cơ sở có thành tích tốt trong công tác IUU, không có tàu cá, đoàn viên vi phạm…

Được biết, vào tháng 10/2023, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về việc thực hiện các khuyến nghị.

Thiếu tướng Phạm Văn Quang, đại diện Quân chủng Hải quân, cho biết, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, hiện Quân chủng Hải quân luôn duy trì nhiều tàu trên các vùng biển, cùng với đó thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU.

Đặc biệt, thời gian qua Quân chủng Hải quân đã triển khai nhiều chương trình đồng hành cùng ngư dân, trong đó có chương trình Hải quân Việt Nam là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Đây là chương trình mà Hải quân xác định trách nhiệm đồng hành cùng ngư dân với 4 mục tiêu gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức ngư dân về chủ quyền biển đảo và chấp hành pháp luật khi khai thác thủy sản trên biển; hỗ trợ cho ngư dân trong các hoạt động tham gia đánh bắt hải sản như tặng áo phao, các dụng cụ cứu sinh, cờ Tổ quốc, thuốc men; bảo vệ ngư dân khỏi thiên tai, dịch họa và huy động ngư dân cùng lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc…

Huy động thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ ngư dân

Theo ông Đỗ Tiến Dũng, đến nay Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam có 90 Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 18.000 đoàn viên và 5.239 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên.

Ngư dân khai báo đầy đủ trước khi xuất bến tại cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Ngư dân khai báo đầy đủ trước khi xuất bến tại cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Thời gian qua, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã nỗ lực phối hợp tuyên truyền về biển, đảo, kiến nghị chính sách hỗ trợ, cũng như chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá.

Theo đó, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã chủ động xây dựng, ký kết văn bản phối hợp công tác với Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) và công đoàn cấp trên trực tiếp của một số Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại Quảng Ninh, Quảng Bình. Cùng với đó tham mưu Ban Thường vụ Công đoàn NN-PTNT Việt Nam và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố có Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở ký kết chương trình phối hợp chỉ đạo hoạt động; kịp thời ban hành các văn bản phản đối việc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của nước ngoài, cũng như phản đối các hành vi cản trở, xua đuổi, tấn công, bắt giữ người, cướp phá ngư lưới cụ, tài sản của đoàn viên, ngư dân.

Nghiệp đoàn cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước có biện pháp bảo vệ đoàn viên, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản khu vực biển xa. Cụ thể, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 37 ngày 29/2/2023 Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, theo đó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận các kiến nghị về chính sách hỗ trợ ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá và giao cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền tham mưu, xem xét giải quyết ban hành Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên, ngư dân người lao động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển xa.

Lễ ký kết của Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam với các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi. Ảnh: KS.

Lễ ký kết của Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam với các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi. Ảnh: KS.

Đặc biệt, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam còn chủ động xây dựng sổ tay, tuyên truyền phổ biến pháp luật về biển, đảo; vận động đoàn viên, chủ tàu cam kết chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Cũng như phối hợp hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội từ thiện trong và ngoài nước xây nhà tình nghĩa, trao tặng cờ Tổ quốc, áo phao, tủ thuốc y tế cho đoàn viên, ngư dân trên các tàu cá khai thác hải sản xa bờ...

Năm 2019, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam tổ chức ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn với Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác Hải sản Biển Đông. Từ đó đến nay, Công ty này đã phối hợp, tham gia thực hiện nhiệm vụ công ích phục vụ ngư dân cung ứng hơn 1,5 triệu lít dầu, hơn 9.000 m3 nước ngọt, 128 tấn lương thực, thực phẩm, gần 340.000 cây đá; sửa chữa miễn phí 114 tàu cho ngư dân và cứu hộ 7 tàu bị nạn.

Tại hội nghị, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Quốc Tế Sơn Hà, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Công ty TNHH Minh Hồng Phúc Việt Nam, Công ty TNHH Khai thác Hải sản Viễn Đông nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi. Cũng như qua đó huy động thêm nhiều nguồn lực cả về vật chất và tinh thần giúp cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tại hội nghị, 3 doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Công ty TNHH Minh Hồng Phúc Việt Nam đã tặng 30 phần quà (mỗi doanh nghiệp 10 phần quà) cho các ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại tỉnh Khánh Hòa.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.