| Hotline: 0983.970.780

Gỡ thẻ vàng IUU: Không làm chung chung, tốn kém, mất thời gian

Thứ Hai 15/05/2023 , 18:10 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành thủy sản đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, do đó phải nỗ lực để sớm gỡ thẻ vàng của EC.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thủy sản phải nắm bắt thời cơ để tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu. Ảnh: Việt Khánh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thủy sản phải nắm bắt thời cơ để tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu. Ảnh: Việt Khánh.

Phải nhanh hơn, quyết liệt hơn

Ngày 15/5, tại Nghệ An, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất khai thác thủy sản, qua đó đẩy nhanh phương án tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC).

Qua thống kê, năm 2022 tổng sản lượng khai thác thủy sản cả nước đạt 3,86 triệu tấn, trong đó khai thác biển đạt 3,66 triệu tấn, khai thác nội địa 198 nghìn tấn (tăng 1,6% so với năm 2021). Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng khai thác đạt hơn 869 nghìn tấn.

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỷ USD), tăng 22,2% so với kế hoạch (9 tỷ USD). Một số mặt hàng giá trị xuất khẩu tăng mạnh như cá ngừ, mực, bạch tuộc…

Đến hết tháng 4/2023, cả nước có 86 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với trên 17.000 đoàn viên và hơn 6.200 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên.

Hiện cả nước có hơn 4.200 tổ đội sản xuất trên biển với sự tham gia của gần 29.600 phương tiện, gần 180.000 lao động trên các vùng biển. Thông thường, các mô hình gồm 5-10 tàu làm cùng nghề, cùng khai thác trên một ngư trường, có mối quan hệ thân thuộc (cùng dòng họ, anh em ruột thịt, cùng làng xã…) cùng liên kết, hỗ trợ nhau. Ưu điểm của loại hình này là nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro khi hoạt động trên biển, nhược điểm là tự phát, nhỏ lẻ và khó nhân rộng.

Điểm sáng trong thời gian qua là việc nhân rộng, phát triển các chuỗi liên kết ngành hàng, điển hình như mô hình chuỗi cá ngừ của Công ty T&H, Tín Thịnh ở Nha Trang; Công ty Mãi Tín ở Bình Định. Chuỗi liên kết mang lại nhiều khác biệt, giúp doanh nghiệp chủ động bảo quản sản phẩm, đảm bảo chất lượng nguồn hàng, truy xuất chính xác nguồn gốc.

Trong muôn vàn khốn khó, ngành thủy sản vẫn đạt được những chỉ tiêu khá ấn tượng. Ảnh: Việt Khánh.

Trong muôn vàn khốn khó, ngành thủy sản vẫn đạt được những chỉ tiêu khá ấn tượng. Ảnh: Việt Khánh.

Tín hiệu tích cực cũng đến từ những nghiên cứu cải tiến công nghệ, những thiết bị bảo quản (công nghệ nano UFB (Ultra Fine Bubble), sử dụng đá sệt, ngâm hạ nhiệt…) tiên tiến đã góp phần nâng cao chất lượng nguyên liệu hải sản sau khai thác (tăng bình quân 30%), vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại giảm thất thoát đối với tàu cá xa bờ (kéo dài thời gian bảo quản đến 10-25 ngày)…

Nét mới là điều không thể phủ nhận, nhưng khách quan mà nói để tiến tới tháo gỡ thẻ vàng của EC, đòi hỏi ngành thủy sản nước nhà phải “đi nhanh hơn, quyết liệt hơn”.

Thực tế, việc Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” chẳng khác nào bức tường thành án ngữ ngay trước mắt, gây ra quá nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Về yếu tố khách quan, thấy rằng năng lực khai thác thủy sản dù đã được cắt giảm theo lộ trình nhưng cường lực khai thác vẫn ở mức cao, sản lượng khai thác tăng, vượt quá khả năng tái tạo lại nguồn lợi.

Trong khi đó, giá xăng dầu không ngừng leo thang khiến các chủ tàu “méo mặt” thực sự. Quá trình kinh doanh không thuận lợi, tình trạng thu không bù chi tiếp diễn liên hồi buộc các chủ phương tiện phải cắt giảm nhân lực, giảm thiểu số chuyến để hạn chế tối đa rủi ro. Dù áp dụng đủ cách vẫn cam go, nhiều trường hợp không kham nổi đành bỏ của chạy lấy người, chấp nhận để những con tàu bạc tỷ nằm bờ hàng tháng trời.

Rào cản trong nhiệm vụ tháo gỡ thẻ vàng của EC đâu chỉ có thế, qua đánh giá, rà soát Tổng cục Thủy sản chỉ ra hàng loạt vấn đề tồn đọng khác, điển hình như: Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU chưa cao, đặc biệt là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối thiết bị VMS; hạ tầng nghề cá và nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ chống khai thác IUU còn hạn chế…

Từ nhu cầu cấp bách, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định ngành thủy sản, chính quyền địa phương cùng các bên liên quan phải đi sâu, bám sát, phải có kế hoạch bài bản để tháo gỡ các “điểm nghẽn” thay vì triển khai một cách chung chung, vừa tốn kém, mất thời gian, lại không kết tinh thành quả như ý. 

Giá trị ngành nghề thủy sản của Việt Nam phải được cải thiện để hướng đến những thị trường khó tính. Ảnh: Quốc Toản.

Giá trị ngành nghề thủy sản của Việt Nam phải được cải thiện để hướng đến những thị trường khó tính. Ảnh: Quốc Toản.

Thứ trưởng đưa ra dẫn chứng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển, theo lộ trình đến năm 2025 phải đạt chỉ tiêu 850 ngàn tấn, hiện tại đã đạt trên 700 ngàn tấn nhưng chủ yếu là nuôi lồng bè gần bờ, mật độ quá cao, kết hợp môi trường ô nhiễm làm gia tăng nguy cơ rủi ro:

"Chủ trương sẽ tạo điều kiện tối đa, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia để thúc đẩy giá trị toàn ngành. Muốn làm được, ngành thủy sản, chính quyền địa phương phải rà soát, tổng hợp chi tiết, kịp thời tham mưu có hiệu quả để sớm tháo gỡ những nút thắt, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Sẵn sàng vượt vũ môn

Theo định hướng của Bộ NN-PTNT, năm 2023 sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thực hiện quyết liệt Luật Thủy sản 2017. Có lộ trình cụ thể đối với từng lĩnh vực trong chỉ đạo sản xuất theo định hướng tại Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Đưa ra để thấy nhiệm vụ trước mắt hết sức nặng nề, tuy nhiên chúng ta có cơ sở để nghĩ đến chuyện vũ môn: “Thời điểm này ngành thủy sản đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Chính phủ, của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, do đó phải biết chắt chiu, nắm bắt thời cơ tiến tới tháo gỡ thẻ vàng của EC. Tương lai phải hướng đến những cái đích xa hơn, các sản phẩm thủy sản phải chinh phục được các thị trường khó tính nhất”.

Để hoàn thành không thể hô hào suông, ngược lại phải xắn tay vào việc với tinh thần, quyết tâm, trách nhiệm cao nhất: “Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định lấy dân làm chủ thể. "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", quá trình thực hiện cần đảm bảo khách quan, dân chủ trên tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Dân vận khéo, được lòng dân tất sẽ thu về thành công”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.