| Hotline: 0983.970.780

Gỡ thẻ vàng IUU - Mệnh lệnh vì lợi ích quốc gia

Không hình thức, đối phó

Thứ Ba 21/03/2023 , 22:54 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT cùng các Bộ, ban ngành và địa phương, bà con ngư dân cả nước đang nỗ lực triển khai '180 ngày hành động' chống khai thác vi phạm IUU. Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận vấn đề này tại nhiều địa phương trong cả nước.

LTS: Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Phải nhận thức rằng việc chống IUU không phải chỉ là hình thức, đối phó mà vì lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân, giữ hình ảnh đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, trong đó có bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển". Hiện, Bộ NN-PTNT cùng các Bộ, ban ngành và địa phương cùng bà con ngư dân đã nỗ lực triển khai “180 ngày hành động” chống khai thác vi phạm IUU. Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận vấn đề này tại nhiều địa phương trong cả nước.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Bình Định là 1 trong những tỉnh có lực lượng tàu cá lớn nhất nước với 5.963 chiếc, 41.934 lao động tham gia đánh bắt trên biển. Qua 5 năm triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hoạt động đánh bắt hải sản ở Bình Định đã dần đi vào quy củ.

Empty

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra công tác chống khai thác vi phạm IUU tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Do đặc thù của nghề cá Bình Định là tàu cá hay di chuyển ngư trường, nên Chi cục Thủy sản Bình Định thường xuyên tổ chức công tác lưu động định kỳ 2 tháng/lần để kiểm tra an toàn kỹ thuật cho các tàu cá Bình Định hoạt động ngoài tỉnh.

Công tác đánh dấu tàu cá được ngành chức năng thực hiện đúng quy định, triển khai cập nhật thông tin dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase đầy đủ. 100% tàu cá có chiều dài 15m trở lên hoạt động ở vùng khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bình Định cũng đã thành lập 3 tổ IUU tại 3 các cảng cá để kiểm tra tình hình tàu xuất nhập bến và xử lý vi phạm; nghiêm túc thực hiện xác nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản đánh bắt…

Để quản lý, khai thác và sử dụng thông tin hệ thống giám sát hành trình, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Định; quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu giám sát hành trình đối với tàu cá tỉnh Bình Định vượt ranh giới cho phép trên biển, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển; đồng thời, thực hiện phân quyền hệ thống giám sát hành trình tàu cá cho 14 tài khoản để theo dõi và phối hợp xử lý các vi phạm theo quy định.

Tổ chức trực hệ thống trạm bờ 24/24 để theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển; công bố số điện thoại đường dây nóng.

Bình Định chỉ đạo các Tổ IUU trong và ngoài tỉnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cập bến, xuất bến. Tăng cường kết nối thông tin với các tỉnh phía Nam, nơi có tàu cá Bình Định hoạt động để phối hợp quản lý tốt đội tàu cá “lưu vong” tại các cảng cá ở đây, tiếp nhận nhanh và kịp thời các vấn đề phát sinh để xử lý.

Empty

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công tác chống khai thác vi phạm IUU tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Còn ở Phú Yên, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sau 5 năm thực hiện các khuyến nghị, giải pháp về IUU, đến nay Phú cũng Yên đạt được nhiều kết quả đáng kể, một số nhiệm vụ thực hiện khá tốt.

Toàn Phú Yên có 641 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 97,86%. Hiện còn 14 tàu cá chưa lắp đặt đã được ngành chức năng đưa vào danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp để quản lý, kiên quyết không cho xuất bến khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

4 cảng cá chỉ định trên địa bàn thực hiện chặt chẽ công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời, cập cảng với hàng ngàn lượt tàu/năm; cũng như kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản Phú Yên thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương ven biển tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trên biển về khai thác bất hợp pháp. Đồng thời phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Cảnh Sát biển Vùng III, Vùng IV theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển qua hệ thống VMS, từ đó kịp thời trao đổi thông tin và xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá vi phạm.

Empty

Tàu cá của ngư dân Khánh Hòa thực hiện công tác báo cáo theo quy định. Ảnh: K.S.

“Nhờ đó từ năm 2019 đến nay không có tàu cá nào của tỉnh Phú Yên vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Công tác xác nhận, chứng nhận nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác đầy đủ, kịp thời, đúng quy định”, ông Phương chia sẻ.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng

Ở Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo IUU của tỉnh đã ban hành trên 245 văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về chống khai thác IUU đến với các chủ tàu, thuyền trưởng và cộng đồng ngư dân. Tất cả các tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa đã ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Đến nay, 100% tàu cá của Khánh Hòa đã đăng ký và cập nhật số liệu đầy đủ trên phần mềm Vnfishbase; 3.181 tàu (đạt 99,53%) đã thực hiện cấp phép khai thác thủy sản.

Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ở Khánh Hòa đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 98,7% (672/681 tàu). Đối với trạm giám sát tàu cá thuộc Chi cục Thủy sản đã được đầu tư trang bị hệ thống máy vi tính, màn hình cỡ lớn và bố trí cán bộ trực ban 24/7 theo dõi hoạt động khai thác của tàu cá trên biển, cũng như duy trì việc thông tin liên lạc với gia đình chủ phương tiện, thuyền viên. Từ đó, cơ quan chức năng nhắc nhở kịp thời các tàu cá trên địa bàn khi hoạt động tại các vùng giám ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Empty

98,7% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ở Khánh Hòa đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: K.S.

Các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh cũng đã thực hiện tốt công tác kiểm soát hoạt động của tàu cá và giám sát việc bốc dỡ, truy xuất nguồn gốc hải sản theo đúng quy định. Trong năm 2022, đã kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng lên cá cho 2.913 lượt. Việc xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản qua cảng trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện nghiêm cẩn.

Theo ông Nguyễn Đình Toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, theo các khuyến nghị của EC, tỉnh Quảng Nam cũng đã tăng cường việc thực hiện kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng, đồng thời phối hợp kiểm tra tàu cá và xử lý vi phạm, cập nhật số liệu giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia,...

Thực hiện nghiêm việc thu nhận nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải, quy trình tàu cá cập cảng, rời cảng đúng quy định; xác nhận nội dung tàu cá xuất bến, cập bến tại sổ danh bạ thuyền viên tàu cá đúng với thực tế hành trình tàu cá…

Còn theo đại điện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, với những giải pháp trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt, thời gian qua, tỉnh này đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định. Tỉnh này đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý theo tham vấn của EC, đặc biệt là xây dựng và triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017, xây dựng cơ sở dữ liệu tàu cá kết nối từ trung ương đến địa phương.

“Trong năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống IUU. Theo đó, Sở NN-PTNT đã tổ chức thực hiện 10 hội nghị tuyên truyền, phố biến giáo dục với hơn 650 người tham dự. Đồng thời biên soạn và in 6.000 tờ gấp về pháp luật thủy sản để cấp cho cảng cá, trạm kiểm soát biên phòng để phát đến ngư dân; tuyên truyền miệng, phá tờ rơi, tài liệu cho hơn 3.000 ngư dân thôn qua gặp gỡ trực tiếp và công tác kiểm tra tại cảng”, ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Giải cứu đồi mồi dứa nặng 6,2kg

Ngày 19/5, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang bàn giao 1 cá thể đồi mồi dứa (vích) cho Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.