| Hotline: 0983.970.780

Đặt mục tiêu gỡ 'thẻ vàng IUU' trong năm 2023

Thứ Năm 16/02/2023 , 17:46 (GMT+7)

Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vừa được ban hành với mục tiêu gỡ 'thẻ vàng IUU' trong năm 2023.

Empty

Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vừa được ban hành với mục tiêu gỡ “thẻ vàng IUU” trong năm 2023. Ảnh minh họa.

Nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 81 ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4.

Theo đó, kế hoạch hành động xác định ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU là trách nhiệm của mỗi quốc gia có biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh trên các vùng biển và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.

Quan điểm tổng quan của kế hoạch hành động là ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về mục tiêu, triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng IUU” trong năm 2023.

Bên cạnh đó, thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng IUU”.

Ngoài ra, mục tiêu thứ 3 là quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Empty

Kế hoạch hành động cho thấy cần khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương. Ảnh minh họa.

Hàng loạt nhiệm vụ

Để đạt được mục tiêu nêu trên, theo kế hoạch, đến tháng 5-2023, các Bộ, ngành và các địa phương liên quan cần thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Cụ thể, đến tháng 5/2023, cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.

Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý.

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS.

Đáng chú ý, cần khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh.

Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Về nhiệm vụ thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, từ nay đến tháng 5/2023 phải chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định…

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cấp cứu 2 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột

Sáng 5/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 20 trẻ mầm non, trong đó 2 cháu bé có biểu hiện ngộ độc.