| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: ‘Quảng Nam sẽ là tỉnh đi đầu về chống khai thác IUU’

Thứ Tư 19/06/2024 , 16:48 (GMT+7)

QUẢNG NAM Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tỉnh Quảng Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC để gỡ 'thẻ vàng' cho ngành thủy sản.

Ngày 19/6, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về công tác triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc chống khai thác IUU. Ảnh: L.K.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc chống khai thác IUU. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 2.116 tàu cá đã được đăng ký, trong đó có 843 tàu cá có chiều dài từ 6 đến dưới 12m; 631 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m; 602 tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và 40 tàu có chiều dài từ 24m trở lên. Tổng sản lượng khai thác thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 38.000 tấn.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền trực tiếp nhiệm vụ chống khai thác IUU đến tất cả các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tham gia khai thác thủy sản. Nhờ đó, ngư dân trong tỉnh đã từng bước thay đổi nhận thức, chấp hành các khuyến nghị của EC.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 99,1% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các tàu còn lại chưa lắp đặt do đang nằm bờ hoặc vừa mới mua lại từ ngoại tỉnh, đang trong thời gian sửa chữa, cải hoán. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và thực thi pháp luật. Nhiều tàu cá bị xử phạt đã tạo được sự răn đe để các chủ tàu khác chấp hành nghiêm các quy định.

Ông Võ Văn Long, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với vấn đề ngăn chặn tàu cá khai thác ở vùng biển nước ngoài, tỉnh có nhóm tàu cá làm nghề câu mực khơi có nguy cơ cao. Do đó, các ngành chức năng và địa phương liên quan đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tham gia khai thác thủy sản trên biển đúng quy định. Nhờ vậy, từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) tin tưởng Quảng Nam sẽ là tỉnh đi đầu trong cả nước về chống khai thác IUU. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) tin tưởng Quảng Nam sẽ là tỉnh đi đầu trong cả nước về chống khai thác IUU. Ảnh: L.K.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản của tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Do khu vực phía Bắc chưa có cảng cá chỉ định nên việc giám sát sản lượng hải sản khai thác qua cảng còn thấp so với tổng sản lượng hải sản khai thác trên toàn tỉnh. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bốc dỡ thủy sản khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đảm bảo.

Ngoài ra, tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển đối với các tàu làm nghề câu mực khơi vẫn còn. Tàu vi phạm giám sát hành trình trên biển khi về bờ mới xác minh nên tính chính xác không cao. Bên cạnh đó, có nhà cung cấp dịch vụ giám sát hành trình tàu cá không xác minh trực tiếp mà chỉ theo dõi trên hệ thống nên dễ dẫn đến tình trạng khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự”, ông Long nói.

Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành), ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) cho rằng, tuy tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ở tỉnh Quảng Nam đã đạt khá cao nhưng tỷ lệ duy trì kết nối vẫn còn rất thấp. Do đó, cần phải kiểm tra, rà soát lại xem những tàu này như thế nào, đang ở đâu?.

“Qua thống kê, số lượng tàu cá hoạt động vào các cảng ở Quảng Nam còn khá khiêm tốn, tỷ lệ sản lượng giám sát chỉ đạt 10,7%. Trong khi đó, EC rất quan tâm đến vấn đề này cũng như việc cấp giấy chứng nhận cho các mặt hàng thủy sản nên Quảng Nam cần tập trung kiểm tra, bổ sung thêm người cho cảng cá để hướng dẫn ngư dân phân loại cá, quản lý, giám sát việc bốc dở sản phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận trong khai báo sản lượng…”, ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, về khai thác IUU, hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối toàn diện. Tuy nhiên trong thực thi pháp luật, còn có những nội dung cần phải cố gắng, đó là quản lý đội tàu, giám sát đội tàu. Do đó, Bộ NN-PTNT đã đề nghị tỉnh Quảng Nam tập trung nguồn lực để giải quyết những tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).

“Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (SC) và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC), Quảng Nam đã thực hiện tương đối tốt. Thêm nữa, chúng tôi nhận thấy địa phương cũng thực hiện nghiêm túc trong xử lý các tàu cá vi phạm và đạt tỷ lệ cao nhất (40%) so với bình quân chung của cả nước (hơn 10%).

Có thể thấy thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có những chuyển biến rất tích cực. Nhưng để gỡ thẻ vàng thì chưa đạt yêu cầu, còn phải nỗ lực thêm. Chúng tôi tin tưởng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, thời gian tới, đặc biệt là trước khi EC vào thanh tra lần thứ 5, Quảng Nam sẽ là tỉnh đi đầu trong cả nước về gỡ thẻ vàng IUU”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Xem thêm
Nuôi tôm công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu

QUẢNG TRỊ Trong khi nuôi tôm truyền thống thường xuyên thất bát do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường thì những hộ nuôi tôm công nghệ cao vẫn ăn nên làm ra.

3 chiến lược giúp Vĩnh Hoàn ghi dấu ấn quốc tế trong lĩnh vực cá tra

Thương hiệu không chỉ đơn thuần là một cái tên hay logo, mà còn là cách mà sản phẩm cá tra được nhận diện và đón nhận nồng nhiệt trên thị trường.

Mong ngư dân vững tâm bám biển, ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Đó là tâm tư của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản gửi đến các tổ chức, cá nhân gặp biến cố từ đợt thiên tai, mưa bão mới đây.

Bình luận mới nhất