| Hotline: 0983.970.780

Bài toán gỗ nguyên liệu cho mục tiêu 20 tỷ USD

Thứ Tư 05/06/2019 , 15:15 (GMT+7)

Để đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ 18-20 tỷ USD vào năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ, ngành lâm nghiệp nói chung, chế biến gỗ nói riêng, có rất nhiều việc phải làm trong những năm tới.

Trong đó, việc phát triển nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước là một nội dung quan trọng cần phải đẩy mạnh ngay từ bây giờ.

Gỗ rừng trồng.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA), để đạt được mục tiêu 20 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào năm 2025, thì quy mô ngành gỗ Việt Nam phải tăng hơn gấp đôi so với hiện nay, đòi hỏi nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước phải tăng tương ứng, tức phải đạt khoảng 50-55 triệu m3 gỗ quy tròn vào năm 2025.

Năm 2016, theo số liệu thông kê rừng của Bộ NN-PTNT, Việt Nam có tổng diện tích rừng là 14,3 triệu ha, gồm 10,1 triệu ha rừng tự nhiên và 4,2 triệu ha rừng trồng.

Với trung bình thời gian khai thác gỗ từ cây trồng là 7 năm, thì hàng năm, khả năng cung ứng gỗ nguyên liệu trong nước chỉ đạt 26,9 triệu m3 gỗ quy tròn, mới đáp ứng được 53,8% so với nhu cầu chế biến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt giá trị 20 tỷ USD. Do đó, ngành nông nghiệp cần phải đưa vào quy hoạch phát triển thêm khoảng 2 triệu ha rừng trồng trong những năm tới.

Trong 4,2 triệu ha rừng trồng, có khoảng 1 triệu ha cây cao su, hơn 2 triệu ha là cây keo tràm, còn lại là các loài khác. 2 loại gỗ chủ yếu cho ngành chế biến gỗ là cao su và keo tràm. Trong khi cao su trồng tập trung ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, thì keo tràm trồng trên cả nước.

Chất lượng gỗ khai thác thực tế chưa cao và không đồng đều, bởi cây phân cành sớm, lõi đen, giác đầu, khai thác ngắn ngày nên có đường kính lớn thấp, do đó giá trị thấp so với các quốc gia trong khu vực cũng trồng nhiều cao su và keo tràm như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Sở dĩ chất lượng gỗ rừng trồng của Việt Nam, nhất là gỗ keo tràm, có chất lượng không cao, là vì cây keo tràm chủ yếu được trồng theo chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc nên khối lượng rất dồi dào nhưng lại không đồng nhất, chủ yếu là chất lượng thấp, tỷ lệ gỗ tràm bị hỏng trong quá trình chế biến là khá cao.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mặc dù khối lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất còn hạn chế. Như năm 2017, tổng sản lượng gỗ là 25 triệu m3 thì dăm mảnh xuất khẩu chiếm 11 triệu m3, gỗ bóc và các sản phẩm khác là 2,6 triệu m3; các loại ván công nghiệp là 1,7 triệu m3. Còn lại chỉ có hơn 2 triệu m3 cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu nội, ngoại thất. Do đó, đã làm giảm giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và kém cạnh tranh cho việc sử dụng gỗ rừng trồng trong nước.

Một điều đáng lưu tâm là theo chu kỳ khai thác của cây cao su, trong giai đoạn 2020-2025, sản lượng gỗ khai thác từ các vườn cao su sẽ giảm nhiều, nên sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước.

Vì thế, ngay từ bây giờ, ngành lâm nghiệp sẽ phải tính tới nguồn gỗ nguyên liệu thay thế cho lượng gỗ cao su khai thác bị sụt giảm trong mấy năm tới.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Những vấn đề nói trên đang đặt ra vấn đề về nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam, để nâng cao giá trị khai thác gỗ rừng trồng.

Ông Hiệp cho rằng, các viện, trung tâm nghiên cứu về giống cây lâm nghiệp, với sự hỗ trợ chính sách và đầu tư của nhà nước, cần phối hợp với các hiệp hội ngành gỗ để nghiên cứu, phát triển các giống cây lấy gỗ phù hợp, nhằm mang lại giá trị cao và bền vững cho lâm nghiệp Việt Nam.

Mặt khác, rừng trồng của Việt Nam, bên cạnh việc giao cho các cơ quan, tổ chức, còn giao cho các cá nhân, hộ gia đình quản lý và trồng rừng với diện tích khá lớn nhưng lại phân tán và quy mô nhỏ, thường khai thác gỗ ngắn ngày, qua đó làm giảm giá trị gỗ rừng trồng, cả về mặt chất lượng chế biến sản phẩm gỗ và giá trị kinh tế.

Vì thế, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ phát triển rừng bền vững, chính sách liên kết giữa chủ rừng và ngành chế biến gỗ. Đồng thời, các hiệp hội ngành gỗ, các doanh nghiệp cần tích cực và chủ động xây dựng các mô hình hợp tác, hỗ trợ và kết nối chặt chẽ với người trồng rừng để khai thác rừng trồng dài ngày và hiệu quả.

"Gỗ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ không bao giờ thiếu. Nếu nguồn gỗ nguyên liệu trong nước không đủ, các doanh nghiệp có thể nhập khẩu từ các nước khác.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ, thì phải gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước.

Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng là một tầm nhìn quốc gia và dài hạn cho sự phát triển bền vững và chủ động, không những cung ứng nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ với mục tiêu hướng đến là trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới, mà còn chủ động cung ứng nguồn nguyên liệu gỗ cho ngành sản xuất gỗ toàn cầu... Bên cạnh đó còn nâng cao đời sống cho hàng triệu lâm dân một cách bền vững, tạo dựng môi trường xanh và hình ảnh của một đất nước xinh đẹp, hài hòa". - Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA.

"Một số giống keo đang có nguy cơ giảm về năng suất và chất lượng vì nguồn giống đang trong quá trình bị thoái hóa do việc cung cấp cây giống chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu nâng cao được năng suất và chất lượng rừng trồng.

Vì vậy, rất cần thiết có kế hoạch đầu tư dài hạn, liên tục để nghiên cứu bổ sung thêm một số giống cây trồng nhằm cung cấp gỗ lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ có chất lượng.

Thị trường thế giới hiện nay có nhu cầu sử dụng gỗ teak, gỗ xoan đào, xoan ta để sản xuất sản phẩm gỗ nên cần có những nghiên cứu và chính sách phù hợp để phát triển trồng rừng những loài cây này.

Chủ trương chuyển đổi rừng kinh doanh gỗ nhỏ bằng rừng trồng gỗ lớn đã được ban hành và là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc triển khai còn rất hạn chế.

Đặc biệt, còn thiếu các hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi trồng gỗ lớn, thiếu vốn đầu tư theo chu kỳ kinh doanh dài ngày, rủi ro hơn". - Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.