| Hotline: 0983.970.780

Gồng mình cứu lúa

Thứ Hai 24/08/2015 , 07:25 (GMT+7)

Tiếng máy nổ xình xịch, mùi dầu khét lẹt, khói mù mịt... 2h sáng, trên cầu Đại Diệu chật nêm người, đường làng vẫn nhộn nhịp. 

Bí thư, xóm trưởng cùng người dân lội xuống kênh Nguyễn Văn Trỗi bì bõm vớt bèo khơi thông dòng chảy...

Mải miết 1 tuần cứu lúa, đã chi gần 100 triệu đồng chưa kể sức người nhưng trên 170 ha lúa của xã Hưng Yên Bắc (huyện Hưng Nguyên) vẫn chỉ sống ngắc ngoải. Hạn hán cục bộ khiến hàng trăm ha lúa trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nguy cơ mất trắng.

Vụ HT - mùa 2015, xã Hưng Yên Bắc gieo trồng 340 ha lúa. Trong đó, 170 ha tưới bằng nguồn nước tự chảy từ hồ Khe Ngang. Thế nhưng, gần 1 năm nay, trên lượng mưa không đáng kể, nắng hạn kéo dài khiến lòng hồ trơ đáy, mương dẫn nước đến các cánh đồng lúa khô trắng, dưới đáy bóc lên từng lớp vỏ.

Lúa đang thời kỳ làm đòng gặp lúc nắng hạn, thiếu nước tưới đã héo queo, héo quắt; chân ruộng nứt nẻ, bờ vùng bờ thửa trắng trơn, nhiều thửa đã chỉ còn lại đất trắng…

Dẫn chúng tôi đi xem cánh đồng 6 ha của xóm, ông Phan Bá Tứu, xóm trưởng xóm 2b ngán ngẩm: “Từ năm 2005-2015, chưa năm nào hạn hán khốc liệt như năm nay. Nhiều tháng liền, mưa chưa đủ để thấm đất, hồ Khe Ngang trơ đáy… Người dân ở đây sống chỉ bằng cây lúa, không có ngành nghề dịch vụ gì nên đầu tư, chăm bẵm tốt lắm.

Vì thế, Hưng Yên Bắc thuộc xã có năng suất bình quân vào tốp cao của huyện. Nhưng người tính không bằng trời tính, nguồn nước tự chảy cạn kiệt; hệ thống kênh mương thủy nông không tới chân ruộng. Cả xóm mất trắng vụ này là cái chắc”.

Hộ ông Trần Ngọc Tương gieo trồng 7 sào lúa (3.500 m2). Thay vì chờ đến ngày thu hoạch thì nay vợ chồng ông lại cắt về cho bò ăn. “Không hiểu sao năm nay ở đây ít mưa đến thế. Xóm này đầu nguồn nước tự chảy nhưng cũng chỉ đủ nước để gieo cấy. Đến thời kỳ cần nước dưỡng cho lúa thì hồ không còn giọt nước.

22-35-03_2
Cánh đồng khô trắng, lúa đã được nông dân cắt về cho trâu bò ăn

Ngày nào nhà tôi cũng ra đồng cắt lúa về cho bò ăn. Xót ruột lắm nhưng biết làm thế nào, để thế thì lúa héo hắt, xã đang bơm nước từ xã bên nhưng không có hi vọng đưa nước lên được vùng này…”, ông Tương xót xa.

Trời nắng chang chang, ngột ngạt nhưng không nóng bằng không khí chống hạn của người dân Hưng Yên Bắc. Giữa trưa nắng như đổ lửa nhưng hàng trăm con người vẫn tập trung trên cầu Đại Diệu để ngóng nước về.

Đợt tưới cuối cùng lấy nước từ đập Khe Ngang đã cách đây gần 1 tháng, chỉ đủ để lúa thúc đòng. Sau đó, hồ nước cạn kiệt, nước tưới không có, cánh đồng lúa chết dần trong nắng gió.

Ngày 13/8, tình trạng đã trở nên cấp bách, UBND xã huy động mọi lực lượng tập trung chống hạn cho hơn 170 ha lúa. Trừ những cuộc họp cấp bách còn lại đều phải hoãn. Trụ sở UBND xã chỉ còn bộ phận văn phòng ở lại trực. Chủ tịch, bí thư… tất tần tật đều tập trung ra đồng. Nhiệm vụ chống hạn gặp muôn vàn khó khăn với việc ngăn dòng, buộc con nước chảy ngược từ Hưng Trung qua kênh đào Nguyễn Văn Trỗi lên các cánh đồng.

Từ nhiều năm nay, kênh đào Nguyễn Văn Trỗi chảy từ xã Hưng Yên Bắc về Hưng Trung đã bị nghẽn dòng. UBND xã Hưng Yên Bắc đã phải thuê máy nạo vét, vớt bèo nhiều ngày liền khơi thông dòng chảy. Trên 1 km kênh mương, hàng chục cầu cống được đào, lắp vội.

Cùng với máy hút của xã, UBND xã Hưng Yên Nam còn mượn thêm 2 máy hút chạy bằng dầu, công suất 320 m3 nước/giờ. Chỉ tính riêng tiền thuê máy, chi phí tiền điện thuê hút nước từ xã Hưng Trung đổ lên kênh Nguyễn Văn Trỗi đã ngốn mất gần 11 triệu đồng/ngày. Đến ngày 16/8 thì sức cùng lực kiệt, số diện tích được thấm nước cũng chưa đến 10 ha.

Đến ngày 17/8, được UBND huyện Hưng Nguyên tiếp sức, UBND xã Hưng Trung tiếp tục huy động lực lượng ra dòng kênh khơi thông dòng chảy. Xã đã huy động được 6 máy bơm từ các địa phương lân cận về bơm nước cứu lúa nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.

22-35-03_3
Nỗ lực bơm nước chống hạn, cứu lúa

Ông Nguyễn Tú Sáu, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết, đợt nắng nóng kéo dài đã khiến 40 ha chanh tại địa phương chết trắng. Cùng với việc giá chanh thời điểm này chỉ bằng 1/3 năm trước và khả năng mất mùa lúa hiện hữu, năm nay cuộc sống của người dân Hưng Yên Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Những cánh đồng lúa nằm ở thượng nguồn Khe Ngang, tức hạ nguồn dòng nước chảy ngược kênh Nguyễn Văn Trỗi vẫn trắng trơn, chân ruộng nứt nẻ. Nhiều gia đình quá thất vọng đã ra đồng cắt về cho trâu bò ăn. Những hộ đón được nưới tưới cũng chẳng mấy hi vọng: “Năng suất vụ này chắc chỉ tầm 50 - 60 kg/sào thôi chú. Thôi thì được hạt nào, hay hạt ấy”, một lão nông than sầu.

Theo tìm hiểu của PV, tại xã Hưng Yên Nam, hơn 100 ha lúa của xã này đang đứng trước nguy cơ mất trắng do thiếu nước tưới.

Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “Do thiếu nước, vụ này toàn huyện chỉ gieo cấy được 4.750 ha/5.500 ha kế hoạch. Có những xã như Hưng Thịnh chỉ gieo cấy được 15%, Hưng Lợi là 30% diện tích. Do hạn, lúa trổ không đều nên thời gian gặt dự kiến sẽ kéo dài kỷ lục (khoảng từ 15/8 đến 20/10).

Hiện một số xã thuận lợi nguồn nước từ sông Lam đã bắt đầu thu hoạch và những vùng này cơ bản được mùa, năng suất đạt từ 55 -60 tạ/ha. Trong khi đó, những xã vùng cao, nguồn nước tưới trông chờ vào các hồ đập thì có trà mới kết thúc đẻ nhánh, trổ bông, một số diện tích đứng trước nguy cơ mất trắng”.

Không chỉ ở Hưng Nguyên, một số địa phương khác tại Nghệ An, các hồ đập cũng đang ở mực nước chết. Thiếu nước tưới, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Đô Lương hiện có khoảng 400 ha có khả năng mất trắng, tập trung ở các xã Bài Sơn (100 ha), Đại Sơn (70 ha), Mỹ Sơn (50 ha).... Trước tình hình này, UBND huyện Đô Lương đã cấp kinh phí 500 triệu đồng cho các địa phương tổ chức bơm nước từ hệ thống sông Khuôn chống hạn nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể.

Còn tại huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, chính quyền địa phương đang tập trung bơm tưới cho 300 ha lúa. Theo đại diện Phòng NN-PTNT Anh Sơn, công tác chống hạn đang được tích cực triển khai nhưng hiệu quả không như mong đợi, lượng nước tưới tại các trà lúa phụ thuộc vào hồ đập đang rất hạn chế...

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm