| Hotline: 0983.970.780

Vì sao công nghệ giáo dục gây tranh cãi?

Thứ Bảy 22/09/2018 , 09:30 (GMT+7)

Dù cố tình thờ ơ, thì hầu như ai cũng biết câu chuyện gây sóng gió dư luận ngay dịp khai giảng năm học 2018-2019 chính là bộ sách Tiếng Việt lớp 1 được biên soạn theo công nghệ giáo dục.

Ý thức khoa học cải tiến hay… cải lùi luôn đáng ủng hộ, quan niệm giáo dục chiều sâu hay chiều rộng cũng không đáng chê trách. Sáng tạo và phản biện luôn đồng hành cuộc sống, nâng đỡ cuộc sống hoặc xoa dịu cuộc sống. Trường hợp GS Hồ Ngọc Đại không nằm ngoài quy luật ấy. Là con rể của một nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn, ông Hồ Ngọc Đại có thể nắm lấy cơ hội vinh thân phì gia bằng cách tham gia quan trường. Thế nhưng, ông Hồ Ngọc Đại lại chọn cách đầu tư cuộc đời mình vào công nghệ giáo dục.

Từ năm 1978 đến nay, 40 năm ròng rã, ông Hồ Ngọc Đại muốn xây dưng mô hình truyền thụ kiến thức sinh động hơn, thuyết phục hơn. Ông đã từng thành công với biên độ nhỏ là Trường Thực nghiệm tại Hà Nội. Tuy nhiên, khi nhân rộng phương pháp ấy ra toàn quốc thì phải chấp nhận những phản ứng trái chiều.

14-37-21_gs_ho_ngoc_di
GS Hồ Ngọc Đại

Vì sách Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục được in ấn và phát hành song song vào trường tiểu học, nên dễ dàng hình thành… thuyết âm mưu. Sự ồn ào được vài người lý giải là do có kẻ xúi “đánh” ông Hồ Ngọc Đại để tiếp tục độc quyền sách giáo khoa. Đúng là sách giáo khoa nhiều năm qua vẫn chỉ do NXB Giáo Dục một mình một chợ cung cấp với số lượng lớn. Và điều đáng băn khoăn là chính những nhà giáo dục lại bắt buộc các em học sinh viết thẳng vào sách giáo khoa nhằm… vứt bỏ những cuốn sách đã qua sử dụng. Mỗi năm, hàng ngàn tỷ đồng phải chi ra cho sách giáo khoa. Đấy là sự lãng phí khủng khiếp. Sách giáo khoa phải có sự ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, và học trò lớp sau có thể dùng lại sách của học trò lớp trước. Đằng này, mỗi năm lại in một bộ sách khác để móc túi phụ huynh thì nền giáo dục hơi nghiêng về phía tiểu xảo kinh tế.

Trong bối cảnh ấy, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục lại xuất hiện, như một đối thủ cạnh tranh trên thị trường sách giáo khoa. Miếng bánh lợi ích sách giáo khoa lớp 1 đang được chia lại một cách bí mật chăng? Không, quan trọng hơn là nhiều bậc phụ huynh ngỡ ngàng vì nội dung của bộ sách Tiếng Việt lớp 1, nên họ bày tỏ sự bất bình.

Liệu công nghệ giáo dục có thể đem lại chuyển biến khác biệt, nằm ngoài tiên liệu của đám đông chăng? Không né tránh, nhưng ông Hồ Ngọc Đại trình bày công trình hao tâm khổ tứ của bản thân: “Ngay từ hồi bên Liên Xô, tôi đã đinh ninh: nền giáo dục cũ sẽ thất bại, phải thay bằng một nền giáo dục mới… Chúng ta hay theo những phương châm cũ: noi gương người đi trước, phấn đấu theo người này, người kia. Tôi không chấp nhận. Nền giáo dục phải tạo ra mỗi người là chính họ, riêng biệt, không giống ai. Chúng ta đã có một nền giáo dục nhiều ảo tưởng. Nếu trước đây chỉ có 5% người dân đi học, 95% người đi làm, thì giờ đây, 100% trẻ đến trường. Trẻ em đi học phải vui vẻ, hạnh phúc. Không thể lấy gương người này để áp đặt cho người kia. giáo dục không thể tạo sự phục tùng, thay vào đó phải là sự tôn trọng, nam nữ bình quyền”.

Theo chia sẻ của GS Hồ Ngọc Đại, thì công nghệ giáo dục đến với ông từ những năm ông du học bên Liên Xô. Ông đã nghiên cứu về triết lý giáo dục các quốc gia tiến bộ, để mong đưa ra một triết lý giáo dục cho người Việt Nam. Sau này về nước, tất cả các giải pháp giáo dục ông đưa ra đều có cơ sở bền vững là triết học và tâm lý học, triết lý học là định hướng, tâm lý học là thực thi. Và ông Hồ Ngọc Đại tin rằng, mình có thể giải quyết các vấn đề của giáo dục một cách mạch lạc.

Không ai phủ nhận tâm huyết của ông Hồ Ngọc Đại. Thế nhưng, ước mơ và hành động không phải lúc nào cũng gặp nhau ở đích đến. Giữa lý thuyết và thực tế luôn có khoảng cách rất khó đoán định. Ưu điểm phải trân trọng ở ông Hồ Ngọc Đại là dám nghĩ, dám làm, dám chịu. Nếu bộ sách Tiếng Việt lớp 1 chỉ được in ở dạng thử nghiệm và bày bán ở quầy sách tham khảo, thì đã không có gì ầm ĩ. Đưa một công nghệ giáo dục vào trường học, cho lưu hành song song hai bộ sách thì lại là chuyện khác. Trách nhiệm ấy dường như nằm ngoài khả năng hồi đáp của ông Hồ Ngọc Đại.

14-37-21_cong_nghe_gio_duc

Đại điện Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT cho rằng: Dư luận có nhiều ý kiến về cách đánh vần trong tài liệu này. Theo chúng tôi đây là vấn đề hết sức bình thường. Cách tiếp cận và dạy khác nhau nhưng vẫn cùng mục đích là để học sinh biết đọc, biết viết. Chúng ta chấp nhận nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, nhiều cách tiếp cận để giáo viên được quyền lựa chọn phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh của mình trên từng môn học, từng cấp học.

Chất lượng của bộ sách Tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục vẫn còn là ẩn số lâu dài. Nhà ngôn ngữ học Trần Chút nhiều năm giảng dạy tại ĐH KHXH-NV TPHCM và từng giữ vai trò cầm trịch Hội Nghiên cứu Ngôn ngữ TPHCM phân tích, việc triển khai rộng rãi tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục song song với sách giáo khoa hiện hành là vi phạm Nghị quyết 40 năm 2000 của Quốc hội (Nghị quyết về Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông) về quy định một chương trình và một sách giáo khoa.

Đến nay, bộ sách của ông Hồ Ngọc Đại vẫn ghi là “Tài liệu thí điểm” mà thực tế đã triển khai rộng rãi trên phạm vi 49 tỉnh thành. Phương pháp dạy học của sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục cũng không đúng với tinh thần Luật Giáo dục. Theo tác giả sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục, chỉ có giáo viên mới dạy được cho học sinh theo sách ấy, phụ huynh học sinh hay bất kỳ ai khác dù có học vấn ra sao cũng không thể dạy được. Như vậy là tách rời giáo dục nhà trường với giao dục gia đình và giáo dục xã hội, trái với tinh thần của Luật Giáo dục hiện hành. Giáo dục không thể là một công nghệ. Công nghệ tạo hàng loạt sản phẩm như nhau, còn giáo dục là đào tạo con người. Học sinh lớp 1 cần học tiếng Việt dưới dạng viết, làm sao để các cháu viết đúng chính tả. Sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục thiên về ngữ âm học, dễ gây ấn tượng dạy dỗ các cháu trở thành nhà ngôn ngữ học.

(Kiến thức gia đình số 38)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.