GS.TS Nguyễn Văn Song |
Can thiệp sâu dễ bị méo mó
Ông nhận định ra sao về thị trường đất hiện nay?
Trong kinh tế có ba đầu vào quan trọng là lao động, vốn và đất đai. Theo tôi thị trường vốn hiện nay ổn, thị trường lao động tương đối ổn nhưng riêng thị trường đất đai là chưa ổn. Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề đó là thị trường thì phải được minh bạch về giá cả, về lượng trao đổi; là người sản xuất mới được quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý nên thị trường đất đai hiện nay mới là sự trao đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng, chuyển nhượng giá trị tài sản trên đất chứ không phải chuyển quyền sở hữu…
Muốn bán một thứ gì phải có quyền sở hữu nó và giá cả phải do thị trường định đoạt chứ không phải do chính quyền hay một cơ quan nào đó quyết định. Khi một bộ phận nào đó can thiệp vào giá cả của thị trường đầu vào, hay đầu ra đều dẫn đến sự méo mó giá cả, méo mó thị trường và phi hiệu quả. Nhưng hiện nay ở ta chưa hình thành được những yếu tố đó, đặc biệt là thị trường “chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất”. Bởi thế cho nên những vấn đề xảy ra trong việc tập trung, tích tụ đất đai làm nông nghiệp không riêng gì ở Hà Nam hay Thái Bình mà còn ở nhiều tỉnh thành đều liên quan đến vấn đề thị trường không rõ ràng, không minh bạch. Quyền sở hữu thì còn xa mới nói tới, mà quyền “bán” hoặc “cho thuê” quyền sử dụng và tài sản trên đất cũng chưa rõ ràng, minh bạch.
Có rất nhiều đối tượng có quyền sử dụng đất hiện nay trên một không gian đất nào đó. Có đối tượng sinh kế hoàn toàn dựa vào đất không thể rời xa được nhưng lại có đối tượng thu nhập lại không từ đất. Muốn có một miếng đất lớn để tích tụ, phát triển sản xuất phải thỏa mãn rất nhiều thành phần, đối tượng với nhiều lợi ích khác nhau...
“Giá đất” hiện nay ở mình không sát với “giá” thị trường. Nếu căn cứ giá quy định (thường là thấp hơn và đi sau so với thị trường rất nhiều) để đền bù hay thuê thì không được sự chấp thuận của người dân. Để quá trình trao đổi này được dễ dàng, không có lợi ích của “bên thứ 3” nào đó phải căn cứ vào các yếu tố hình thành giá chuyển nhượng như sau: 1/ Quyền hợp pháp đối với đất đai; 2/ Thông tin về sử dụng đất trong khu vực; 3/ Thuế và thông tin về thuế; 4/ Đặc điểm tự nhiên của đất (chất lượng đất, vị trí miếng đất tới thị trường); 5/ Kích cỡ, hình dạng, góc của khu đất, lịch sử của miếng đất; 6/ Giá trị gia tăng của đất và sự cải thiện đất (sau quá trình canh tác nhiều năm đã qua); 7/ Vị trí, hướng đất và các yếu tố tâm linh khác; 8/ Vai trò của miếng đất đối với sinh kế bắt buộc của người có quyền sử dụng.
Một số nơi như Đài Loan và các nước tư bản khác trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp rất dễ bởi họ chấp nhận sở hữu đất tư nhân. Giá cả rõ ràng, những ai cần thì đến mua trực tiếp đất của nông dân, không cần qua thông qua chính quyền. Thậm chí những cuộc cải cách ruộng đất trước kia của họ được thực hiện theo kiểu nhà nước bỏ tiền ra mua đất của dân theo giá thị trường.
Cơ chế thị trường có cái hay là loại trừ những người làm ăn yếu kém chỉ để lại những người làm ăn hiệu quả. Tất nhiên kinh tế thị trường cũng có nhiều nhược điểm như độc quyền, phân hóa giàu nghèo… đòi hỏi sự can thiệp đúng của chính phủ. Nếu áp “giá đất” thỏa mãn 8 yếu tố tôi nêu trên, hoặc sát “giá” thị trường nông dân sẽ đồng tình, mâu thuẫn sẽ tiêu tan, sẽ huy động được nguồn lực của cả xã hội, đất đai sử dụng sẽ hiệu quả đã đành mà nhà nước còn thu thêm được thuế trong các giao dịch chính thống này.
Thị trường có những chỉ dấu gì thưa ông?
Thị trường chỉ có thể hoạt động tốt nếu thỏa mãn: 1/ Có nhiều người mua, nhiều người bán; 2/ Thông tin giá cả, quyền chuyển nhượng, lượng, chất lượng… của đất phải minh bạch; 3/ Ít hoặc không có rào cản cho sự tham gia hoặc rút ra khỏi thị trường. Ở ta nhiều loại thị trường chưa thỏa mãn được các yếu tố đó đặc biệt là thị trường đất. Chính vì vậy gây nên nhiều khó khăn trong việc tập trung, tích tụ đất.
Người dân làm thuê trong một khu đất được tập trung |
Trong trường hợp cụ thể ở Hà Nam, cách mà Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch UBND huyện ở Lý Nhân đứng ra ký thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê bằng đúng giá đã đi thuê là không đúng bởi vì họ chưa tính hết được các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị của miếng đất mà người nông dân đang có quyền sử dụng cũng như tài sản trên miếng đất đó. Chính quyền cắt nước không cho dân cấy tiếp, cấm không cho máy móc xuống đồng tôi cũng không đồng ý vì nó áp chế quá.
"Tôi không khuyến khích tất cả các loại đất đều là sở hữu tư nhân nhưng phải có đa sở hữu, đất công thuộc nhà nước khi cần cho mục đích công cộng thì lấy ra dễ dàng, đất tư khi mua bán chuyển nhượng thì theo giá thị trường. Nếu có đa thành phần sở hữu đất thì các nguồn lực sẽ được phân bổ hiệu quả hơn". GS.TS Nguyễn Văn Song |
Cách nữa là chính quyền gián tiếp đứng ra giúp doanh nghiệp tích tụ đất cho Vinamilk ở xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm theo tôi cũng không được ổn. Tôi chỉ thấy cách cuối cùng, các trang trại, các cá nhân tự dồn đổi cho nhau đó chính là thị trường tự vận động. Tuy nhiên nó có một nhược điểm là chậm, là quy mô và hàm lượng khoa học công nghệ đưa vào sẽ kém hơn so với các doanh nghiệp lớn đã đầu tư.
Kiện tụng vì bất tuân theo thị trường
Thu hồi vĩnh viễn đất thì có khung giá của nhà nước nhưng thuê đất lại chưa có khung giá, ông nghĩ sao về bất cập này?
Chuyện nhà nước thu hồi đất áp theo khung giá nhưng giá ấy cũng không cập nhật theo thị trường đã dẫn đến kiện tụng ở nhiều nơi do chưa tính hết được các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị của miếng đất mà người dân đang có quyền sử dụng.
Còn chuyện chính quyền đứng ra chỉ định giá thuê đất như Hà Nam là 150kg ngô/sào/năm cũng không đúng mà phải thông qua thỏa thuận với dân vì giá trị sử dụng mỗi sào đất khác nhau đối với mỗi hộ dân chưa nói có hộ chỉ hoàn toàn sống dựa vào mảnh đất đó. Chính quyền không thể biểu quyết cho chuyện này được. Không thể có một khung giá chung mà áp vào rồi nói là tích tụ. Tích tụ như vậy không theo cơ chế thị trường sẽ dẫn tới phi hiệu quả, bức xúc trong dân và trục lợi từ cách làm này.
Nếu thỏa thuận như ông nói, ví dụ 150ha như Vinamilk định tích tụ ở xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm, Hà Nam) phải đụng chạm tới 850 sổ đỏ của 592 hộ thì giải quyết ra sao?
Doanh nghiệp phải đi từng nhà, gặp từng chủ hộ để thỏa thuận thuê từng miếng đất chứ không thể thông qua chính quyền, dựa vào chính quyền được. Người dân hơn ai hết biết rõ lợi ích ngắn hạn và dài hạn của mảnh đất mình đang có nên doanh nghiệp muốn thuê phải thỏa thuận cụ thể với họ chứ không phải với chính quyền. Mỗi miếng đất có giá trị khác nhau và mỗi gia đình có một sinh kế khác nhau trên mỗi mảnh đất. Trong quá trình doanh nghiệp đi thỏa thuận, tự động sẽ hình thành nên một khung giá chung cho vùng đất đó. Khi đã cập nhật được khung giá chung sẽ rất dễ mua hay thuê được đất của dân. Còn nếu ép buộc và không theo cơ chế thị trường sẽ không thành công dưới góc độ kinh tế, xã hội và các góc độ khác.
Thực tế ở xã Thanh Nguyên có nhiều nông dân muốn cho doanh nghiệp thuê đất bởi lẽ mức thuê 42 triệu/sào/40 năm gần bằng giá bán trắng đất đi (khoảng trên 60 triệu/sào). Ông đánh giá ra sao về chuyện đó?
Nếu chính quyền đứng ra tuyên truyền, đàm phán hộ doanh nghiệp thuê đất sẽ dễ nảy sinh tiêu cực bởi họ đã can thiệp quá sâu vào chuyện đó. Tỉnh có quy hoạch tích tụ đất đai hãy giới thiệu các doanh nghiệp muốn đầu tư vào vùng đó với dân, hãy để họ đi đàm phán, mặc cả cụ thể với dân. Chính quyền chỉ đứng ra làm trung gian đảm bảo về mặt pháp lý cho các bên chứ không nên làm thay việc của doanh nghiệp bởi nó sẽ sinh ra tiêu cực.
Xin cảm ơn ông!
Một số doanh nghiệp lớn đang tích tụ đất nông nghiệp bằng cách thuê đất của các nông trường thì sao? Quyền sử dụng đất trước kia là của các nông trường còn người dân chỉ được nhận giao khoán đất mà thôi. Nhưng thực tế dân lại hiểu đất đó là đất của họ được quyền sử dụng nên vẫn phải đàm phán với từng hộ được giao khoán vì giá trị của các mảnh đất mà những công nhân nông trường trước đây được giao khoán hiện đã rất khác lúc giao và rất khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi tích tụ đất theo cách này sẽ dễ hơn thuê đất trực tiếp của nông dân bởi dù gì trên giấy tờ nông trường vẫn nắm quyền sử dụng đất còn công nhân chỉ là người sử dụng lâu dài. Vấn đề là giá cả đền bù thế nào mà thôi. |