Gương mặt tài hoa Vũ Từ Trang (20/7/1948 - 14/7/2020, quê quán Từ Sơn, Bắc Ninh) không xa lạ với công chúng văn chương. Lúc sinh thời, Vũ Từ Trang tử tế và chân thành “Bạn đã xa, nhà đã bán/ Đời người còn một nhúm xương thôi/ Công danh tiền bạc nhòe sương khói/ Cửa đóng mình tôi đứng gọi tôi” nên rất đông đồng nghiệp đã tham dự hội thảo “Nhớ người và đọc văn Vũ Từ Trang”.
Các nhà văn, nhà thơ cùng thời như Vũ Quần Phương, Mã Giang Lân, Trần Đăng Khoa, Phạm Khải, Nguyễn Thanh Kim, Hoàng Việt Hằng… đều khẳng định sự miệt mài và sự đam mê của gương mặt tài hoa Vũ Từ Trang trong đời sống văn chương nước nhà.
Mặc dù vun đắp được nền tảng kinh tế gia đình khá vững vàng, nhưng nhà thơ Vũ Từ Trang trong văn chương lại không có hai yếu tố cần thiết của một người làm doanh nghiệp là ý thức thị trường và phương pháp tiếp thị.
Thứ nhất, về ý thức thị trường. Nhà thơ Vũ Từ Trang viết thể loại chân dung nhân vật rất giỏi, nhưng anh chẳng mấy khi viết về các nhân vật đang nằm trong tầm ngắm của công chúng. Ông dụng công viết về những nhân vật bị chìm khuất hơn, bị nhạt nhòa hơn như Nguyễn Địch Dũng, Lê Bầu, Phan Xuân Hạt, Nguyễn Ngọc Ly, Phương Thúy… Nghĩa là ông không chạy theo thị hiếu đám đông, và cũng không cầu mong được thụ hưởng chút ánh sáng hào quang nào hắt lại từ phía nhân vật.
Xin nêu một ví dụ. Nhà thơ Vũ Từ Trang bay từ Hà Nội vào TP.HCM và lặn lội xuống miền Đông Nam bộ để viết về Nguyễn Thị Hoài Thanh, một nữ sĩ làm thơ ở Hải Phòng cùng thời với Thanh Tùng, Thi Hoàng, Đào Cảng đã rời thành phố cảng di cư vào Long Khánh, Đồng Nai nhiều năm, và gần như đã bị lãng quên.
Thứ hai, về phương pháp tiếp thị. Nhà thơ Vũ Từ Trang có nhiều tác phẩm có giá trị ở nhiều thể loại, nhưng ông luôn thu mình lại, đứng bên lề những chộn rộn ganh đua giải thưởng và danh hiệu. Nghĩa là ông chấp nhận hữu xạ tự nhiên hương, không hề có một động thái nào để quảng bá tác phẩm của mình, kể cả cách thô sơ nhất như những người bán dạo rao hàng để đánh động người khác.
Mặc dù không có ý thức thị trường và phương pháp tiếp thị, nhưng những mặt hàng văn chương của nhà thơ Vũ Từ Trang vẫn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong bốn thể loại mà nhà thơ Vũ Từ Trang tận tụy đóng góp như một gương mặt tài hoa Kinh Bắc, thì độc giả và đồng nghiệp dường như chỉ mới quan tâm đến thơ, chân dung nhân vật và tiểu thuyết, mà ít khi đề cập đến một thành tựu quan trọng khác của ông là những trang viết về nghề cổ Việt Nam.
Nhờ có thời gian làm phóng viên báo Tiểu Công Nghiệp, Thủ Công Nghiệp mà nhà thơ Vũ Từ Trang có dịp khảo cứu các nghề cổ của người Việt một cách tỉ mỉ. Với các cuốn sách “Nghề đẹp tỉnh Bắc”, “Nghề lạ vùng cao” và đặc biệt là “Nghề cổ đất Việt từ truyền thống đến hiện đại”, ông đã phác họa tương đối đầy đủ diện mạo những làng nghề đã làm nên đời sống vật chất và đời sống tinh thần của tổ tiên chúng ta.
Không thể nói khác, các cuốn sách về nghề cổ của nhà thơ Vũ Từ Trang là những công trình văn hóa, như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá: “Việc những nhà văn hóa viết về làng nghề và nghề thủ công đã là quý lắm, bởi họ có ý thức giữ gìn truyền thống trong khả năng có thể. Mỗi bài viết là một chuyên khảo nghiên cứu công phu từ địa lý làng nghề, tổ nghề và thời điểm xuất phát, nghi lễ tín ngưỡng cho làng nghề, sự truyền nghề và những đặc điểm kỹ thuật và sản phẩm của nghề. Cấu trúc của từng bài khác nhau, nhưng vấn đề nội dung tương đối chung nhất, từng mục nông sâu do khả năng khai thác của tác giả và tư liệu để lại, do đó mà từng bài lại không có mẫu nào chung nhất. Mặt khác vốn là nhà thơ, nên Vũ Từ Trang chú trong nhiều đến khía cạnh văn hóa của làng nghề”.
Những trang viết về nghề cổ của nhà thơ Vũ Từ Trang được chăm chút từ mấy chục năm trước, đến bây giờ càng trở nên lấp lánh. Khi cộng đồng hôm nay sốt ruột khôi phục văn hóa bản địa và xây dựng nông thôn mới, thì chúng ta mới vỡ lẽ rằng, nhà thơ Vũ Từ Trang từ lâu đã âm thầm gìn giữ và trân trọng những điều ấy. Nhà thơ Vũ Từ Trang đã đi trước chúng ta về tinh thần bảo tồn và phát huy nghề cổ Việt Nam. Thậm chí, ông còn cảnh tỉnh: “Làng gốm không còn làm gốm/ thợ gốm đi tráng bánh đa/ lò gốm bỏ quên không khói/ đang tay người đập xây nhà”.
Sở dĩ, nhà thơ Vũ Từ Trang có những công trình nghiên cứu nghề cổ có sức thuyết phục, vì ông có trái tim thi sĩ. Nghề dệt trong mắt ông thật xao xuyến: “Thâm trầm dáng núi/ âm vang tiếng rừng/ đám mây trời lững thững/ xà ngang khung dệt em/ Dệt đẹp hình chòm bản/ dệt tốt rẫy tốt nương/ dệt lòng em mong đợi/ đau đáu vành trăng nghiêng”.
Đồng thời, những nghề cổ trong mắt nhà thơ Vũ Từ Trang đâu chỉ là sự khéo léo hay sự nhẫn nại, mà còn chứa đựng những bí ẩn của cuộc đời, của tạo hóa. Chẳng hạn, nghề mộc ở Bắc Ninh, được ông lý giải bằng thơ: “Hàng trăm năm rồi quê tôi vẫn thế/ vẫn những người dân trần lưng làm thợ/ đục đục bào bào dựng lên chiếc ghế/ bao nhiêu chiếc ghế lại vào cung vua/ bao nhiêu hiểm họa lại nhiều hơn xưa”.
Gương mặt tài hoa Kinh Bắc đã rời xa chúng ta 4 năm. Ông đã trả xong món nợ với văn chương. Ông đã trả xong món nợ với trần gian. Còn cộng đồng đang mang một món nợ với nhà thơ Vũ Từ Trang, đó là sự tôn vinh tương xứng với những điều tốt đẹp mà ông gửi lại cho chúng ta, như ông từng đau đáu “Tôi đến, mùa đã muộn/ Đời mãi muộn phần tôi/ Chút hoa vàng sót lại/ Tấy đau bao nỗi người”.