| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang đã quyết tâm dập dịch tả lợn Châu Phi?

Thứ Bảy 25/05/2019 , 15:04 (GMT+7)

Ngay sau khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã vào cuộc dập dịch, tuy nhiên không phải nơi nào cũng quyết liệt và làm hết trách nhiệm.

Trước đó, ngày 20/5, tỉnh Hà Giang chính thức công bố có ổ DTLCP đầu tiên tại thôn Vén, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. 
 

Từ tâm dịch Tân Trịnh

Huyện Quang Bình là nơi phát hiện ổ dịch đầu tiên của tỉnh Hà Giang. Ngay sau khi có dịch, UBND huyện Quang Bình đã ra các văn bản số 94, 95, 1191… về việc công bố DTLCP đồng thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm khoanh vùng ổ dịch và dập dịch.

Các lực lượng chức năng kiểm tra tình hình DTLCP tại huyện Quang Bình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo các văn bản này, UBND huyện Quang Bình chỉ đạo: Tạm dừng việc giết mổ lợn, mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn trên dịa bàn xã Tân Trịnh; thành lập 10 tổ phun thuốc khử trùng tiêu độc tới các hộ dân tại 10 thôn bản; thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại xã; giao Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho các hộ gia đình theo quy định hiện hành…

Kế hoạch, văn bản chỉ đạo như thế, tuy nhiên công tác chống dịch ở đây chưa thực sự quyết liệt; việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các chốt chạm tạm thời còn mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng vận chuyển lợn không xác định nguồn gốc qua đường tiểu ngạch; người dân còn chông chờ kinh phí hỗ trợ vôi bột, thuốc khử trùng của nhà nước nên thiếu chủ động các biện pháp phòng chống.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Việc anh em đi phun, việc phun đúng, phun đủ, phun kỹ có lẽ chưa đáp ứng được”.

Khi PV hỏi việc phun thuốc tại các chốt mang tính hình thức như vậy có thể sẽ là cơ sở để dịch tả lây lan ra diện rộng, ông Vinh cho biết, việc phun ở khu chăn nuôi, các hộ gia đình sẽ triệt để hơn, còn việc phun tại các chốt sẽ khó triệt để. Ông Vinh cũng cho biết, do lợi ích kinh tế, tại huyện có tình trạng một số hộ dân đã vận chuyển, mua bán lợn không rõ nguồn gốc qua các địa phương. Việc này xảy ra tại xã Vĩnh Thượng.

Ông Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Việc anh em đi phun, việc phun đúng, phun đủ, phun kỹ có lẽ chưa đáp ứng được”. Ảnh: Toán Nguyễn.

Vậy nếu không làm nghiêm túc, chặt chẽ thì kinh phí, ngân sách Nhà nước cùng công sức của các lực lượng trên địa bàn huyện Quang Bình sẽ đi về đâu? Những con lợn đang sống trong chuồng của người dân có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào mà nguyên nhân có thể xuất phát từ việc lơ là, làm chưa hết trách nhiệm của các lực lượng chức năng.
 

Còn những kẽ hở

Tính đến ngày 25/5, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có 3 ổ DTLCP. Ngoài ổ dịch tại xã Tân Trịnh, có thêm 2 ổ dịch tại gia đình ông Hoàng Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thanh Hương, thôn Hợp Thành, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên; ổ dịch tại gia đình ông Nguyễn Xuân Trường, thôn Cào, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang. Như vậy có thể thấy diễn biến của dịch bệnh đang hết sức phức tạp. Thế nhưng, công tác chống dịch tại địa phương này còn nhiều kẽ hở.

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang kiểm tra việc vận chuyển lợn vào thành phố Hà Giang. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngày 22/5, tức 2 ngày sau khi tỉnh Hà Giang công bố có dịch, tại chốt kiểm dịch Vĩnh Tuy, nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, việc phun thuốc khử trùng của lực lượng tại trạm mang tính hình thức.

Trong số các xe đi qua, không phải xe nào cũng được phun thuốc. Trả lời về vấn đề này, ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, có thể là do những xe này ở gần đấy nên không cần phun.

Tối ngày 23/5, Ghi nhận tại chốt kiểm soát liên ngành đầu TP Hà Giang phát hiện chiếc ô tô biển số 23C-019.64 được lực lượng chức năng ra lệnh dừng lại tiến hành kiểm tra các thủ tục kiểm dịch. Tuy nhiên không hiểu lý do gì, lái xe lại tự ý “vượt mặt” lực lượng chức năng, qua chốt.

PV hỏi thông tin những người phụ trách tại tổ chốt thì được biết, lái xe viện lí do lợn quá nóng nên xin được chở lợn vào khu vực TP Hà Giang tắm cho lợn, tổ công tác lúc đó đã đồng ý cho xe này đi vào thành phố mặc dù chưa lấy mẫu hoặc kiểm tra thủ tục kiểm dịch, sau 15 phút mới gọi được lái xe quay lại. Khi PV hỏi vì sao lại để xảy ra sự việc, những cán bộ ở đây đùn đẩy trách nhiệm, không muốn trả lời.

 Chiếc ô tô biển số 23C-019.64 cố tình vượt chốt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngày 20/5, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 34-CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế DTLCP. Chỉ thị nêu rõ, coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội, tổ chức thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các giải pháp do Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP...

Thiết nghĩ ngành chức năng của tỉnh Hà Giang cần quyết liệt, công tâm trong việc phòng dịch và chống dịch. Bởi không làm tốt, ngoài việc lãng phí tiền ngân sách của nhà nước thì người thiệt hại lớn nhất sẽ là người nông dân chăn nuôi, trong đó có không ít hộ nghèo.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.