| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang và 'cuộc chiến' bảo vệ đàn ong nội

Thứ Sáu 17/11/2023 , 13:07 (GMT+7)

Gần chục năm qua, Hà Giang kiên trì bảo vệ chỉ dẫn địa lý 'Mèo Vạc', quy hoạch vùng trồng cây bạc hà để bảo vệ thương hiệu mật ong cao nguyên đá.

Anh Cháng Vảng Dình (thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ) chăm sóc đàn ong nuôi của gia đình. Ảnh: Kim Tiến. 

Anh Cháng Vảng Dình (thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ) chăm sóc đàn ong nuôi của gia đình. Ảnh: Kim Tiến. 

Kiên trì bảo vệ thương hiệu mật ong bản địa

Năm 2016, một số người dân xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn) đã mạnh mẽ tới mức cực đoan khi dứt khoát đuổi đàn ong ngoại do người dân địa phương khác mang đến đây đặt nuôi lấy mật, thậm chí còn vứt ra ngoài Quốc lộ 4C hàng trăm thùng ong ngoại khiến chủ những đàn ong này bức xúc vì nghĩ “bị phân biệt đối xử”.

Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang giải thích “đây là việc phải làm” bởi giống ong ngoại gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động nuôi ong, làm mất thương hiệu mật ong bản địa.

Hà Giang từ lâu nổi tiếng với những loài cây bản địa như tam giác mạch, bạc hà. Khi đến mùa hoa, người dân có thêm một nguồn thu không nhỏ từ mật ong nuôi trên những khu vực có diện tích hai loại hoa này, hình thành nên sản phẩm đặc sản là mật ong tam giác mạch, mật ong bạc hà.

Thài Phìn Tủng là một trong những xã có diện tích trồng cây bạc hà lớn và có số lượng đàn ong nuôi nhiều. Khi người địa phương khác mang ong ngoại lai đến nuôi, bà con lo ngại giống ong ngoại có thân hình to khỏe, khi không đủ hoa bạc hà để lấy mật sẽ quay sang hút mật từ các đàn ong nội, thậm chí cắn chết ong nội.

Một cơ sở nuôi ong bạc hà ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Kim Tiến.

Một cơ sở nuôi ong bạc hà ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Kim Tiến.

“Cuộc chiến” bảo vệ đàn ong nội được cả tỉnh Hà Giang vào cuộc: UBND huyện Đồng Văn yêu cầu bằng văn bản các tổ chức, cá nhân khác chỉ được đưa ong vào địa bàn huyện để khai thác mật khi được sự đồng ý của huyện; ưu tiên bố trí điểm đặt ong khai thác mật cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương trước, sau đó mới xem xét bố trí vị trí đặt ong của các chủ nuôi từ địa phương khác…

Sở NN-PTNT cũng cấm người dân ở 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn không sử dụng giống ong ngoại, đề nghị các huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn tổ chức, cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn để khai thác mật hoa bạc hà... Trước đó, tỉnh Hà Giang đã có văn bản nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý đưa đàn ong từ nơi khác vào địa bàn, di dời toàn bộ số đàn ong không phải giống địa phương ra khỏi địa bàn...

Những việc làm quyết liệt của Hà Giang, mục tiêu duy nhất là bảo vệ đàn ong nội và thương hiệu “mật ong bạc hà” đã dày công gây dựng.

Giữ thương hiệu

Từ lâu, Hà Giang nổi tiếng với sản phẩm mật ong bạc hà do có chất lượng rất tốt, nhiều công dụng. Thời điểm đắt và hiếm, giá mật lên đến cả triệu đồng/lít. Từ năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm “Mật ong bạc hà”, bao gồm khu vực 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.

Không chỉ có cây bạc hà, cao nguyên đá Đồng Văn còn có diện tích hơn 200ha trồng tam giác mạch, cũng là vùng nguyên liệu để phát triển nuôi ong. Ảnh: Huy Hà.

Không chỉ có cây bạc hà, cao nguyên đá Đồng Văn còn có diện tích hơn 200ha trồng tam giác mạch, cũng là vùng nguyên liệu để phát triển nuôi ong. Ảnh: Huy Hà.

TS. Phùng Hữu Chính, chuyên gia về ong mật phân tích: giống ong đang nuôi lấy mật bạc hà ở Hà Giang là ong nội dòng Apis Cerana. Đây là giống ong nội có khả năng chịu lạnh tốt, chỉ có ở vùng núi cao tỉnh Hà Giang. Ở góc độ khoa học, hiện tượng tranh cướp mật, cắn phá giữa các đàn ong ngoại và đàn ong nội xảy ra khi mật độ tập trung điểm nuôi, đàn ong quá dày, lượng hoa ít. Đặc tính đàn ong ngoại khỏe, đàn đông hơn, nên thiệt hại nặng là giống ong nội.

Giống ong nội của Hà Giang cho chất lượng mật thơm ngon hơn ong ngoại, dù mật có loãng hơn, không đặc sánh bằng mật do ong ngoại lấy về. Ở những vùng đã quy hoạch nuôi ong nội thì tốt nhất nên khoanh vùng, không đặt ong ngoại vào, tránh xung đột. Nếu có đặt ong ngoại thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 2 - 3 km.

Sản lượng “mật ong bạc hà Mèo Vạc” mỗi năm đạt khoảng 163.000 tấn, có giá bán cao gấp 2 - 3 lần so với loại mật ong các loài hoa khác. Giá trị kinh tế cao nên mấy năm qua, người nuôi ong từ các tỉnh khác ồ ạt lên khai thác hoa bạc hà gây xáo trộn sản xuất, gây thiệt hại, tổn thất kinh tế cho đồng bào dân tộc thiếu số có nghề nuôi ong.

Để bảo vệ bền vững nghề nuôi ong và chất lượng mật ong bạc hà, UBND huyện Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch vùng trồng, khoanh nuôi bảo vệ đối với cây bạc hà trên địa bàn huyện. Theo đó, tổng diện tích cây bạc hà trên đất Đồng Văn là hơn 1.124ha thuộc 16/19 xã, thị trấn, trong đó tập trung tại các xã như Lũng Táo (92ha); Vần Chải (200ha); Sủng Trái, Sà Phìn, Thài Phỉn Tủng (mỗi xã từ 100ha trở lên). Ba xã duy nhất trong huyện không có cây bạc hà là Lũng Cú, Ma Lé và Phố Là.

Nghề nuôi ong ở Hà Giang mang lợi thu nhập kinh tế khá lớn cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Kim Tiến.

Nghề nuôi ong ở Hà Giang mang lợi thu nhập kinh tế khá lớn cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Kim Tiến.

Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Văn Hà Văn Tuyến cho biết, tổng đàn ong của huyện là 15.152 đàn trong đó có gần 8.000 đàn do 841 hộ gia đình nuôi; 4.384 đàn do 7 tổ chức chăn nuôi (gồm Tổ hợp tác nuôi ong thôn Khó Chớ đặt tại xã Vần Chải; Doanh nghiệp, hợp tác xã là: 8 tổ chức = 4.384 đàn/7 xã (Tổ hợp tác Nuôi ong thôn Khó Chớ đặt tại xã Vần Chải; Công ty Hoa Đá và Công ty Trường Anh đặt tại xã Lũng Phìn và Sủng Trái; HTX Hà An đặt tại xã Sà Phìn; Trung tâm giống Phố Bảng và HTX Thành Đô đặt tại xã Thài Phìn Tủng; Tổ hợp tác Nuôi ong xã Tả Lủng). Số lượng đàn ong có thể nuôi thêm là 690 đàn/13 điểm tại 2 xã Sà Phìn và xã Sủng Trái.

UBND xã Sủng Là đang thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh với quy mô 450 đàn ong cho 24 hộ gia đình với tổng số vốn đầu tư là 450 triệu đồng; thực hiện dự án chuỗi liên kết sản xuất nuôi ong tại 2 xã Thài Phìn Tủng và Sà Phìn do 30 hộ tham gia nuôi 1.905 đàn, Phòng NN-PTNT được giao làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 2 tỷ đồng;

Ngày 18/9/2023, UBND tỉnh Hà Giang ra văn bản số 2960 chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ; UBND 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, Hội sản xuất mật ong tăng cường quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” và chất lượng cho sản phẩm mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang, nhất là khi một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất mật ong chưa chú trọng vận hành, tuân thủ theo đúng yêu cầu đã được xác lập và bảo hộ.

Sở Khoa học và Công nghệ với vai trò cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; rà soát, sửa đổi Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc”, xây dựng kế hoạch quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý và chất lượng sản phẩm Mật ong bạc hà để quản lý chặt chẽ, nâng cao giá trị, chất lượng và thương hiệu bền vững.

Ngày 18/11, Hội thảo Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong Bạc hà sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang chủ trì tổ chức. Hội thảo sẽ bàn về các nội dung: thực trạng hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc”; giải pháp thúc đẩy, tiêu thụ mật ong bạc hà ra thị trường nước ngoài; định hướng phát triển cây bạc hà phục vụ nuôi ong mật trong vùng chỉ dẫn địa lý; giải pháp công nghệ mới trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong bạc hà… để nâng tầm phát triển mật ong bạc hà trong giai đoạn tới.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.