| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang có giống bò vàng [Bài 4]: Hàng hóa đặc sản gắn với văn hóa

Thứ Ba 22/08/2023 , 08:35 (GMT+7)

Diện tích trồng cỏ nhỏ, tập quán canh tác còn manh mún, để nâng tầm giá trị con bò vàng Hà Giang, trước hết cần bắt đầu từ câu chuyện về chính nó.

Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, để nâng tầm giá trị của con bò vàng trước hết cần bắt đầu từ câu chuyện về chính nó. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, để nâng tầm giá trị của con bò vàng trước hết cần bắt đầu từ câu chuyện về chính nó. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang có cuộc trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về câu chuyện nâng tầm thương hiệu và giá trị kinh tế giống bò vàng Hà Giang.

Giá trị lớn nhưng thách thức không nhỏ

Thưa ông, giống bò vàng hay còn gọi là bò Mông là vật nuôi được nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang chọn nuôi để làm sức cày kéo cũng như phát triển kinh tế nông hộ, vậy tỉnh Hà Giang đã có những chính sách gì để thúc đẩy phát triển tổng đàn cũng như nâng tầm giá trị kinh tế của giống vật nuôi này?

Con bò vàng là giống đặc thù của tỉnh Hà Giang nên rất phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương như chịu rét tốt, chống chịu dịch bệnh, phù hợp với điều kiện sống khắc nghiệt trên vùng núi đá. Bò được người dân Hà Giang nuôi làm sức cày kéo vì phù hợp địa hình ruộng bậc thang, hay những nương nhiều đá. Do đó, ngoài ý nghĩa về kinh tế, hình ảnh con bò còn gắn liền trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang.

Bài liên quan

Thúc đẩy phát triển tổng đàn cũng như nâng cao giá trị kinh tế của con bò vàng, những năm qua tỉnh Hà Giang đã chú trọng phát triển con bò vàng Hà Giang cùng với thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa, giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Đề án đặt mục tiêu không ngừng nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong tỷ trọng ngành nông nghiệp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân, thúc đẩy phát triển chăn nuôi thành hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập của người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào chăn nuôi và chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô gia trại, trang trại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm…

Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy nâng cao chất lượng, giá trị của con bò vàng. Ảnh: Đào Thanh.

Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy nâng cao chất lượng, giá trị của con bò vàng. Ảnh: Đào Thanh.

Tỉnh cũng đã và đang triển khai chính sách thực hiện mục tiêu phát triển 5 cây, 3 con theo Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh luôn xác định con bò vàng Hà Giang, lợn đen bản địa và con ong cùng với cây bạc hà, tuy sản lượng ít nhưng giá trị cao.

Ngành Nông nghiệp Hà Giang cũng phối hợp với Viện Chăn nuôi, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khảo sát, đánh giá, bảo tồn đàn giống, lựa chọn giống tốt, khai thác tinh và hỗ trợ đào tạo thêm hệ thống cán bộ và thú y viên ở cơ sở, hỗ trợ thêm dụng cụ để phối giống cho bò.

Tỉnh cũng chủ trương khảo sát, đánh giá và phối hợp với các Vụ, Viện của các bộ, ngành nghiên cứu, phân tích chất lượng và cấp chỉ dẫn địa lý đối với con bò vàng. Ngày 19/4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã quyết định cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang, phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý tại địa bàn 44 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần. 

Về chính sách, tỉnh Hà Giang đã có và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi đại gia súc với hình thức cho vay không lãi, mức 50 triệu đồng và có khi cao hơn trong thời gian 2 năm.

Theo ông, đâu sẽ là những thuận lợi và khó khăn để phát triển chất lượng, số lượng cũng như nâng tầm vị thế thương hiệu của con bò vàng Hà Giang?

Con bò vàng Hà Giang có nhiều lợi thế, như giống bản địa giữ được nguồn gen quý, chất lượng thịt thơm, ngon khác biệt so với các giống bò khác. Đã có HTX bán thịt bò vàng lên tới 1,1 triệu đồng/kg. Như vậy, để biết giá trị kinh tế tiềm năng của giống vật nuôi này.

Bài liên quan

Cùng với đó, có thể khai thác nâng tầm thương hiệu con bò từ góc nhìn văn hóa và du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Bởi khi đến Hà Giang người ta thường ấn tượng nhiều về hình ảnh cao nguyên đá và những con người sống trong vùng núi đá.

Hình ảnh người Mông dùng bò để cày kéo trên nương đá, những phụ nữ hay em bé Mông gùi quẩy tấu cỏ thức ăn từ trên nương trở về cho bò hay hình ảnh những chuồng bò được xây dựng kiên cố của người dân vì người dân muốn bảo vệ nó, tài sản quý giá nhất trong mỗi gia đình… Tất cả những hình ảnh đó tạo nên cảm xúc riêng biệt về sản phẩm đặc biệt đó là con bò vàng của người Mông ở Hà Giang.

Về khó khăn, để phát triển nhân rộng tổng đàn bò Mông cũng có những rào cản. Bởi hiện nay việc mở rộng diện tích đồng cỏ ở Hà Giang rất khó, nhiều địa phương không có bãi chăn thả. Người chăn nuôi còn thủ công, tận dụng các sản phẩm nông nghiệp, cỏ lá rừng… Người dân không áp dụng phương thức chăn nuôi công nghiệp nên tỷ trọng tăng trưởng, tốc độ lớn của con bò hạn chế.

Là vùng cao nguyên đá cộng thời tiết khắc nghiệt do đó việc mở rộng diện tích đồng cỏ là rào cản cho việc phát triển con bò vàng ở Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Là vùng cao nguyên đá cộng thời tiết khắc nghiệt do đó việc mở rộng diện tích đồng cỏ là rào cản cho việc phát triển con bò vàng ở Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Tập quán canh tác truyền thống, chăn nuôi mang tính chất nông hộ nên quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún. Người dân chăn nuôi bò coi như một hình thức tích lũy tiết kiệm tiền trong gia đình, vì vậy khi gia đình có việc hoặc cần tiền hoặc bò có vấn đề về sức khỏe mới bán. Như thế, sẽ không đem lại được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, cũng như khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm thịt bò bán ra thị trường.

Ngoài khó khăn về vốn, về kỹ thuật chăm sóc phòng trừ dịch bệnh, về tiêu thụ sản phẩm khó khăn về thay đổi tư duy nhận thức của người dân sẽ là rào cản lớn mà không thể giải quyết nhanh trong thời gian ngắn. Cùng với đó việc bà con làm chuồng chăn nuôi ở gần nhà hay nuôi bò dưới gầm nhà sàn khiến vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng được đặt ra.

Do đó, để phát triển thương hiệu cũng như giá trị của con bò vàng Hà Giang, trước hết cần xây dựng nó trở thành sản phẩm hàng hóa mang tính đặc sản, đặc thù. Bởi nếu để đưa ra sản lượng với chu kỳ chăn nuôi vài trăm con/tháng thời điểm này sẽ rất khó.

Cần một doanh nghiệp đầu tàu xứng tầm

Để giải quyết những khó khăn mà ông đã nêu ở trên, cần hướng đi như thế nào?

Thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, tỉnh đã triển khai Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh Hà Giang, ngày 19/7/2019 về Phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Hiện, đã có HTX Cát Lý triển khai mô hình liên kết chăn nuôi bò vàng Hà Giang với hơn 100 hộ dân tại các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, Bắc Mê và Vị Xuyên. HTX cũng liên kết với Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phố Bảng để nghiên cứu, bảo tồn và nhân rộng giống bò vàng bản địa thuần chủng. Chính quyền cũng thực hiện hỗ trợ trung tâm này máy bảo quản tinh đông lạnh của con bò và hỗ trợ thú y, dụng cụ phối giống.

Sự liên kết, đồng hành của chính quyền và doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển con bò vàng ở Hà Giang. Ảnh: Ngọc Tú.

Sự liên kết, đồng hành của chính quyền và doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển con bò vàng ở Hà Giang. Ảnh: Ngọc Tú.

Qua chương trình liên kết nhằm thực hiện quản lý tốt hơn con bò vàng bố mẹ và con bê con khi sinh được kiểm soát xem xét dịch bệnh và tốc độ tăng trưởng để sau này có đánh giá, nhân rộng đàn giống tốt, nhằm tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của nuôi bò.

Trong tương lai, để phát triển hơn nữa mô hình liên kết, tỉnh Hà Giang cần có một doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh, có khả năng liên kết và phải tâm huyết, thực lòng muốn tham gia liên kết đầu tư chăn nuôi.

Phải liên kết các nhóm, tổ hợp tác thông qua chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ tạo nên một đàn bò thuần chủng, mang tính đồng nhất, đảm bảo chuẩn từ con giống, quy trình chăm sóc, lịch sử thú y đến bao tiêu sản phẩm.

Hiện, đàn bò vàng của tỉnh Hà Giang là khoảng 120.000 con. Tổng diện tích trồng cỏ dao động từ 16.000 - 20.000ha, với các giống cỏ voi, cỏ VA06, cỏ Guatemala… Tỉnh Hà Giang mong muốn Bộ NN-PTNT tạo điều kiện bố trí nguồn lực để thực hiện một dự án hỗ trợ bảo tồn, phát triển giống bò vàng Hà Giang. Mong muốn Bộ tham mưu, đề xuất Chính phủ xem xét có cơ chế đặc thù về chính sách hỗ trợ vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật cho các hộ trực tiếp chăn nuôi trên địa bàn ở các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Mỹ mãn vụ xuân xứ Nghệ

Đối diện với nhiều bất thuận nhưng nông dân Nghệ An vẫn hưởng trọn niềm vui trong vụ xuân 2024.

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.