Quyết định đóng cửa mỏ được công bố từ năm 2018, nhưng đến năm 2022, giới chức Hà Lan buộc phải hoãn đóng các van do thị trường năng lượng toàn cầu bất ổn vì tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trước khi phải đóng cửa hoàn toàn, giới chức địa phương đã duy trì hoạt động của 11 cơ sở khí đốt ở mỏ Groningen trong 1 năm qua để phòng trường hợp "mùa đông khắc nghiệt".
Mỏ Groningen được đưa vào khai thác từ năm 1963. Trong suốt hơn 20 năm qua, người dân sống gần khu vực này liên tục phản ánh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các trận động đất do hoạt động khai thác gây ra, khiến nhà cửa và nhiều công trình khác bị hư hại.
"Nhiều người dân ở khu vực đang gặp vấn đề về tâm lý do hoạt động khai thác khí đốt", Jan Wigboldus, chủ tịch hiệp hội đại diện cho người dân địa phương, nói với hãng tin AFP.
Trong chuyến thị sát khu vực mỏ Groningen hôm 29/9, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết rằng hàng chục nghìn trẻ em ở đây đang sống trong môi trường tồi tệ, theo hãng thông tấn ANP của Hà Lan.
Hồi năm 2018, người dân ở khu vực này bày tỏ vui mừng khi chỉnh phủ thông báo đóng cửa mỏ Groningen, song chuyên gia khi đó cảnh báo rằng các trận động đất có thể tiếp tục trong nhiều năm tới.
Theo AFP, trong những tháng gần đây, các đường ống cũ của mỏ Groningen đã được tháo dỡ và chất "thành núi" ở gần khu vực mỏ. Nhiều ngôi nhà trong khu vực Groningen đang được cải tạo hoặc xây lại với kết cấu vững chắc hơn, có thể chịu được động đất.
Khoảng 2.300 tỷ m3 khí đốt đã được khai thác từ mỏ này trong những năm qua, theo Shell. Mỏ khí đốt Groningen đã đem về khoảng 429 tỷ euro (450 tỷ USD) trong giai đoạn 1963 - 2020, 85% số tiền đó được chuyển vào kho bạc nhà nước.