| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội có 86ha rau an toàn được cấp mã số vùng trồng

Thứ Sáu 15/12/2023 , 10:43 (GMT+7)

Tính đến tháng 12/2023, Hà Nội có 27 vùng trồng rau được cấp mã số với diện tích hơn 86ha, giúp nâng cao giá trị nông sản và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Phương Thảo.

Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Phương Thảo.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, tính đến tháng 12/2023, tổng số vùng trồng đã được cấp mã số trên địa bàn thành phố là 138 vùng, với diện tích hơn 1.152ha. Trong đó trên cây rau 27 cơ sở với diện tích 86ha.

Để phục vụ tốt nhu cầu nội địa và xuất khẩu, việc xây dựng mã số vùng trồng rau an toàn là một trong những cơ sở quan trọng. Bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội đã chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về tình hình cấp mã số vùng trồng các loại nông sản trên địa bàn thành phố.

Phục vụ nội tiêu và xuất khẩu

Theo bà Hằng, trong xu thế phát triển về nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, đa dạng sinh học, vấn đề nâng cao giá trị trong sản xuất nông sản và đảm bảo an toàn thực phẩm được xác định là mục tiêu quan trọng.

Trong bối cảnh đó, định hướng nông nghiệp hữu cơ đã được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất an toàn đối với rau, lúa. Trong đó, mã vùng trồng là một cơ sở để đạt được mục tiêu này.

Thời gian qua, Chi cục đã triển khai công tác cấp mã số vùng trồng để định danh các khu vực trồng rau sạch, nông sản sạch phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Trong định hướng chung, HĐND TP. Hà Nội với sự tham mưu của Sở NN-PTNT đã ban hành Nghị quyết 08 có các chính sách hỗ trợ cho vay cấp mã số vùng trồng, giúp bà con nâng cao giá trị, có định danh và phục vụ xuất khẩu.

Bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội. Ảnh: Phương Thảo.

Bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội. Ảnh: Phương Thảo.

Bà Lưu Thị Hằng cho biết, Chi cục đã mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cho bà con ở các địa phương về quy chuẩn, tiêu chuẩn để duy trì và cấp mã số vùng trồng. Hiện, công tác cấp mã số vùng trồng đang ưu tiên tập trung ở các vùng có diện tích sản xuất lớn: Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ, Gia Lâm…

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, tính đến tháng 12/2023, tổng số vùng trồng đã được cấp mã số trên địa bàn Thành phố là 138 vùng, với diện tích hơn 1.152ha. Trong đó, có 124 vùng trồng cấp mã số phục vụ nội địa, diện tích hơn 794ha, trong đó trên cây lúa 56 cơ sở với diện tích hơn 447ha, trên cây rau 27 cơ sở với diện tích 86ha, trên cây ăn quả 34 cơ sở với diện tích 231ha, cây dược liệu, hoa cây cảnh 7 cơ sở với diện tích 29,5ha.

Vùng trồng cấp mã số phục vụ xuất khẩu có 14 vùng, diện tích hơn 357 ha, gồm: 3 mã cấp cho cây nhãn thị trường xuất khẩu Australia, NewZealand, Mỹ, Trung Quốc, diện tích 7 ha; 3 mã cấp cho cây bưởi thị trường xuất khẩu Châu Âu, diện tích hơn 36 ha; 8 mã cấp cho cây chuối thị trường xuất khẩu Trung Quốc, diện tích hơn 314 ha.

Hàng năm, Chi cục tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các vùng trồng đã được cấp mã số. Kết quả, các vùng trồng đều đáp ứng yêu cầu theo quy định, đảm bảo các điều kiện duy trì theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và Cục Bảo vệ thực vật về việc hướng dẫn công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

Các sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội có chất lượng cao được xuất khẩu đi các nước, gồm: Nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai) xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...

Còn khó khăn trong hình thành chuỗi liên kết

Bên cạnh những thuận lợi, bà Lưu Thị Hằng nhìn nhận, công tác thúc đẩy sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ còn gặp khó khăn trong việc hình thành các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị thu nhập cho bà con nông dân. “Sản lượng thông qua số hợp đồng bao tiêu bán ra khiêm tốn, chỉ chiến 20 - 30%, còn lại 70 - 80% là tiêu thụ qua các tư thương và chợ dân sinh. Bên cạnh đó, nhiều chợ cóc, chợ tạm vẫn được duy trì và được người tiêu dùng lựa chọn. Những điều này khiến cạnh tranh trong sản xuất rau an toàn và không an toàn còn chênh lệch nhiều, ảnh hưởng đến giá trị của người sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn”, bà Hằng phân tích.

Hà Nội có 27 vùng trồng rau được cấp mã số với diện tích hơn 86ha. Ảnh: Phương Thảo.

Hà Nội có 27 vùng trồng rau được cấp mã số với diện tích hơn 86ha. Ảnh: Phương Thảo.

Để nâng cao chất lượng cây trồng, đảm bảo ổn định đầu ra có cam kết bao tiêu, trong thời gian tới, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo các giảng viên nòng cốt từ IPM lên IPHM, để tạo mạng lưới lực lượng lan tỏa kiến thức về quản lý sức khỏe tổng hợp cây trồng đến từng bà con nông dân.

Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND Thành phố ban hành kế hoạch định hướng sức khỏe cây trồng IPHM 2023 - 2030, trong đó, đề ra các mục tiêu đối với từng loại cây trồng đáp ứng số hộ nông dân được đào tạo IPHM.

“Căn cứ kế hoạch, Chi cục sẽ xây dựng các khóa đào tạo, lớp tập huấn, mô hình thực tế để nhân rộng công tác quản lý sức khỏe cây trồng trong sản xuất trồng trọt, không chỉ đối với cây rau mà còn với các loại cây trồng khác”, bà Lưu Thị Hằng thông tin.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,5 - 3%/năm. Tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt mỗi năm tăng 0,4 - 0,7% trở lên. Phấn đấu diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 30 - 40%, nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tổng diện tích gieo trồng.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.